Viên quan năm Burnizgou mà ông Ba Đăng được cài cắm ngay trong nhà riêng ở Hà Nội, hét lên bằng mọi giá phải lấy đầu Tạ Đình Đề. Và mặc dù bị "săn đầu" 5 vạn bạc Đông Dương nhưng vẫn chưa ai đụng đến được tay súng kiêu bạt này.
Đánh phá đường quân xa
Nhiều lần, đích thân Tạ Đình Đề vào nội thành lấy tin. Ông để ria mép, đeo kính, giả làm thương nhân, khẩu walther 9 li lúc nào cũng kè kè ở lưng.
Từ vùng Cống Thần, Chợ Đại, Hà Nam, ông theo ngã Văn Điển vào Hà Nội. Dọc đường có nhiều cơ sở làm "tai mắt". Người đóng vai kéo xe, giả cô hàng xén, kể cả cậu bé đánh giày dò la động tĩnh của mật thám Pháp.
Anh Tạ Mạnh Tiến, con thứ của ông Đề, đến giờ vẫn nhớ những năm 1960 ông Đề đang chở anh đi chơi phố Hà Nội thì bất ngờ có người gọi giật: "Đề, đi đâu đấy?". Anh Tiến thấy một ông già vá xe đạp bên đường đang vẫy bố con anh rối rít. Tạ Đình Đề chào lại và nói với con: "Tai mắt của bố hồi đánh Pháp".
Thời chín năm kháng Pháp, trên đường 5 từ Hải Phòng về Hà Nội, cách đánh gan dạ, bất ngờ thể hiện đúng cá tính Tạ Đình Đề và đội biệt động. Họ dùng mìn phá quân xa và biến mất như những bóng ma. Ông Ba Đăng nhớ có lần đội biệt động phá hủy được cả toa đạn pháo đang vận chuyển trên xe lửa từ ga Hải Phòng về Hà Nội để chuẩn bị cho các cuộc hành quân...
Nhà nghiên cứu người Pháp Frédéric Hulot trong cuốn lịch sử Đường sắt Pháp ở Đông Dương và Vân Nam đã kể lại nỗi ám ảnh này: "Quân đội Pháp tiến hành phục hồi trục đường sống còn Hải Phòng - Hà Nội...
Các bốt quân sự cách nhau 4 - 5km. Mỗi đêm có 5 - 6 lính lê dương cùng 20 lính An Nam chiếm giữ công sự, nhưng không thể ngăn cản hoàn toàn quân đặc công Việt Nam luồn chỗ này chỗ nọ để đặt mìn hoặc tháo đường ray. Mỗi buổi sáng, đoàn tàu đầu tiên phải đẩy một, hai toa bọc thép chất đầy đất đá để mở đường nhưng không hiệu quả".
Về sau, quân Pháp còn dò mìn bằng cách mỗi sáng cho lính lê dương cầm chùy sắt đi đập dọc đường ray, và chỉ hai tháng đã chết 42 lính lê dương. Những "bóng ma" đội biệt động Tạ Đình Đề đã gieo rắc nỗi kinh hoàng trên cung đường quân vận huyết mạch.
Tiêu diệt biệt kích Pháp
Bà Phạm Thị Hiền, nguyên chiến sĩ Đoàn thanh niên cứu quốc thành Hoàng Diệu mùa đông máu lửa năm 1946, đến giờ vẫn nhớ một chuyện đặc biệt: "Thế hệ chúng tôi ai cũng có những câu chuyện rất đẹp về anh Tạ Đình Đề. Đời thường anh sống rất trượng nghĩa. Nhưng trong chiến đấu, anh sắt đá lắm".
Bà Hiền quê Phú Xuyên, Hà Tây, rất thông thạo tuyến đường giao liên từ Hà Nội vào - ra khu kháng chiến. Pháp cũng liên lục tung quân đánh phá các con đường này, để cắt đứt đường tiếp vận cho quân kháng chiến.
Thuở đó, trên tuyến Hà Tây về Thanh Hóa thường có đội biệt kích do một viên trung úy Pháp chỉ huy mật phục. Bà Hiền ngày ấy là thiếu nữ xinh xắn, lại bập bẹ được tiếng Pháp, nên cấp trên giao dò la đội biệt kích này.
Giả làm người đi buôn, bà dần dần phát hiện được họ hay phục đêm trong đồng lúa bên đường. Nếu gặp quân kháng chiến ít người, đội biệt kích này trực tiếp đánh hoặc bắt lấy khẩu cung. Nếu đối phương đông hơn, họ báo máy bay ném bom hoặc gọi về cho lực lượng lớn vây đánh...
Lệnh tiêu diệt toán biệt kích nguy hiểm này được chuyển cho đội biệt động Tạ Đình Đề. Ông đã dùng "gậy ông đập lưng ông", chính lối đánh biệt kích để diệt biệt kích. Mật phục lại trên cánh đồng ban đêm, Tạ Đình Đề trực tiếp chỉ huy đánh diệt đội biệt kích Pháp từng gây tổn thất cho đường dây ra - vào nội thành...
Cùng hành quân Tây Tiến
Ngoài tác chiến biệt động ở Hà Nội và vùng phụ cận, tay súng Tạ Đình Đề còn có thời gian cùng đoàn quân Tây Tiến và để lại nhiều kỷ niệm đẹp hào hùng trong lòng đồng đội.
"Anh Đề theo đoàn quân không mọc tóc, nhưng chẳng bao giờ chịu hạ bộ râu kênh đời của mình. Có anh, con đường hành quân gian nguy cũng vui hơn, những người lính cũng ngang tàng, kiêu bạt hơn", người cựu chiến binh Tây Tiến Nguyễn Đình An hồi còn khỏe vẫn không thể quên kỷ niệm người bạn đã ra đi trước mình.
Ông kể kồi chín năm kháng Pháp, Tạ Đình Đề làm biệt động, còn ông làm đại đội trưởng đại đội tự vệ 12 và khu phó khu Lò Đúc trong cuộc chiến vệ thành Hà Nội 60 ngày đêm mùa đông năm 1946.
Sau đó cả ông An và Tạ Đình Đề đều dấn bước theo đoàn binh Tây Tiến. Trên mặt trận phía Tây Bắc hướng sang trận địa Lào này, họ đã kết giao với nhiều người lính mà trái tim tràn ngập lãng mạn như Quang Dũng, Như Trang, Quang Thọ, Huyền Kiêu, Văn Đa, Tuấn Sơn. Những người lính vừa cầm súng vừa cầm đàn và cả cầm bút làm thơ, cầm cọ để vẽ...
Chính trong thời đoạn hào hùng đó, tay súng thi nhân Quang Dũng đã không chỉ cho ra đời bài thơ Tây Tiến tuyệt tác mà ông còn có bài hát Nhớ Ba Vì rất lãng đãng.
Bài hát mà người chỉ huy và cũng là bạn tri kỷ đương thời của Quang Dũng là Tạ Đình Đề rất say mê. "Ba Vì mờ xa, làn sương chiều buông gió về. Hương núi thơm dâng hồn về đâu... Thời gian chưa muốn phai dáng người...".
Người cựu binh Nguyễn Đình An kể sau thời kỳ đầu chiến đấu theo kiểu dàn quân giữ đất, trung đoàn Tây Tiến chuyển sang cơ động, chiến tranh du kích đối phó với chiến thuật sử dụng lính dù không vận để đánh mạnh, rút nhanh của quân Pháp.
Lực lượng Tây Tiến được chia nhỏ cấp đại đội, tiểu đoàn luồn sâu trong địa hình núi rừng Tây Bắc hiểm trở. Họ vừa bám sát dân, vừa sẵn sàng thoắt ẩn thoắt hiện đánh trả đối phương.
Và anh em Tây Tiến đã có một kỷ niệm rất hào hùng về tay súng thiện xạ Tạ Đình Đề. Máy bay trinh sát của không lực Pháp vần vũ trên con đường hành quân Tây Tiến. Khi anh em đến miền sơn cước hoang thẳm Hòa Bình, Sơn La thì máy bay Pháp lần được dấu vết. Bộ chỉ huy Tây Tiến nhận định thế nào lính dù cũng nhảy xuống đây.
Ở khu vực Suối Rút, Hòa Bình có mặt tay súng Tạ Đình Đề. Trong lúc một lực lượng chiến sĩ chuẩn bị rút để sơ tán thương bệnh binh nặng, lực lượng khác sẵn sàng chiến đấu. Có mặt tại chiến địa cả trung đoàn trưởng Chu Đốc, tư lệnh Hoàng Sâm.
Tạ Đình Đề và một nhóm thiện xạ được bố trí trên dốc Đẹt ở Suối Rút để chặn đường tiến của đối phương. Tay súng kiêu bạt này bình tĩnh lau súng cẩn thận, rồi tìm vị trí bắn tỉa thuận lợi để nằm phục...
Trong cuốn Tây Tiến, một thời và mãi mãi, cựu chiến binh Nguyễn Chính đã kể lại kỷ niệm chiến đấu này: "Tôi và anh Tạ Đình Đề thay phiên nhau chiến đấu ở gần chân dốc Đẹt, hễ địch lọt vào đường hẻm là nổ súng. Mỗi phát súng một quân thù là biệt tài của Tạ Đình Đề đã gây kinh hoàng cho giặc. Suốt một ngày căng thẳng giữ vững trận địa... rồi chờ... chờ mãi không thấy địch nhô lên... Tạ Đình Đề sốt ruột mò xuống chân dốc Đẹt thì địch đã co cụm về phố Vãng để vào Chiềng Sại, bỏ lại cả xác Tây!".
Sau cuộc chiến chín năm, kể lại một thời hào hùng của đoàn quân Tây Tiến, Nguyễn Chính vẫn nhớ bạn Đề đã tếu táo: "Cứ để chỉ một Tạ Đình Đề là đủ, nhưng tướng Hoàng Sâm lại để những năm người lính bắn tỉa".
"Cách đánh của anh Tạ Đình Đề luôn táo bạo và bất ngờ ở những tình huống mà đối phương không ngờ tới, mà đã đánh là đánh dập đầu, tức đánh vào chỉ huy để gây hoảng loạn.
Hồi chiến dịch Điện Biên Phủ, lực lượng Tạ Đình Đề đánh phá hậu phương địch để Pháp phải phân tán lực lượng, không thể tiếp viện tối đa cho chiến trường chính. Nhưng tính cách anh Đề là nhà tình báo, biệt động, luôn giữ bí mật, không bao giờ kể công nên ít người biết.
Ông Ba Đăng
*******************
Những lúc tiếng súng tạm im, Tạ Đình Đề tiếp tục sống kiêu bạt làm nhiều người ghét rồi lại đâm thương. Có lần ông đã suýt đấu súng để giải quyết "ân oán giang hồ" cho chiến hữu và một câu chuyện "tìm hoa" trong lửa đạn...
>> Kỳ tới: Khi tiếng súng tạm ngưng
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận