"Dạ, không có chi", nhẹ nhàng, khiêm cung như khi người Sài Gòn mời khách một ly trà đá, và đây là thầy Thạch đang nói về khoản tiền tiết kiệm 1 tỉ đồng mà thầy vừa đến ngân hàng rút về để trao cho báo Tuổi Trẻ.
Đã thành lệ rồi, trước mỗi thảm họa không mong đợi, cả bộ máy của cơ quan báo Tuổi Trẻ lại rùng rùng chuyển động.
Người tác nghiệp hiện trường theo sát từng centimet mưa xuống nước lên, người tổng hợp tin tức nhiều nguồn toàn cảnh, người tiếp nhận nguồn lực trợ giúp, người tổ chức hoạt động cứu trợ tức thời… Ai cũng biết muốn thấm thía nghĩa đồng bào thì cứ đến phòng tiếp bạn đọc của Tuổi Trẻ những ngày này.
Đã bao năm, bao đợt đóng góp, cứu trợ, những công việc tưởng như đã thành thói quen, nhưng mỗi bạn đọc đến lại mang theo một cảm xúc mới. Và hai ngày nay, người hâm nóng lên tình đồng bào "bầu bí" trong cả xã hội, làm ngỡ ngàng đối với nhiều người chính là GS.TS Lê Ngọc Thạch.
Mà có phải xa lạ gì đâu, thầy là khách quen của Tuổi Trẻ từ bao năm nay, luôn có mặt để đóng góp cho những chương trình, những nhân vật của báo; thầy là thành viên tích cực luôn đứng ra tổ chức cấp học bổng cho những học sinh giỏi nhưng gặp khó khăn của Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong; thầy còn thường xuyên có mặt tại quán cơm 2000, chu đáo phục vụ từng phần ăn cho người nghèo đang đứng xếp hàng.
Thế nhưng lần xuất hiện này của thầy Thạch vẫn xôn xao, vì lần này thầy mang đến không chỉ một ngày - một tuần - một tháng lương, mà là cả cuốn sổ tiết kiệm đã dành dụm nhiều năm.
"Chỉ là một hạt cát với những gì bà con đã mất mát", thầy bảo vậy. Vâng, đúng thế, nếu so sánh với những tổn thất nhân mạng, tài sản của các tỉnh miền Bắc đang tăng lên sau mỗi giờ thống kê.
Nhưng hạt cát ấy lại là bao tháng tiền lương hưu, tiền nhuận bút sách khoa học, tiền thù lao giảng dạy, là khoản tiền phòng thân của thầy khi trái gió trở trời ở tuổi 76... E ngại không? E ngại lắm, chúng tôi không dám nhận, nhưng thầy lại trấn an: "Thầy không có nhiều nhu cầu tiêu dùng và còn lương hưu".
Nhu cầu của thầy chính là giúp sinh viên an tâm đi học, giúp người lao động bữa trưa ấm lòng, giúp người khổ qua cơn thắt ngặt…
Làm được vậy là vui, là khỏe, là tiếp tục hoạt động chuyên môn thật minh mẫn, sáng tạo và thầy hoàn toàn yên tâm khi giao tài sản của mình cho Tuổi Trẻ như bao lần đã trao gửi trong bao năm qua.
Và chúng tôi nhận tấm lòng cao quý của thầy, như đã từng nhận cả một chiếc xe tải chở tất cả gian hàng tạp hóa của một gia đình tiểu thương nhờ chuyển đến vùng lũ miền Trung trong cơn đại hồng thủy tháng 11-1999; nhận hai tháng lương ứng trước của một cô giáo tiểu học gửi vào quỹ xây cầu Nông Sơn; cả tuần lao động của chị ve chai gửi góp đá xây Trường Sa…
Bạn đọc của Tuổi Trẻ là như thế, kể cả những doanh nghiệp đến góp bạc tỉ, bao giờ cũng là những đồng tiền thấm đẫm mồ hôi và nặng trĩu tình yêu thương, sự tin tưởng.
Và như thế, những người Tuổi Trẻ vẫn lên đường, giữa mưa đang trút xuống, mực nước báo động vẫn đang lên, cảnh báo sạt lở vẫn ở mức rất nguy hiểm. Bởi lẽ, đồng bào miền Nam gửi gắm và đồng bào miền Bắc đang chờ…
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận