Ký xong hợp đồng thử việc thời hạn hai tháng, mức lương 1,6 triệu đồng/tháng với công việc bảo trì máy dệt ở Công ty Việt Thành (Khu công nghiệp Bình Đường, huyện Dĩ An, Bình Dương), tôi được trưởng ca dẫn đến giao cho Ninh, một công nhân bảo trì có 10 năm kinh nghiệm, để học nghề. Trưởng ca vừa quay đi, Ninh nhìn tôi ái ngại nói: “Làm chỗ này tay chân dầu mỡ, lương thấp lắm. Sao không xin bộ phận khác làm?”.
Phóng to |
Phóng to |
“Cày lâu sẽ quen”
Nhóm bốn công nhân mới chúng tôi được giao nhiệm vụ lắp ráp lại máy thoi sau khi máy đã được làm vệ sinh xong. Chúng tôi leo lên giàn gỗ cách mặt đất hơn 2m và chia ra hai người lắp ráp kim, hai người còn lại đứng hai bên phân loại kim để đưa cho hai người kia lắp vào.
Phân xưởng vốn đã nóng hầm hập, ngồi trên giàn gỗ sát với trần nhà lại càng nóng hơn, ai cũng đổ mồ hôi như tắm. Hai công nhân kia xâu được một nửa số kim thì đến lượt tôi và Tấn vào thay. Tấn vào làm trước tôi hơn một tháng nên nhận phần khó hơn là leo lên máy thoi xỏ kim, tôi ở phía dưới chỉnh kim xuyên qua các lỗ. Cứ một lúc tôi lại lấy cánh tay áo lau mồ hôi đầm đìa trên mặt. Bốn người chúng tôi mất hơn ba giờ ngồi trên giàn gỗ để hoàn thành việc xâu kim. Bước xuống đất đầu tôi choáng váng, đom đóm bay vòng vèo trước mắt.
Trong những giờ nghỉ trưa ngắn ngủi, mọi người thường trò chuyện về mức lương ở các bộ phận trong công ty, rồi so sánh lương công ty mình với công ty khác. “Công ty bên cạnh mới vào đã 1,9 triệu đồng, bên này có 1,6 triệu. Lương thấp mà nhọc quá, chắc sắp tới tao nghỉ”, Thanh (quê Quảng Trị) mới vào làm hơn một tháng nói. Ngày hôm sau không thấy cậu ấy đi làm nữa.
Hằng tuần công ty đều đưa người mới vào nhận việc, nhiều người khác cũng bỏ việc ra đi. Ninh bảo tôi nhắm làm được thì làm, không thì rút hồ sơ đi xin việc khác chứ để lâu công ty không trả lại hồ sơ thì phí. Tôi nói với Ninh để qua vài ngày xem có chịu nổi không sẽ quyết định. Tính Ninh ít nói, cứ cầm đồ nghề lầm lũi đi sửa hết máy này đến máy khác.
Ninh không nhớ hết từ trước đến giờ trưởng ca đã giao cho mình bao nhiêu công nhân mới để dạy nghề, số ở lại rất ít mà bỏ đi thì nhiều. Nhiều người mới vào làm một ngày đã nghỉ luôn, người khác cố gắng làm gần một tháng chưa lãnh được đồng lương nào đã nghỉ. Trước Ninh vào làm trong công ty này một thời gian rồi xin nghỉ, rồi xin vào làm trở lại. Tổng cộng thời gian Ninh làm ở đây cũng đến khoảng chục năm. Những công nhân bảo trì gắn bó với công ty như Ninh, Thành chỉ đếm trên đầu ngón tay. Thu nhập của Ninh hiện nay khoảng 5 triệu đồng/tháng, là con số mơ ước của các công nhân mới vào làm. Nhưng không phải công nhân nào cũng có thâm niên cao để lãnh chừng ấy tiền.
Chị Hiền làm ở khâu thu gom cuộn chỉ cho biết trước đây chị đứng máy một thời gian nhưng chịu không nổi nên chuyển. “Càng ngày mắt càng kém, đi làm không được nữa đành phải chuyển qua công việc hiện nay, thu nhập ít hơn”, chị Hiền nói với vẻ buồn rầu.
Lương và nợ
Lương tháng 7 được công ty chia thành ba đợt trả vào tháng 8, ngày 5 nhận một phần, ngày 15 nhận một phần và đến 25 mới được nhận hết. Công nhân kháo nhau công ty trả lương như vậy để hạn chế tình trạng công nhân nghỉ việc. Ai tự ý nghỉ thì phải làm đến ngày 25 tháng sau mới lấy hết lương tháng trước, còn không thì bỏ không lấy lương. Nghỉ việc mà muốn lãnh lương phải báo cáo lý do, viết đơn mới được thanh toán lương. Khi ký hợp đồng công ty có nêu điều kiện công nhân phải cam kết làm ít nhất hai năm, nếu nghỉ ngang thì phải bồi thường chi phí đào tạo. Ngại khoản này nên ai muốn nghỉ cứ âm thầm nghỉ, bỏ luôn số tiền lương chưa lãnh của mình.
Nghe tôi nói sẽ nghỉ làm, mọi người không ai bất ngờ. Tấn làm cùng bộ phận bảo trì với tôi bảo chừng nào tìm việc khác tốt hơn mới chuyển. Có bằng cao đẳng ngành cơ khí, lương thử việc của Tấn được 1,8 triệu đồng. Số tiền ít ỏi mang từ quê vào trong tháng đầu đã xài hết, Tấn đi mượn bạn bè xung quanh chờ lương. Nhận lương đợt 1 Tấn trả nợ gần hết và lại tiếp tục mượn rồi trả... cứ thế trong những đợt lương sau. “Phòng tao ở hai đứa, mỗi tháng gần 600.000 đồng, nấu ăn một bữa ít nhất cũng tốn 25.000-30.000 đồng. Ở đây thứ gì cũng đắt”, Tấn than thở. Tấn đang chờ vài hôm nữa sẽ có bạn ở quê vào xin làm công nhân, khi đó tiền phòng chia ra sẽ ít hơn, ba người ở chung cũng dễ mua đồ nấu ăn. Tấn tính ráng làm công nhân một thời gian, tích cóp được tiền sẽ thi vào đại học để cuộc sống sau này khá hơn.
Nhận được 800.000 đồng lương đợt 1, Hoan - chàng công nhân 19 tuổi, quê Thanh Hóa - đưa hết cho chị gái lo tiền cơm nước. Gia đình Hoan ở quê làm ruộng, có sáu anh chị em thì vào Nam hết ba. Hiện nay Hoan sống cùng phòng trọ với hai chị và anh rể. Hoan và chị còn lại dự tính khi công việc ổn định sẽ dọn ra thuê phòng ở riêng. Hôm đầu tiên đi làm, trong công ty chỉ có một mình Hoan là “lính mới”. Kết thúc ngày làm việc hôm đó, Hoan định xuống văn phòng xin lại hồ sơ để tìm việc khác. “Xuống gặp một bác bảo vệ. Bác ấy động viên mình đủ thứ. Thế là ở lại làm”, Hoan kể.
Thường thì sáng Hoan ăn cơm do chị nấu, thi thoảng ra ngoài ăn hủ tiếu, bún... Hoan chọn chỗ quen có giá từ 6.000-10.000 đồng. Kết thúc một ngày làm việc, Hoan lủi thủi đi bộ về phòng trọ cách công ty vài trăm mét. Tắm rửa xong, loanh quanh chơi trong khu trọ rồi về ngủ sớm để mai đi làm.
Hôm vừa rồi Hoan hồ hởi khoe chuẩn bị được đi làm từ 6g sáng đến 17g. Điều đó có nghĩa là làm chính thức, lương sẽ là 1,7 triệu đồng, cộng thêm tiền phụ cấp và thi đua nữa mỗi tháng sẽ được hơn 2 triệu đồng. “Đã vào đây làm thì phải làm cho được, chứ chắc chắn sẽ không trở về quê”, Hoan thổ lộ.
7g30 sáng tôi đến làm việc, 11g trưa nghỉ ăn cơm, 11g30 làm tiếp. Đến 15g30 tôi ra khỏi công ty. Trên đường về nhà trọ đầu tôi trống rỗng, hai bàn tay tê dại, toàn thân nhức mỏi. Với mức lương 1,6 triệu đồng, mỗi ngày làm tám giờ như vậy tính ra tôi được trả hơn 50.000 đồng. Nếu tôi vào làm chính thức với mức lương 1,7 triệu đồng, cộng thêm các khoản phụ cấp thì tổng thu nhập được hơn 2 triệu đồng, nhưng phải làm từ 6g sáng đến 17g. Tính ra mỗi ngày công khi đó làm đến 11 giờ/ngày cũng chỉ được gần 100.000 đồng cho mỗi ngày. |
________________________
Có những vùng hoang sơ nông nghiệp, một ngày khi khu công nghiệp về đã trở thành khu phố thợ. Và bên trong đó là cuộc sống, số phận mới của những người công nhân...
Kỳ tới: Những khu phố thợ
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận