"Lần đầu tiên tôi có cảm giác "sung sướng" khi đi cứu trợ đồng bào mà "được" xếp hàng chờ tới lượt.
Và đó là tư liệu phong phú để trang giáo án của tôi tới đây thêm những bài học về sự quan tâm, chia sẻ".
Trên đây là cảm nhận của thầy giáo Trần Tuấn Anh, giáo viên bộ môn giáo dục công dân Trường THCS Colette, quận 3, TP.HCM, khi đến đóng góp ủng hộ đồng bào miền Bắc bị bão lũ do báo Tuổi Trẻ phát động.
Sau đây là chia sẻ của thầy gởi đến Tuổi Trẻ Online.
Tình người trong trang giáo án
Khi hoàn tất 3 tiết dạy, tôi vội vàng đến tòa soạn báo Tuổi Trẻ gửi ít tấm lòng chia sẻ cùng bà con miền Bắc.
Mặc dù đã đến tòa soạn nhiều lần nhưng hôm nay tôi thấy lạ lắm.
Anh bảo vệ hỏi thăm và chỉ hướng đến phòng tiếp bạn đọc, anh gật đầu chào với ánh mắt như "thay lời muốn nói" cảm ơn tôi.
Lần đầu tiên tôi có cảm giác "sung sướng" khi đi cứu trợ đồng bào mà "được" xếp hàng chờ lượt.
Trước tôi là nhóm học sinh tiểu học được cô giáo dẫn đến chia sẻ cùng đồng bào.
Những chiếc phong bì trên tay của các nhà hảo tâm ngồi dọc theo dãy bàn trong phòng tiếp bạn đọc của báo.
Người ra, người vào, tiếng cảm ơn í ới qua lại giữa bạn đọc và các anh chị nhân viên của phòng. Quý báo cảm ơn tấm lòng bạn đọc, bạn đọc cảm ơn quý báo làm cầu nối chuyển đến bà con.
Ngồi lướt nhẹ điện thoại, đọc bài viết của báo Tuổi Trẻ về tình người trong cơn bão: "Đã thành lệ rồi, trước mỗi thảm họa không mong đợi, cả bộ máy của cơ quan báo Tuổi Trẻ lại rùng rùng chuyển động.
Người tác nghiệp hiện trường theo sát từng centimet mưa xuống nước lên, người tổng hợp tin tức nhiều nguồn toàn cảnh, người tiếp nhận nguồn lực trợ giúp, người tổ chức hoạt động cứu trợ tức thời…".
Vượt núi vào nơi sạt lở tìm kiếm 15 người mất tích ở Nậm Lúc, Lào Cai - Video: VŨ TUẤN
Những khoảng cách địa lý của vùng miền dường như không còn nữa, từng centimet, từng milimet, từng phút, từng giây, từng đơn vị nhỏ nhất của thời gian mong sao những mất mát tang thương giảm dần, bớt đau khổ cho bà con.
Thêm những bài học về "quan tâm, chia sẻ"
Là giáo viên hơn 15 năm dạy học môn giáo dục công dân bậc THCS, đối với tôi trước khi đến lớp thì việc soạn bài là vô cùng thích thú.
Từ việc tìm tư liệu, hình ảnh, video… chăm chút cho từng slide bài giảng như thấm vào mình rồi truyền tải đến học sinh - môn giáo dục công dân, môn học gắn liền với "hơi thở" của cuộc sống.
Với bài giảng "Quan tâm, cảm thông, chia sẻ" lớp 7 và "Tích cực tham gia hoạt động cộng đồng" lớp 9, tôi liên tưởng ngay đến tình người yêu thương giúp đỡ nhau trong cơn bão số 3 ở miền Bắc.
Nếu như trước đây mỗi lần tìm được tư liệu hay là quý lắm, hồ hởi tải về, vội vàng đưa vào từng slide bài giảng.
Nhưng hôm nay, trước những hình ảnh, video về cơn bão tôi đã khựng lại, băn khoăn chưa biết sẽ bắt đầu từ đâu cho bài giảng của mình. Nghẹn ngào nên mọi ý tưởng như đã dừng lại vì sự tang thương mất mát của đồng bào quá lớn.
Bão thổi mạnh bật cả những gốc cây to nằm la liệt, những bức tường kiên cố bị gãy sập, mái tôn bay vèo vèo trong tiếng rít mạnh ào ào của mưa gió…
Trong sóng nước đó, những anh công an, bộ đội leo lên tận mái nhà cõng người già, bồng trẻ thơ như chính những người thân yêu ruột thịt của mình, những con chó, con mèo cũng "không bị bỏ quên".
Rồi thì nước dâng lên, đất đá vùi xuống, tiếng khóc thất thanh của phụ nữ, ánh mắt đỏ hoe của đàn ông, dọc theo là những chiếc quan tài xếp dài, nước mắt tuôn tràn trong cơn mưa lũ…
Tôi không thể soạn bài tiếp được, tôi đã tự ngủ thiếp đi khi tư liệu vẫn đang ngổn ngang trong máy tính.
Bài học quan tâm, chia sẻ rồi sẽ tiếp bước...
Trang giáo án mở ra với những điều cảm động
Sau bão Yagi, chứng kiến những câu chuyện về tình người, những ngày tới trang giáo án của tôi tiếp tục mở ra, các em học sinh sẽ tròn xoe đôi mắt khi nghe thầy kể những câu chuyện cảm động được truyền tải trên báo Tuổi Trẻ.
Đó là "Hạt cát" nghĩa tình trị giá 1 tỉ đồng của giáo sư Lê Ngọc Thạch, bác tài xế 53 tuổi chạy xe ba gác dành dụm cả tuần với những tờ tiền lẻ cộng lại là 1,4 triệu đồng, những nồi bánh chưng bánh tét đỏ lửa trong mùa "trung thu" của bà con miền Nam, miền Trung…
Tất cả đang hướng về miền Bắc thân yêu.
Và, tiếng đồng thanh của thầy và trò trong lớp học sẽ vang lên những câu ca dao từ ngàn xưa luôn vẹn nguyên giá trị đồng hành cùng thời gian với dân tộc Việt Nam: Bầu ơi thương lấy bí cùng/ Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn; Nhiễu điều phủ lấy giá gương/ Người trong một nước phải thương nhau cùng"...
Để sẻ chia cùng người dân bị ảnh hưởng bởi bão số 3, báo Tuổi Trẻ sẵn sàng làm cầu nối đóng góp của bạn đọc gần xa để chia sẻ với đồng bào đang gặp khó khăn.
Báo Tuổi Trẻ tiếp nhận đóng góp trực tiếp của bạn đọc liên tục trong ngày.
- Bạn đọc có thể đến đóng góp tại trụ sở báo Tuổi Trẻ: 60A Hoàng Văn Thụ, phường 9, quận Phú Nhuận, TP.HCM; 12 Phạm Ngọc Thạch, Phường Võ Thị Sáu, quận 3, TP.HCM hoặc văn phòng đại diện báo Tuổi Trẻ tại các khu vực trên cả nước.
Thời gian tiếp nhận suốt các ngày trong tuần, kể cả buổi tối.
- Bạn đọc chuyển khoản, xin vui lòng gửi qua tài khoản báo Tuổi Trẻ tại: Báo Tuổi Trẻ, Ngân hàng Công thương chi nhánh 3, TP.HCM (VietinBank). Số tài khoản: 113000006100 (Việt Nam đồng). Nội dung: Ủng hộ đồng bào bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3.
- Bạn đọc ở nước ngoài xin chuyển khoản về tài khoản báo Tuổi Trẻ: Tài khoản USD: 007.137.0195.845 tại Ngân hàng Ngoại thương TP.HCM hoặc tài khoản EUR: 007.114.0373.054 tại Ngân hàng Ngoại thương TP.HCM. * Swift code: BFTVVNVX007. Nội dung: Ủng hộ đồng bào bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3.
Báo Tuổi Trẻ sẽ phối hợp cùng một số ban ngành của các địa phương bị ảnh hưởng mưa bão, để trao trực tiếp tận tay đến bà con bị thiệt hại nặng nề do bão lũ gây ra.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận