18/12/2021 17:01 GMT+7

Sao để hung thần karaoke hành hạ người dân hoài?

M. TR tổng hợp
M. TR tổng hợp

TTO - Chỉ có nước bán nhà ra đi; Vì hung thần karaoke mà giờ này gia đình tôi phải ở trọ; COVID đã mệt mỏi rồi, giờ thêm karaore hành hạ, tôi sống sao yên đây?.... Hàng loạt bình luận than oán như vậy dồn dập gởi về TTO dịp cuối năm.

Sao để hung thần karaoke hành hạ người dân hoài? - Ảnh 1.

Sau khi Tuổi Trẻ Online có bài viết "Gần Tết, dù COVID-19, loa kẹo kéo vẫn tái diễn rần rần, chẳng lẽ bó tay?", ngay lập tức nhận được hàng loạt bình luận chia sẻ của những người trong cuộc.

Những tiếng than thống thiết!

Mở đầu, bạn đọc nickname Dân Sài Gòn kể lại: "Mới tháng 12-2021 này, ở khu phố II, P.25, Q.Bình Thạnh, nhà kế bên chung cư ăn nhậu từ sáng tới tối, chơi dàn karaoke kèm nhiều tiếng hú hét. Dân báo, 6 anh công an phường và dân phòng xuống, chủ nhà khóa cửa thản nhiên chơi tiếp, công an bất lực luôn". 

Cùng là câu chuyện người thật việc thật, bạn đọc nickname U-50 bổ sung: "Gia đình tôi ở hẻm 330/6 Nguyễn Tất Thành, quận 4 gồm 2 người già cao huyết áp, 1 trẻ 10 tháng tuổi và 2 bé cấp 1 đang học online nhưng ngày nào gia đình hàng xóm cũng tra tấn bằng karaoke từ sáng tới khuya. Gọi công an ngày này qua ngày khác cũng không được giải quyết. Rất mong cơ quan chức năng ra luật quy định để bảo vệ cuộc sống của người dân ạ".

Cháu là học sinh lớp 10, hiện nay cháu không học bài được vì karaoke, mở nhạc ầm ĩ. Nhà cháu gần như đóng cửa suốt ngày vì ồn ào.

Trích ý kiến bạn đọc tên Nam

Trong khi đó, bạn đọc có nickname Nguyên là nạn nhân của karaoke không đúng chỗ, lên tiếng: "Vợ chồng tôi mua nhà cũng trúng ngay hàng xóm đối diện bán quán nước rồi nơi đó trở thành nơi tụ tập của những thành phần thất nghiệp la lối, chửi tục, hát karaoke ầm ĩ suốt ngày, khổ không chịu nổi vì mất ngủ thời gian dài nên stress vô cùng, con cái thì không thể tập trung học hành. Tha thiết mong lãnh đạo thành phố giúp dân giải quyết vấn nạn này".

Còn bạn đọc có nickname Cà Mau thì viết: "Tôi là nạn nhân khốn khổ của nạn karaoke tra tấn nè. Đang có nhà cửa đàng hoàng mà giờ cả gia đình lại phải thuê nhà trọ ở vì không may ở ngay xóm toàn những hung thần karaoke. Nhà rao bán chả ai dám mua. Ngày thường họ đã hát bất kể giờ giấc. Dịch COVID không đi làm được họ càng hát dữ dội. Báo chí, người dân đã lên tiếng nhiều nhưng sao chính quyền không giải quyết tình trạng hát hò vô ý thức, vô đạo đức này cho người dân nhờ"...

"Sau 22h mới xử lý" - Phải gấp rút sửa luật!

Kể lại những câu chuyện dở khóc dở cười của gia đình mình, hầu hết các ý kiến đều mong muốn chính quyền phải có giải pháp triệt để, quyết liệt để ngăn chặn tận gốc tiếng ồn tai hại, trả lại cuộc sống bình yên trong cộng đồng.

Bạn đọc Công Dân Quận 5 kiến nghị: "Người dân chúng tôi rất, rất mong các cấp chính quyền có giải pháp quyết liệt với dịch karaoke, hát hò inh ỏi này".

Theo các ý kiến phản hồi, cái khó đầu tiên là tiếng ồn từ loa kẹo kéo chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến nhà không có cách âm (đa số là dân nghèo), còn nhà giàu thì gắn kiếng cách âm nên không ảnh hưởng nhiều. Vì vậy các vị có trách nhiệm và quyền hạn để dẹp tệ nạn này thì lại thấy chuyện hát karaoke kẹo kéo "không có gì ầm ĩ", chỉ nhắc chừng thôi.

Ngoài ra, thêm một lý do khó xử lý hung thần karaoke hành hạ người dân là khi dân gọi báo công an phường thì thường được trả lời phải sau 22h mới xử lý. 

Bạn đọc nickname Han kể lại: "Hẻm 158 (hẻm bún mắm) phường 9, quận 4 nhà nào cũng sắm loa công suất lớn thay phiên nhau hát karaoke mà không thấy ai nhắc nhở gì cả. Nói tới họ là họ nói quy định cho mở hát đến 22h giờ đêm mới tắt mà! Gọi công an phường nhiều lúc cũng nói chưa đến 23h sao kêu tắt được, chịu khó chút đi".

Cùng câu chuyện luật quy định sau 22h, bạn đọc tên Minh viết: "Tôi đã gọi đến công an để nhờ giải quyết, công an trả lời theo luật pháp thì sau 10h tối mới xử lý được. Một vấn đề vô cùng đơn giản mà chưa thấy đề xuất sửa đổi luật".

"Sao phải đợi tới sau 22h mới giải quyết? Con cháu chúng ta học online đâu có đợi tới giờ đó mới học. Họ hát, tra tấn như thách thức từ 15h chiều cho tới 21h đêm thì thử hỏi học hành, làm việc có được không? Chúng ta đã dung dưỡng cái tệ nạn này quá lâu rồi. Đây là tình trạng chung chứ không phải của tỉnh, thành phố nào cả. Trước dịch, vị chủ tịch TP.HCM rất quan tâm giải quyết tình trạng này. Rất mong những giải pháp ấy được khởi động lại và giải quyết vấn đề bức xúc này một cách toàn diện trên toàn địa bàn TP.HCM" - bạn đọc Công Dân Quận 5 bức xúc.

Làm cách nào để giải quyết triệt để vấn nạn này? 

Theo bạn đọc Trương Quý Lộc, việc xử phạt tiếng ồn hung thần karaoke không khó, miễn chính quyền chịu làm và làm tới nơi tới chốn, không nể nang theo kiểu đánh trống bỏ dùi. 

Bạn đọc Trương Quý Lộc hiến kế: "Theo tôi nên xử phạt, khi người dân có phản ánh thì cơ quan chức năng phải đến hiện trường làm việc. Trước hết là nhắc nhở, cho chấm dứt ngay việc tạo ra tiếng ồn này. Sau đó xử phạt, và cứ phạt lũy tiến nếu tái phạm".

Cùng suy nghĩ phải có luật và xử phạt mới giải quyết triệt để vấn nạn này, bạn đọc Mai Khôi viết: "Cần có quy định xử phạt cụ thể về việc gây ra tiếng ồn như các nước tiên tiến. Công an, cảnh sát phải có mặt kịp thời để xử phạt và chịu trách nhiệm nếu không xử lý phản ánh của người dân. Muốn làm được phải có một người có tâm có tầm làm ra những quy định và theo dõi kiểm tra, chứ không sẽ có hiện tượng trên bảo dưới không làm hoặc hiểu sai, làm sai".

Đi vào trách nhiệm cụ thể, bạn đọc nickname Vu Tuan đề xuất: "Giao trách nhiệm trưởng công an và chủ tịch phường, nếu làm không được thì tránh sang bên".

Bên cạnh việc xử phạt, một số ý kiến cho rằng việc giáo dục, tuyên truyền cũng là một trong những giải pháp góp phần nhắc nhở người karaoke biết dừng lại để không làm ảnh hưởng đến người khác. 

"Cho đọc một số câu như: "Mở âm lượng vừa đủ khi hát karaoke để không làm phiền hàng xóm" hay "Hát karaoke vượt quá quy định sẽ bị xử phạt theo nghị định"... trên các kênh sóng của đài truyền hình" - bạn đọc nickname Người Dân đề xuất. 

Bạn từng là nạn nhân của "hung thần karaore"? Theo bạn, làm cách nào để giải quyết triệt để vấn nạn này? Hãy chia sẻ và hiến kế cho chúng tôi bằng bài viết, hình ảnh hoặc video clip. Mọi phản hồi vui lòng gởi về tto@tuoitre.com.vn. Trân trọng!

Gần Tết, dù COVID-19, loa kẹo kéo vẫn tái diễn rần rần, chẳng lẽ bó tay? Gần Tết, dù COVID-19, loa kẹo kéo vẫn tái diễn rần rần, chẳng lẽ bó tay?

TTO - Bạn Lý Kiến Hoành (quận Bình Thạnh, TP.HCM) thở hắt: "Với đủ kiểu âm thanh tra tấn, chắc sẽ bán nhà đi nơi khác sinh sống để giữ gìn sức khỏe cho mẹ già và tạo môi trường thuận lợi hơn cho con gái học tập".

M. TR tổng hợp
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên