13/09/2022 08:15 GMT+7

Sản phẩm sinh học phân hủy: Xu hướng thân thiện với môi trường

NGỌC KHANG
NGỌC KHANG

Với những cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26 về việc cắt giảm khí nhà kính về 0 vào năm 2050, tiêu dùng xanh trở thành xu hướng. Đã có những doanh nghiệp sản xuất sản phẩm thân thiện với môi trường, nhưng cần nhiều cơ chế chính sách.

Sản phẩm sinh học phân hủy: Xu hướng thân thiện với môi trường - Ảnh 1.

Với ưu điểm vượt trội, sản phẩm nhựa sinh học phân hủy là giải pháp hữu hiệu để bảo vệ môi trường

Bắt đầu việc nghiên cứu sản xuất sản phẩm thân thiện môi trường khi nhận ra nhu cầu chuyển đổi sang sản phẩm xanh của thế giới, từ năm 2013 Tập đoàn An Phát Holdings (APH) đã đầu tư vào lĩnh vực này. 

Đặc biệt khi cuộc khủng hoảng ô nhiễm trắng khiến chính phủ nhiều nước châu Âu tăng cường các biện pháp hạn chế sản xuất tiêu dùng sản phẩm nhựa dùng một lần, thì cũng là lúc APH nhận được nhiều đơn hàng các sản phẩm nhựa sinh học phân hủy.

Xuất khẩu nhiều nước Âu - Mỹ, vẫn khó ở sân nhà

Từ những polyme phân hủy sinh học như PLA, PBAT, PBS kết hợp với các nguyên liệu tự nhiên như tinh bột, bột gỗ, sợi cellulose... qua quá trình trộn hợp và tạo hạt - được gọi là quá trình compounding, cùng với sự kiểm định chất lượng nghiêm ngặt, hạt nguyên liệu phân hủy sinh học được tạo ra. 

Từ hạt nguyên liệu này, cùng các công nghệ gia công tiên tiến, An Phát Holdings đã tạo nên các dòng sản phẩm sinh học phân hủy AnEco. 

Đến nay, ngoài những sản phẩm tiêu dùng như túi tự hủy, găng tay tự hủy dùng một lần, cốc, dao thìa, dĩa và ống hút tự hủy, APH còn sản xuất cả lưới đánh cá tự nhiên làm từ sợi polyme xanh, phân hủy sinh học PBS.

Sản phẩm mang thương hiệu AnEco đã được xuất khẩu đến 20 quốc gia bao gồm Mỹ, Canada, Nhật Bản và nhiều nước châu Âu nhờ vào việc đạt được các chứng chỉ quốc tế như OK Compost HOME, OK Compost INDUSTRIAL, DIN CERTO, BPI Compostable, Seedling... 

Đặc biệt, tháng 3-2021, Cơ quan Sáng chế và nhãn hiệu Hoa Kỳ (USPTO) đã cấp chứng nhận bảo hộ cho dòng sản phẩm sinh học phân hủy hoàn toàn AnEco, không những giúp cho sản phẩm được bảo hộ mà còn rộng cửa hơn đến với người tiêu dùng Hoa Kỳ và Bắc Mỹ.

Đại diện APH cho biết, điều đáng nói là dù thương hiệu AnEco xây dựng được chỗ đứng ở nhiều thị trường khó tính với tiêu chuẩn khắt khe trên thế giới, nhưng tại Việt Nam, AnEco lại khá khó khăn trong việc phát triển thị trường.

Theo đại diện lãnh đạo của APH, một trong những nút thắt lớn nhất là giá thành sản phẩm sinh học phân hủy cao gấp 2-3 lần so với sản phẩm thông thường nên khó cạnh tranh.

Trên thực tế, người tiêu dùng cũng chưa hiểu nhiều về sản phẩm sinh học phân hủy, chưa chấp nhận giá thành sản phẩm cao, nên càng khó để AnEco tìm được chỗ đứng. 

Thêm nữa, các cơ chế chính sách phân loại sản phẩm xanh tại Việt Nam cũng như thúc đẩy phát triển sản phẩm này, nâng cao nhận thức cho người tiêu dùng lựa chọn đúng sản phẩm xanh vẫn còn hạn chế.

Lý giải về việc giá các sản phẩm sinh học phân hủy còn ở mức cao, đại diện APH cho hay là do chi phí nguyên liệu ở mức cao, công nghệ sản xuất đắt đỏ, phải đầu tư dây chuyền hiện đại.

Trong khi đó, dung lượng thị trường chưa đủ lớn, chưa thể sản xuất đại trà phục vụ người tiêu dùng nội địa, nên để bước đầu sản phẩm xanh có chỗ đứng, cần thiết phải có các cơ chế, chính sách để thúc đẩy phát triển sản phẩm này trên thị trường.

Cần cơ chế đủ mạnh để sản phẩm xanh có đất sống

Từ năm 2012, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành thông tư quy định tiêu chí, trình tự, thủ tục công nhận túi ni lông thân thiện môi trường. Đến nay, sau 10 năm, với sự biến đổi mạnh mẽ của thị trường, các chuyên gia cho rằng đã đến lúc cần rà soát, đánh giá lại các tiêu chí cho các sản phẩm thân thiện với môi trường. 

Đồng thời, nghiên cứu, xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn với sản phẩm có khả năng phát tán ra môi trường. Nghiên cứu, xem xét, xây dựng quy định về việc hạn chế, tiến tới loại bỏ việc sản xuất, sử dụng nhựa OXO cho phù hợp với thực tiễn.

Theo GS.TS Đặng Thị Kim Chi - chủ tịch Hội đồng khoa học và kỹ thuật, Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam, cần xây dựng văn bản pháp luật về việc sản xuất và sử dụng đồ nhựa sinh học phân hủy hoàn toàn; đồng thời xây dựng kế hoạch chuyển đổi sử dụng từ nhựa loại khó phân hủy, nhựa tự hủy OXO sang nhựa sinh học phân hủy hoàn toàn trên cơ sở có lộ trình cụ thể. Gắn với tuyên truyền, nâng cao nhận thức người dân, có chính sách ưu đãi nghiên cứu khoa học, sản xuất sản phẩm để giảm giá thành.

Sản phẩm sinh học phân hủy: Xu hướng thân thiện với môi trường - Ảnh 2.

Sản xuất sản phẩm xanh tại nhà máy của An Phát Holdings

GS Nguyễn Lân Dũng, chủ nhiệm Hội đồng tư vấn khoa học - giáo dục và môi trường, cho hay ngoài Luật bảo vệ môi trường, Thủ tướng đã phê duyệt đề án tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường do sử dụng túi ni lông khó phân hủy trong sinh hoạt; Chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn, chỉ thị về tăng cường quản lý, tái sử dụng, tái chế, xử lý và giảm thiểu chất thải nhựa.

Đặc biệt, ngày 25-4-2019, Thủ tướng có công văn số 161 gửi đến tất cả đơn vị trong cả nước về vấn nạn môi trường và kêu gọi nói không với nhựa truyền thống. Vì vậy, GS Dũng cho rằng cần tăng cường tuân thủ các quy định trên và có hình thức xử phạt nghiêm minh hơn để nâng cao ý thức trách nhiệm sử dụng sản phẩm thân thiện môi trường.


NGỌC KHANG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên