Tiêm vắc xin Moderna cho người dân trên 65 tuổi tại Bệnh viện quận Tân Bình, TP.HCM sáng 29-7 - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Sáng nay 31-7, trên Hệ thống quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 4.060 ca mắc mới trong nước tại TP.HCM (2.503), Bình Dương (868), Đồng Nai (222), Tiền Giang (123), Bà Rịa - Vũng Tàu (76), Cần Thơ (55), Vĩnh Long (48), Bình Thuận (38),
Đồng Tháp (31), Phú Yên (28), Kiên Giang (16), Đắk Lắk (11), Sơn La (10), Bình Định (9), Thừa Thiên Huế (4), Quảng Trị (4), Đắk Nông (4), Hà Nội (3), Nghệ An (2), Hà Tĩnh (2), Hậu Giang (2), Kon Tum (1), trong đó có 973 ca trong cộng đồng.
Tính đến sáng 31-7, Việt Nam có 141.122 ca mắc, trong đó có 2.235 ca nhập cảnh và 138.887 ca mắc trong nước.
Số ca mắc mới ghi nhận trong nước tính của đợt dịch kể từ ngày 27-4 đến nay là 137.317 ca, trong đó có 32.710 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
Có 4/63 tỉnh, thành phố đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp mắc mới: Yên Bái, Điện Biên, Quảng Ninh, Bắc Kạn.
Có 9 tỉnh, thành phố không có lây nhiễm thứ phát trên địa bàn: Lào Cai, Ninh Bình, Kon Tum, Hà Giang, Sơn La, Lai Châu, Tuyên Quang, Quảng Trị, Nam Định.
Đồ họa: NGỌC THÀNH
Trong ngày có trên 407.280 liều vắc xin phòng COVID-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vắc xin đã được tiêm là gần 5.931.380 liều, trong đó tiêm 1 mũi là trên 5.342.480 liều, tiêm mũi 2 là trên 588.890 liều.
Bộ Y tế cũng cho biết tỉnh Bình Dương - địa phương có số mắc nhiều thứ 2 cả nước - đã lập bệnh viện dã chiến số 3, số 4 tại thị xã Bến Cát và huyện Bàu Bàng, với tổng quy mô 8.000 giường. Đến nay, tỉnh Bình Dương có 4 bệnh viện dã chiến với 16.000 giường bệnh. Bộ Y tế vừa hỗ trợ thiết lập Trung tâm hồi sức và đang thúc đẩy tiến độ tiêm chủng tại Bình Dương.
Ngày 30-7 đã có trên 3.700 bệnh nhân TP.HCM được xuất viện. Đến thời điểm này, TP.HCM đã điều trị khỏi và cho ra viện tổng số trên 33.700 bệnh nhân COVID-19. Bộ Y tế cũng đã tăng cường nhân lực hỗ trợ 12 tỉnh miền Tây Nam Bộ, với 2 tổ công tác đóng quân tại Bạc Liêu và Cần Thơ, mỗi tổ có 12-16 người, là những chuyên gia, cán bộ giàu kinh nghiệm của Bộ Y tế.
Tại các địa phương, các tổ công tác có nhiệm vụ giám sát, hỗ trợ và phối hợp với các cơ quan chức năng của tỉnh để triển khai các hoạt động phòng chống dịch trong cộng đồng, trong doanh nghiệp, trong khu cách ly, hướng dẫn thực hiện xét nghiệm, điều trị, cách ly F1 tại nhà...
Bộ Y tế cũng đã có quyết định bổ sung nhân lực hỗ trợ cho Đồng Tháp và Tiền Giang, đồng thời kiêm nhiệm hỗ trợ An Giang, Vĩnh Long, Trà Vinh và Bến Tre.
Cũng trong ngày 30-7 đã có gần 2.280 người đăng ký tham gia tình nguyện hỗ trợ phòng chống dịch tại TP.HCM, nâng tổng số người đăng ký và hưởng ứng lời kêu gọi của Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, trưởng Bộ phận thường trực chống dịch tại TP.HCM, lên hơn 5.500 người, trong số này có gần 1.000 y bác sĩ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận