Học sinh lớp 12 Trường THPT Trần Quang Khải, quận 11 (TP.HCM) ôn tập chuẩn bị cho kỳ thi kiểm tra học kỳ I năm 2021 - 2022 vào sáng 30-12 - Ảnh: N.HÙNG
UBND TP giao Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Y tế tham mưu việc dạy học trực tiếp cho học sinh lớp 1, 2, 3, 4, 5, 6 và mầm non từ sau Tết Nguyên đán.
"Rất thuận lợi"
Nói về phương án đón thêm học sinh các khối 7, 8, 10 và 11 đi học lại, hầu hết lãnh đạo các trường THCS, THPT ở TP.HCM đều cho rằng đã có ba tuần thực hiện thí điểm cho học sinh lớp 9, 12 đi học trực tiếp nên bây giờ đón thêm học sinh các khối lớp khác thì cũng rất thuận lợi.
TS Nguyễn Minh - hiệu trưởng Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa - chia sẻ: "Kế hoạch dạy học từ ngày 4-1 của trường chúng tôi là các lớp sẽ học trực tiếp 1 buổi/ngày và 5 buổi/tuần. Thời gian còn lại, các em học sinh sẽ học trực tuyến. Riêng những lớp tích hợp, học sinh phải học thêm 2 buổi/tuần thì chúng tôi có tổ chức bán trú để đáp ứng nhu cầu gửi con cả ngày ở trường của phụ huynh".
Theo thầy Minh, dự kiến số học sinh học bán trú chỉ từ 100 - 150 học sinh/ngày so với công suất thời kỳ bình thường là 3.000 học sinh/ngày.
"Như vậy, nhà trường cũng dễ dàng đảm bảo các quy định phòng chống dịch khi tổ chức cho học sinh ăn, ngủ vào buổi trưa. Đặc thù của Trường Trần Đại Nghĩa là học sinh cư trú ở nhiều quận, huyện khác nhau trong thành phố, trong đó có cả học sinh ở ngoại thành. Do đó, chúng tôi đã tổ chức dịch vụ xe đưa đón học sinh ngay từ khi mở cửa trường" - thầy Minh nói thêm.
Tương tự, một lãnh đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Tân Bình cũng thông tin: "Dự kiến, sau Tết Nguyên đán các trường THCS ở Tân Bình mới tổ chức bán trú. Từ ngày 4-1, trường THCS chỉ tổ chức cho học sinh học trực tiếp 1 buổi/ngày, còn lại vẫn kết hợp hình thức học online.
Đối với các trường có sĩ số học sinh/lớp đạt chuẩn thì dễ rồi. Còn những trường có sĩ số đông hơn sẽ tổ chức lệch ca, lệch giờ để đảm bảo quy định giãn cách. Giáo viên sẽ ôn tập và củng cố kiến thức cho học sinh trong 1 tuần đầu tiên khi các em đi học lại. Đến ngày 10-1, học sinh sẽ bắt đầu làm bài kiểm tra cuối học kỳ 1".
Kinh nghiệm từ học thí điểm
Theo nhận định của nhiều hiệu trưởng trường THCS, THPT ở TP.HCM, tình hình dạy học trực tiếp trong ba tuần qua diễn ra suôn sẻ là nhờ có sự phối hợp chặt chẽ của phụ huynh. Đây là bài học quý trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp và có xuất hiện biến thể mới như hiện nay.
"Nếu không có sự am hiểu về tình hình dịch bệnh cũng như sự hợp tác thiện chí của phụ huynh thì mọi thứ sẽ rất rối ren khi phát hiện có F0 trong trường học. Thời gian vừa qua, trường tôi cũng có vài F0 nhưng phụ huynh đã rất bình tĩnh và tôn trọng cách xử lý của nhà trường.
Học sinh cùng lớp với F0 sau khi test nhanh thì vẫn đi học bình thường, không bàn tán những thông tin tiêu cực. Học sinh là F0 sau mấy ngày khỏi bệnh cũng vui vẻ đi học lại" - hiệu trưởng một trường THPT ở quận 1 đúc kết.
Không những thế, lãnh đạo các trường còn rút ra được kinh nghiệm về công tác khoanh vùng. "Để phòng tránh trường hợp giáo viên lây bệnh cho học sinh và ngược lại, trường chúng tôi không khuyến khích giáo viên đi xuống dưới lớp cũng như không khuyến khích việc cho học sinh lên bảng làm bài. Giáo viên và học sinh cần giữ khoảng cách nhất định, tránh việc tiếp xúc gần. Trên thực tế, nếu 1 giáo viên bị F0 hoặc F1 thuộc diện phải cách ly sẽ gây khó khăn rất nhiều cho trường và cho những lớp do giáo viên đó đứng lớp" - TS Nguyễn Minh phân tích.
Ngoài ra, việc cho học sinh học thể dục tại trường hay học thể dục trực tuyến cũng là nỗi băn khoăn của nhiều phụ huynh và giáo viên. Ông Nguyễn Minh Hoàng - hiệu trưởng Trường THPT Trường Chinh, quận 12 - bày tỏ: "Học sinh đến trường mà không được vận động, vẫn phải học online môn thể dục thì sẽ rất thiệt thòi. Thế nên, tôi quyết định cho các em xuống sân học thể dục, chơi các môn thể thao...".
Khó khăn về thiết bị, nhân viên y tế
Thông tin từ Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM cho biết sau 3 tuần thực hiện cho học sinh lớp 9, 12 đi học trực tiếp, các trường THCS và THPT trên địa bàn TP gặp khá nhiều thuận lợi nhưng cũng có nhiều khó khăn.
Đó là phần lớn các cơ sở giáo dục khó khăn về thiết bị y tế phục vụ công tác phòng chống dịch như: bộ đồ bảo hộ, dụng cụ test nhanh COVID-19. Chưa kể nhiều trường còn thiếu nhân viên y tế trường học chuyên trách mà giao cho giáo viên kiêm nhiệm, gây khó khăn cho việc phòng chống dịch trong nhà trường; một số phụ huynh không khai báo y tế địa phương và nhà trường khi có con em đang nhiễm bệnh, gây cản trở trong công tác khoanh vùng, xử lý F1 tại trường...
Để đảm bảo công tác tổ chức hoạt động dạy học trực tiếp bền vững và hiệu quả, Sở GD-ĐT TP.HCM đã có văn bản kiến nghị với UBND TP kịp thời hỗ trợ các bộ dụng cụ test nhanh COVID-19 cho các cơ sở giáo dục đang dạy học trực tiếp; cho phép Sở GD-ĐT phối hợp với Sở Nội vụ đề xuất biên chế việc làm đối với nhân viên y tế trường học...
Chị Trần Thanh Minh, phụ huynh có con học lớp 8 ở quận 1 (TP.HCM):
Cả nhà vui mừng
"Quyết định của UBND TP.HCM về việc cho học sinh khối 7, 8, 10, 11 đi học lại từ ngày 4-1 khiến cả nhà tôi rất vui mừng. Con tôi đang học online mà vội chạy sang báo tin với mẹ. Rồi sau đó thì cháu xăng xái tự đi giặt cặp táp, lấy đồ đồng phục mới mà từ đầu năm học tới giờ vẫn để nguyên trong bọc nilông ra để ngâm rồi giặt...".
Tăng cường truyền thông cho phụ huynh, học sinh
UBND TP giao cho Sở Y tế phối hợp Sở Thông tin và truyền thông tăng cường truyền thông thường xuyên cho người dân, phụ huynh, học sinh về các biện pháp an toàn phòng chống dịch, các lợi ích khi học sinh học tập trực tiếp tại trường và các tác hại khi trẻ học trực tuyến trong thời gian dài (dẫn đến nguy cơ về các bệnh như thừa cân, béo phì, tật khúc xạ... và đặc biệt là sức khỏe tâm thần, tâm sinh lý của học sinh...).
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận