04/06/2024 13:35 GMT+7

Sạt lở do khai thác cát vùng giáp ranh: Phản ánh của Hà Nội không khách quan?

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Phú Thọ, thông tin phản ánh của UBND TP Hà Nội về hiện tượng sạt lở và hàng chục tàu khai thác cát hoạt động hết công suất suốt ngày đêm... là không khách quan.

Nhiều tàu cỡ lớn neo trên sông Đà đoạn qua huyện Ba Vì, Hà Nội - Ảnh: QUANG VIỄN

Nhiều tàu cỡ lớn neo trên sông Đà đoạn qua huyện Ba Vì, Hà Nội - Ảnh: QUANG VIỄN

Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Phú Thọ vừa có báo cáo UBND tỉnh Phú Thọ về kết quả kiểm tra hoạt động khai thác cát tại khu vực giáp ranh được nêu tại văn bản số 1589 ngày 22-5 của UBND TP Hà Nội.

Văn bản này Hà Nội đề nghị phối hợp trong công tác quản lý, bảo vệ cát, sỏi lòng sông tại khu vực giáp ranh giữa hai địa phương.

Sở Tài nguyên và Môi trường Phú Thọ: Hà Nội nói tàu thuyền chờ vào lấy cát neo đậu đặc kín là không khách quan

Thực hiện chỉ đạo UBND tỉnh Phú Thọ, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh đã phối hợp với các đơn vị liên quan tiến hành kiểm tra hoạt động khai thác khoáng sản đối với Công ty cổ phần Đầu tư phát triển khoáng sản Phú Đức (Công ty Phú Đức) và Công ty TNHH Tiến Nga (Công ty Tiến Nga).

Đây là hai công ty được UBND tỉnh Phú Thọ cấp phép khai thác khoáng sản tại khu vực giáp ranh với các xã Phong Vân, Thái Hòa (huyện Ba Vì, Hà Nội).

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường Phú Thọ, hiện trạng tại thời điểm kiểm tra, toàn bộ bờ sông phía Hà Nội thuộc địa bàn xã Thái Hòa, xã Phong Vân đã được kè kiên cố.

Tổng chiều dài giáp ranh khu vực có hoạt động khai thác khoáng sản của Công ty Phú Đức và Công ty Tiến Nga khoảng 5km.

Sau khi kiểm tra cùng ý kiến các bên liên quan, Sở Tài nguyên và Môi trường Phú Thọ đánh giá hoạt động khai thác khoáng sản của Công ty Phú Đức và Công ty Tiến Nga cơ bản đều chấp hành đúng quy định của giấy phép, chưa có đơn vị nào vi phạm quy định về thời gian được phép khai thác.

Hai công ty không khai thác ra ngoài phạm vi, ranh giới được phép khai thác và các đơn vị đã chấp hành đúng số lượng phương tiện đã đăng ký và thông báo trong kế hoạch khai thác.

Các đơn vị cũng lắp đặt thiết bị giám sát hoạt động khai thác đầy đủ và được kết nối với hệ thống giám sát phương tiện khai thác khoáng sản của tỉnh.

Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Phú Thọ cũng khẳng định thông tin báo chí, truyền thông đưa tin và phản ánh của UBND TP Hà Nội về hiện tượng sạt lở và hàng chục tàu hút cát hoạt động hết công suất suốt ngày đêm, các tàu thuyền chờ vào lấy cát neo đậu đặc kín quanh khu vực tàu hút đang hoạt động là không khách quan.

Sở Tài nguyên và Môi trường đề nghị tỉnh Phú Thọ có văn bản phản hồi Hà Nội

Hơn nữa, việc UBND huyện Ba Vì báo cáo, phản ánh về tình hình khai thác cát thuộc địa phận tỉnh Phú Thọ khu vực giáp ranh huyện Ba Vì mà không thông báo, phối hợp với UBND huyện Lâm Thao, UBND huyện Tam Nông đánh giá, xử lý sự việc, qua đó cho thấy công tác quản lý, bảo vệ cát, sỏi lòng sông khu vực giáp ranh giữa tỉnh Phú Thọ và TP Hà Nội của cơ quan cùng cấp chưa tốt.

Từ kết quả kiểm tra, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Phú Thọ đề nghị UBND tỉnh tạm dừng hoạt động khai thác khoáng sản đối với Công ty Tiến Nga.

Do công trình kè chống sạt lở mới thi công xong, chưa được thử thách qua mùa lũ, đang trong thời gian bảo hành, theo dõi.

Đề nghị UBND tỉnh Phú Thọ có ý kiến phản hồi UBND TP Hà Nội chỉ đạo các cơ quan liên quan phối hợp với UBND tỉnh Phú Thọ khảo sát, đánh giá, xác định rõ nguyên nhân dẫn đến sạt trượt chân kè và làm nứt đường đỉnh kè, tường rào, tường nhà và công trình dân sinh thuộc địa bàn xã Thái Hòa, xã Phong Vân, huyện Ba Vì.

Đồng thời đánh giá, làm rõ mức độ ảnh hưởng của việc khai thác cát sỏi bên phía tỉnh Phú Thọ ảnh hưởng tới lòng bờ, bãi sông phía thành phố Hà Nội, tránh việc thông tin tới các cơ quan truyền thông không chính xác, khách quan khi chưa đủ cơ sở khoa học.

Hà Nội gửi văn bản cho Phú Thọ đề nghị phối hợp quản lý bảo vệ cát và lòng sông

Trước đó, ngày 22-5, UBND TP Hà Nội có công văn 1589 gửi UBND tỉnh Phú Thọ về việc phối hợp trong công tác quản lý, bảo vệ cát, sỏi lòng sông tại khu vực giáp ranh giữa hai tỉnh.

Trong văn bản 1589 do Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Trọng Đông ký nêu UBND huyện Ba Vì có báo cáo trong thời gian qua tại khu vực địa bàn tỉnh Phú Thọ giáp ranh với huyện Ba Vì (xã Thái Hòa và Phong Vân) tình trạng khai thác cát trên sông Đà, sông Hồng diễn ra công khai, tấp nập.

Hàng chục tàu hút cát hoạt động hết công suất suốt ngày đêm. Các tàu thuyền chờ vào lấy cát neo đậu đặc kín quanh khu vực tàu hút đang hoạt động.

Đây là vị trí ngã ba sông, nơi hợp lưu của sông Đà và sông Hồng, tình trạng hút cát đã làm ảnh hưởng đến lòng sông, gây biến đổi dòng chảy làm sạt trượt chân kè và làm nứt đường đỉnh kè, tường rào, tường nhà và công trình dân sinh bị ảnh hưởng.

Việc khai thác cát thuộc địa phận tỉnh Phú Thọ giáp ranh địa giới hành chính của huyện Ba Vì. Tuy nhiên huyện Ba Vì không được cung cấp tài liệu hồ sơ cấp phép về hoạt động khai thác (nếu có) để phối hợp quản lý, giám sát. Do vậy, chính quyền địa phương và nhân dân trong khu vực rất hoang mang lo lắng.

Do đó, UBND TP Hà Nội đề nghị tỉnh Phú Thọ thực hiện tốt quy chế phối hợp giữa 2 địa phương. Cung cấp các tài liệu về việc cấp phép hoạt động khai thác cát tại khu vực giáp ranh giữa hai tỉnh cho UBND TP Hà Nội và thực hiện các biện pháp để đảm bảo an ninh trật tự, phòng chống thiên tai, ngăn chặn xử lý dứt điểm các vi phạm về khai thác cát trái phép.

Báo động mực nước sông Hồng do khai thác cátBáo động mực nước sông Hồng do khai thác cát

Mực nước sông Hồng xuống mức thấp trong những năm gần đây đã tác động tiêu cực đến tình hình sản xuất nông nghiệp và đời sống sinh hoạt của người dân khu vực trung du và Đồng bằng Bắc Bộ.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên