Theo bạn đọc Nhất Nguyên "của ít lòng nhiều", "một miếng khi đói bằng một gói khi no", "lá lành đùm lá rách"... là đức tính cao quý muôn đời của người Việt.
Đặc biệt, trong hoạn nạn như cơn bão Yagi, phẩm chất ấy càng trỗi dậy trong mỗi người.
Vì vậy, đừng vì chuyện đóng góp nhiều hay ít rồi lại xoi mói để dè bỉu, chê bai nhau.
Dưới đây là chia sẻ của bạn đọc xung quanh vấn đề này:
Những ngày này, người Việt Nam, dù ở bất kỳ đâu, cũng đau đáu nỗi niềm, cùng hướng về đồng bào các tỉnh, thành phía Bắc đang phải chống chọi với hậu quả thảm khốc do bão lũ gây ra.
Mỗi người mỗi tay cùng góp vào, san sẻ yêu thương, giúp nhau đi qua hoạn nạn.
Vậy nên câu chuyện một vài đơn vị đứng ra thông báo quyên tặng tiền cứu trợ bằng cách trích một phần từ doanh thu, không hiểu sao, lại bị nhiều người mang ra xoi mói, rồi dè bỉu, chê bai, thậm chí kêu gọi tẩy chay trên các nền tảng mạng xã hội, thật sự khiến tôi bối rối, khó hiểu.
Người ta phê phán là thương hiệu cà phê bán tới 50.000 - 60.000 đồng/ly, có tiền thuê mặt bằng ở những vị trí đắc địa mà lại trích có mỗi 1.000 đồng là quá ít, là chẳng đáng mặt, là thế này thế kia với những lời lẽ cay nghiệt nhắm vào nhãn hàng.
Thậm chí, người ta còn "rủa" một hãng hàng không bán vé cả triệu đồng mà mỗi vé trích có 5.000 đồng là keo kiệt.
Trong kinh doanh, việc trích một phần từ doanh thu trên sản phẩm bán ra để đưa vào quỹ này quỹ nọ với mục đích làm từ thiện không phải là chuyện chưa từng xảy ra, nếu như không muốn nói là hết sức bình thường.
Có thể nhãn hàng chưa thật sự khéo léo trong câu chữ truyền tải thông điệp, nhưng tấm lòng là đáng quý, vậy hà cớ gì mà phải phỉ báng, thóa mạ tập thể?
Đáng nói là rất nhiều bạn trẻ theo tâm lý đám đông, mặc nhiên "múa bàn phím" mà không rõ, các bạn đã đóng góp được gì hay chưa?
Hai anh em khui ống heo tiết kiệm ủng hộ các bạn vùng bão lũ sớm đi học lại
Tương tự, nhiều người bắt đầu xoi mói xem các doanh nghiệp, các nghệ sĩ, người nổi tiếng, người có sức ảnh hưởng đã góp bao nhiêu tiền để hỗ trợ đồng bào mình và dùng các con số làm thước đo cho sự tử tế.
Hễ góp nhiều thì được xem là tốt bụng, còn ít hơn so với những người khác, hay so với mức thu nhập mà cư dân mạng đoán thì bị xem là bủn xỉn, không xứng với sự hâm mộ của số đông (?!).
Từ bao giờ, việc công khai số tiền đóng góp lại trở thành nỗi ám ảnh, áp lực với cả người đóng góp lẫn những người xoi mói như vậy?
Hoặc ở một số bài đăng khác, lại có nhiều người chê bai những người khác rằng sao từ thiện là cứ cho mì gói, rồi gói bánh chưng bánh tét vội vậy có chắc chín không, có để được lâu đâu, cho tiền đi có phải tốt hơn không...
Đồng ý rằng mì gói ăn sống cũng chỉ cầm cự tạm vài ngày, rằng trẻ em còn nhỏ thì không ăn được món này; hay đúng là bánh chưng, bánh tét cần nấu rất lâu mới chín, rồi lại phải ép kỹ, mà gạo nếp nấu chín không để được lâu...
Nhưng sao không nghĩ thoáng hơn, hỉ xả hơn rằng trong tình thế cấp bách, người dân nghĩ họ có thể đóng góp gì là sẽ lao vào làm ngay?
Vì chậm trễ một chút là đồng bào mình lại phải chờ đợi trong khó khăn muôn vàn.
"Của ít lòng nhiều", "một miếng khi đói bằng một gói khi no", trong những lúc khó khăn này mới thấy tình nghĩa đồng bào quý báu biết bao.
Đóng góp, dù ít hay nhiều, bằng cách này hay cách khác đều đáng trân trọng, đáng được ghi nhận.
Thay vì xoi mói rồi dè bỉu, mỉa mai, hãy cùng chung tay giúp nhau vượt qua hoạn nạn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận