Khách hàng mua sắm các sản phẩm gói bằng lá chuối tại siêu thị Co.opXtra Phạm Văn Đồng (Q.Thủ Đức) - Ảnh: HIẾU GIANG
Trong đó, việc thay thế 100% túi nhựa bằng túi nilông thân thiện với môi trường, gói thực phẩm bằng các loại vật liệu thân thiện với thiên nhiên như lá chuối, dây lát, lá lục bình... đã góp phần lan tỏa xu hướng sống xanh không chỉ cho riêng khách hàng của Saigon Co.op mà còn nhân rộng giữa cộng đồng.
Thay đổi nhận thức từ những điều nhỏ nhặt
Từ khi siêu thị Co.opXtra trên đường Phạm Văn Đồng (Q.Thủ Đức) chính thức đi vào hoạt động vào đầu năm 2019, gia đình chị Nguyễn Thu Xuân (ngụ Q.Thủ Đức) đã trở thành khách hàng thân thiết của siêu thị này khi mỗi tuần đều đến mua sắm.
Không chỉ mua đồ gia dụng, thực phẩm đóng gói... gia đình chị Xuân còn thường sắm những thực phẩm tươi sống như rau, củ, quả... tại siêu thị. Dạo gần đây, chị Xuân rất bất ngờ khi quầy rau củ của siêu thị vốn đã tươi xanh lại càng "xanh" hơn khi nhiều loại rau được gói bằng lá chuối thay vì các bao bì, màng nilông như trước đây.
Do thường xuyên hướng dẫn các con phải hạn chế xả rác thải nhựa ra môi trường nên khi điểm mua sắm có phương thức kinh doanh rất "trúng" ý khiến chị càng thêm vui.
"Các con mỗi lần thấy mẹ mua rau gói lá chuối là lại tranh nhau nhặt rau, mình cũng được dịp nói thêm cho con về những ví dụ cụ thể bảo vệ môi trường, dạy con trẻ là phải bắt đầu từ những hành động nhỏ mà cụ thể như thế"- chị Xuân kể.
Còn tại quầy thu ngân của siêu thị Co.opmart Văn Thánh (Q.Bình Thạnh), nhân viên siêu thị cho biết rất nhiều khách hàng đã hạn chế mang túi về nhà dù đây là túi nilông thân thiện với môi trường. Trong đó, nhiều khách hàng đã chủ động gom các sản phẩm vào một túi để giảm đi số lượng túi không cần thiết. Thậm chí, với nhiều khách hàng thì điều này đã trở thành một "nguyên tắc" mua sắm để giảm thiểu tiêu thụ túi nilông.
Theo chị Trần Bích Phương (ngụ Q.Bình Thạnh), những việc nhỏ như siêu thị gói rau củ bằng lá chuối, không bán ống hút nhựa đã tác động rất lớn đến nhận thức của bản thân chị và gia đình. Hiện tại, mỗi khi mua những sản phẩm nhỏ, chị Phương đều chủ động cho vào balô, túi xách thay vì nhận thêm bao bì nilông hoặc túi nilông còn sạch chị vẫn giữ để tái sử dụng.
Ngoài ra, chị Phương còn sắm thêm một chiếc túi vải để đựng các sản phẩm thay vì thụ động nhận túi nhựa từ siêu thị, cửa hàng như trước đây. "Tôi tin mỗi người nỗ lực thay đổi một chút thì sẽ phần nào giảm được vấn nạn rác thải nhựa" - chị Phương nói.
Vượt qua những thách thức
Do hoạt động theo mô hình kinh tế tập thể hợp tác xã nên tất cả mọi hoạt động của Saigon Co.op đều hướng đến lợi ích cộng đồng. Bên cạnh việc hàng hóa kinh doanh phải đảm bảo chất lượng, xuất xứ rõ ràng và giá cả hợp lý thì định hướng tiêu dùng có lợi cho môi trường sống cũng là mục tiêu quan trọng mà Saigon Co.op tập trung thực hiện.
Ông Đỗ Quốc Huy, Giám đốc Marketing Saigon Co.op, cho biết đơn vị này đã chủ động tạo nên một lịch trình riêng để thực hiện kinh doanh có trách nhiệm và tiên phong đi đầu về công tác môi trường thông qua hành vi tiêu dùng. Từ 2011, hệ thống siêu thị Co.opmart của Saigon Co.op là hệ thống bán lẻ hàng tiêu dùng đầu tiên tại Việt Nam đã mạnh dạn thay thế 100% túi nhựa bằng túi nilông thân thiện với môi trường cho đến nay.
Năm 2019, Saigon Co.op đã bọc thực phẩm bằng các loại vật liệu thân thiện với thiên nhiên như là chuối, dây lát, lá lục bình...
"Hiệu quả lớn nhất của những thay đổi trên là tạo nên xu hướng để định hướng cho người tiêu dùng có thói quen sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường. Từ đó lan tỏa ý thức chung đến cộng đồng, đặc biệt là cộng đồng các doanh nghiệp sản xuất" - ông Huy nói.
Từ những thay đổi này, các doanh nghiệp đã ý thức tìm tòi phát triển những sản phẩm thân thiện với môi trường, hạn chế chất thải ra môi trường sống. Điển hình như việc toàn bộ hệ thống bán lẻ của Saigon Co.op gồm Co.opmart, Co.opXtra, Co.op Food, Co.opSmile... tiên phong ngưng kinh doanh ống hút nhựa thì hàng loạt các đơn vị sản xuất sản phẩm này chuyển sang sản xuất và kinh doanh ống hút giấy, ống hút thủy tinh, inox sử dụng nhiều lần.
Tuy nhiên, theo ông Huy việc thay đổi trên cũng gặp phải những thách thức, trong đó thách thức lớn nhất chính là thuyết phục khách hàng thay đổi thói quen tiêu dùng.
“Quan trọng nhất là phải để cho doanh nghiệp sản xuất đủ thời gian chuyển đổi, từ đó tạo ra nguồn thay thế phù hợp. Do đó, việc từng bước hạn chế sản phẩm nhựa dùng một lần là lộ trình mà Saigon Co.op chúng tôi chắc chắn sẽ thực hiện trong một tương lai rất gần sau khi đã thay hàng loạt túi nilông bằng túi thân thiện với môi trường, thay bao gói thực phẩm bằng lá chuối, thay ống hút nhựa bằng ống hút giấy"
Ông Đỗ Quốc Huy - Giám đốc Marketing Saigon Co.op
Saigon Co.op đang nỗ lực lan tỏa lối sống xanh đến với khách hàng - Ảnh: HIẾU GIANG
Ngoài ra, nguồn nguyên liệu tự nhiên thay thế cũng gặp những khó khăn, song bước đầu Saigon Co.op đã nhận được sự hỗ trợ từ các nhà vườn, các hợp tác xã là đối tác cung cấp nông sản cho siêu thị. Chính vì vậy nguồn cung hiện tại khá dồi dào và quan trọng hơn hết là Saigon Co.op cũng dễ dàng chủ động áp dụng các biện pháp kiểm soát nguồn gốc, chất lượng các nguồn lá để đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm khi đưa vào bao gói.
Theo ông Huy, Saigon Co.op đang thận trọng từng bước áp dụng lộ trình phù hợp trong việc giảm thiểu rác thải nhựa bởi không đơn giản là việc kinh doanh hay không kinh doanh, mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến các doanh nghiệp sản xuất mặt hàng này và thói quen tiêu dùng.
Đồng thời, Saigon Co.op cũng cam kết sẽ hưởng ứng những chương trình hành động từ Chính phủ để môi trường sống ngày càng được tốt hơn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận