Các con ông đang đi học buộc phải nghỉ giữa chừng. Thời chiến khó khăn, hai tem phiếu của ông bà nuôi con cái đã bữa tạm bữa vơi, giờ lại chỉ còn một tem phiếu của người vợ là bà Đặng Thị Thọ.
Nhưng nỗi đau lớn nhất trong lòng bà là không tin chồng cố tình làm sai trái. Vì hơn ai hết, chính bà hiểu ông đã sống như thế nào cho lý tưởng của mình.
Hai bộ quần áo và bao mùn cưa
Từ hồi lìa bỏ danh gia vọng tộc nhà buôn Nghĩa Tường ở phố Hàng Ngang, Hà Nội, để lặn lội theo Tạ Đình Đề vào chiến khu kháng Pháp, bà Thọ chưa bao giờ thấy chồng mình có tài sản gì ngoài hai bộ quần áo cũ kỹ bên người, vậy mà ông vẫn sẵn lòng cho người khác.
Tạ Đình Đề bôn ba ra nước ngoài theo kháng chiến, bao phen vào sinh ra tử, rồi sau năm 1954 lại trải nhiều chức vụ ở ngành đường sắt. Thế mà, căn nhà riêng ông cũng không có, phải ở nhờ nhà vợ. Vậy ông vơ vét cái gì, tham ô cái gì?
Ngày 29-1-1975, sau bao đêm thức trắng và khóc cạn nước mắt, bà Thọ đã viết bức tâm thư kêu cứu cho chồng:
"Kính thưa quý tòa!
...Tôi không dám nói rằng chồng tôi không có tội và cũng không có ý định kể công trạng của chồng, nhưng chúng tôi sống với nhau gần 30 năm nay nên chúng tôi cũng rất hiểu tính nết và tư tưởng của chồng mình.
Chồng tôi chỉ là một người luôn nghĩ đến việc công, từ khi còn là thanh niên 17 - 18 tuổi đầu đến nay 58 tuổi, 40 năm chồng tôi luôn luôn phục vụ cách mạng, phục vụ Tổ quốc, chưa hề phạm một kỷ luật nào, một lòng tuyệt đối trung thành với Đảng...
Kính thưa quý tòa! Chồng tôi có thể phạm một số sai lầm trong công tác quản lý kinh tế, nhưng tôi có thể khẳng định một cách chắc chắn rằng: chồng tôi không tham ô của Nhà nước, bởi vì ngoài đồng lương do Nhà nước đài thọ, chồng tôi không hề mang một tí gì về cho gia đình ngoài một vài bao mùn cưa hằng tháng là tiêu chuẩn được mua như những anh em khác, không những thế suốt từ năm 1969 đến nay, chồng tôi không hề nghỉ một ngày chủ nhật, kể cả phép năm, ngày đêm lăn lộn làm việc cho Nhà nước, bỏ cả việc trông nom, chăm sóc gia đình.
Vợ con kêu ca thì chỉ một lời động viên: "Còn sống ngày nào, còn phải phục vụ ngày ấy". Chồng tôi làm việc như vậy, hoàn toàn do nhiệt tình với cách mạng, do lòng tuyệt đối trung thành với Đảng, chứ không phải mưu cầu lợi ích cho cá nhân.
Kính thưa quý tòa! Xin tòa xử cho cả quá trình hoạt động cách mạng của chồng tôi, xét đến hoàn cảnh gia đình chúng tôi khó khăn không còn trông cậy được vào đâu, chúng tôi kính xin quý tòa tha cho chồng tôi được về với vợ, với con, để được sống những năm tháng cuối cùng của cuộc đời với gia đình...".
Không rõ người có thẩm quyền đọc tâm thư này cảm xúc thế nào, nhưng nhiều người hiểu Tạ Đình Đề đã bật khóc cho hoàn cảnh ông.
Nguyên tổng cục phó Tổng cục Đường sắt Lê Minh Đức nghe người bạn từng là sếp, rồi cán bộ dưới quyền mình bị điều tra tội tham ô, cũng sững sờ. Làm sao ông quên được kỷ niệm đi công tác về, đã mua tặng bạn Đề cái cối xay cua.
Ông ghé ngôi nhà trống huơ trống hoác mà Tạ Đình Đề cũng phải trú nhờ bên vợ. Thấy bạn ái ngại cảnh nghèo khó của mình, Tạ Đình Đề cười khà khà: "Mày đừng khinh tao. Tao giàu nhất Hà Nội đấy. Hỏi xem có ai nhiều bạn bằng tao không?".
Người bạn từng gắn bó với Tạ Đình Đề từ hồi còn học sinh đến cuối đời là ông Hoàng Giáp cũng rất ngạc nhiên và buồn: "Nếu kết tội ông Đề đem đồ đi cho thì còn tin, chứ tính ông ấy chẳng thể nào vơ vét được của ai vào mình".
Suốt cả cuộc đời, ông Giáp chưa bao giờ thấy bạn mình dư dả dù chỉ một bữa ngon. Thi thoảng ngồi với nhau, bữa cơm Tạ Đình Đề đãi bạn thường chỉ là tép rang, rau luộc lấy nước làm canh. Ông Đề cũng ăn rất ít, chỉ lào phào vài đũa và ngồi gắp cho bạn để tếu táo chuyện vui.
Tình lý và oan sai
Giam Tạ Đình Đề suốt hai năm, người ta điều tra ông hàng loạt tội danh. "Ngoài trọng tội tham ô, ông Đề còn bị điều tra nhiều tội phức tạp khác như chiếm dụng, phá hoại, lấy cắp thiết bị Nhà nước; kinh doanh trái chính sách; làm ăn phi pháp; sử dụng các thành phần bất hảo có tiền án chính trị, buôn lậu; tàng trữ thuốc nổ...", nhiều năm nhắc nhớ chuyện cũ, ông Lê Minh Đức vẫn không quên vấn đề nghiêm trọng này của người bạn.
Chính ông Đức và cả ông Hà Đăng Ấn, nguyên tổng cục trưởng Tổng cục Đường sắt Việt Nam, đã gõ cửa ông Hoàng Quốc Việt, viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, để lấy tư cách cấp trên giải oan một số vấn đề cho Tạ Đình Đề.
Ông Đức giải thích rõ: "Thuốc nổ trong Xưởng cao su của anh Đề là do tôi. Viện trưởng cứ đọc sổ họp giao ban của Bộ Giao thông vận tải sẽ rõ". Nội dung là năm 1972, Mỹ đánh phá miền Bắc khốc liệt. Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Phan Trọng Tuệ họp yêu cầu sản xuất trái hỏa mù để bảo vệ cầu đường trước kỹ thuật oanh tạc chính xác bằng tia laze.
Máy bay "chỉ điểm" dùng tia laze xác định phễu tọa độ thả bom. Cách đánh này chính xác mục tiêu, gây thiệt hại nặng nề. Để đối phó, lực lượng dưới đất cho nổ trái hỏa mù tạo khói dày khiến tia laze không thấy đường chỉ điểm.
Công việc phân xuống Xưởng cao su đường sắt có văn bản chỉ đạo rõ ràng. Tạ Đình Đề có kinh nghiệm vũ khí chiến trường, vừa có các máy móc có thể sản xuất nhanh. Đúng tuần sau, ông Đề báo cáo bộ phận sản xuất sẵn sàng.
Đến giờ, ông Đức vẫn nhớ những trái hỏa mù Tạ Đình Đề thử nghiệm trước đại diện quốc phòng và ngành giao thông cho kết quả rất tốt. Sau chúng đã được đem vào sử dụng ở chiến trường cho đến khi Mỹ chấm dứt oanh tạc. Hiệp định Paris ký kết.
Ông Đề không phải làm hỏa mù nữa. Thuốc nổ còn, ông xin phép chôn bỏ. Ông Đức trả lời chờ ý kiến quân đội, tạm bảo quản an toàn tại chỗ... Khi khám xét xưởng, người ta đã tìm thấy lượng thuốc nổ này, và nó đã thành tai họa cho Tạ Đình Đề.
Riêng kết luận điều tra hành vi phá hoại máy móc, thiết bị của Tạ Đình Đề, ông Đức cũng trình bày rõ đó là bộ thiết bị đắp lốp ô tô nhập về bị máy bay Mỹ đánh phá hư hỏng mà một số vẫn còn rõ dấu đạn bom.
Ông Đức đã ký công văn đề nghị Bộ Giao thông vận tải cho ngành đường sắt xem xét, tận dụng được cái gì thì tận dụng, tránh lãng phí. Và Tạ Đình Đề đã tận dụng điều này. Máy cán cao su để lại xưởng sản xuất.
Máy đắp lốp được giao cho Nhà máy sửa chữa ô tô Hòa Bình sửa chữa để sử dụng phục vụ chiến trường. Tạ Đình Đề không có hành vi phá hoại, lấy cắp gì trong việc này.
Một kết luận điều tra nhạy cảm khác là Tạ Đình Đề thu nạp nhiều công nhân có lý lịch phức tạp cũng được ông Đức báo cáo rõ ràng với Viện trưởng Hoàng Quốc Việt là Tạ Đình Đề chỉ vì xót anh em cơ nhỡ, thất nghiệp, sợ họ tái sa vào đường cũ, nên giải quyết công ăn việc làm.
Mục đích cải tạo, phục thiện con người, bảo vệ an ninh xã hội, và kết quả là không có một công nhân nào tái vi phạm pháp luật. Nếu Tạ Đình Đề có tội thì chỉ là "tội thương người"...
Tuy nhiên, sau đó Tạ Đình Đề vẫn phải ra tòa và trở thành một "địa chấn" giữa Hà Nội.
Từ thời cùng xông pha lửa đạn kháng chiến, ông Hoàng Giáp đã hiểu rõ tính cách Tạ Đình Đề hào sảng, coi thường danh lợi. Thấy ai nghèo khổ hơn mình, ông sẵn sàng tặng hết vật liền thân, dù đó là nắm cơm vắt tiêu chuẩn ngày lính trận của ông.
Thậm chí, ông Đề còn mang tiếng là người hay đi xin, nhưng là xin người lắm của để phân phát cho người nghèo hơn. Hồi phụ trách chuyển hàng viện trợ ở biên giới, ông có thể "cầm" về bao thứ cho mình nhưng chưa bao giờ xảy ra hay bị điều tiếng gì chuyện đó...
---------------
Phiên tòa đông đến mức người dân từ các tỉnh kéo lên phải ngồi cả ra đường, nghe loa. Phán quyết tòa án cũng chính là phán quyết lương tâm mà người dân miền Bắc mong đợi cho anh hùng của họ - Tạ Đình Đề.
Kỳ tới: Phiên tòa đặc biệt
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận