Cô Lao Thị Tư (giáo viên Trường tiểu học Trưng Vương, Sa Đéc) giới thiệu những quyển sách của M.Duras do người thân của nữ văn sĩ tặng - Ảnh: V.Tr. |
Yêu văn rồi mới yêu người
Cô Lao Thị Tư (giáo viên tiếng Pháp Trường tiểu học Trưng Vương, TP Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp) kể vào ngày 21-3-2006 nhà văn Yann Andréa bỗng xuất hiện tại trường này. Ông tự giới thiệu là người tình cuối cùng của nữ văn sĩ M. Duras.
Mục đích ông đến Sa Đéc là thăm lại nơi bà giáo Marie Donnadieu (mẹ của M.Duras) từng làm hiệu trưởng L’École Primaire de Jeunes Filles de Sadec những năm 1924-1932.
Ngoài ra còn để tìm hiểu thêm về thân thế, sự nghiệp của Huỳnh Thủy Lê, người tình đầu tiên của M.Duras, từ cuối năm 1929 đến 1931.
Trò chuyện với thầy cô giáo Trường tiểu học Trưng Vương, ông Yann Andréa nói đầu tiên ông yêu tài năng văn chương của bà M.Duras, sau đó tình yêu tự động nảy sinh dù tuổi tác của hai người rất chênh lệch. Họ gặp nhau lần đầu vào năm 1975, lúc đó Yann Andréa mới 22 tuổi, còn M.Duras đã 61.
Lần gặp gỡ đầu tiên ấy đã được Yann Andréa kể lại thế này: “Mùa hè đáng nhớ đó cực kỳ nóng nực. Đám sinh viên chúng tôi nóng lòng chờ đợi ngày công chiếu bộ phim India song (Bài ca Ấn Độ) dựng theo tác phẩm của M.Duras. Chúng tôi kéo nhau vào rạp cả đoàn.
Và không hiểu sao hôm ấy tôi lại tình cờ ngồi vào ngay hàng ghế đầu tiên, gần sát màn ảnh. Và ở cách tôi 3m là nhóm làm phim và... Marguerite Duras! Chúa ơi, công chúng đã đón chào nàng rất nồng nhiệt, tôi ngỡ như đó là một ngôi sao nhạc pop”.
Sau đó Yann Andréa nhiều lần viết thư cho M.Duras và mãi năm năm sau họ mới gặp nhau, tức năm 1980. Hôm đó Yann Andréa đã ở lại nhà của M.Duras theo đề nghị của bà và cuộc đời họ đã gắn với nhau suốt 16 năm sau đó, đến khi M.Duras qua đời.
Cô Lao Thị Tư kể tiếp: “Ông Yann Andréa nói trong thời gian yêu nhau, bà M. Duras có kể cho ông nghe chuyện về mối tình đầu của bà với Huỳnh Thủy Lê - một chàng trai Việt gốc Hoa ở Sa Đéc.
Năm 1984, M.Duras viết tiểu thuyết L’Amant trong lúc đang ở bên Yann Andréa. Ông không hề phản đối hay có ý kiến gì mà rất tôn trọng những chuyện tình cảm riêng tư của bà.
Dù rất muốn sang VN sớm nhưng phải 10 năm sau khi bà M.Duras qua đời ông mới thu xếp được để đi. Những ngày ở Sa Đéc có ý nghĩa thật đặc biệt với cá nhân ông”.
Trước khi rời Trường tiểu học Trưng Vương, nhà văn Yann Andréa đã tặng một số quyển sách do bà M.Duras và ông viết. Ông đặc biệt ký tặng vào quyển M.D do chính ông viết: “Sa Đéc, ngày 21-3-2006. Quyển sách này tặng thầy cô giáo và học sinh Trường tiểu học Sa Đéc. Yann Andréa”.
Theo giải thích của ông, tên chữ “M.D” tức là Marguerite Duras-người tình của ông. Quyển sách kể lại thời gian M.Duras nằm điều trị tại bệnh viện ở Trouville từ ngày 5-8-1982 đến 5-1-1983. Lúc này M.Duras bị nghiện rượu nặng và không tài nào ngủ được. Ở bệnh viện nhưng bà cứ uống rượu suốt ngày đêm và vẫn miệt mài viết sách. M.Duras rất mê viết, bà không muốn nằm nghỉ, không muốn bác sĩ túc trực bên cạnh.
Khi nào cần chăm sóc bà mới để họ vào phòng. Bà viết, đọc, uống rượu rồi lại viết. Ông Yann Andréa ở suốt bên bà và thường xuyên phải đi mua rượu cho bà uống.
Ông đã kể lại những lúc người tình đau đớn tại bệnh viện, ông chỉ biết chia sẻ và an ủi bà. Trong thời gian nằm viện có những lúc sức khỏe M.Duras rất nguy kịch. Ông Yann Andréa đã thông báo cho chồng cũ và con bà đến thăm.
Ông cũng kể khi M.Duras viết quyển sách cuối cùng La maladie de la mort (Bệnh chết), bà cũng kể về những giây phút chờ chết vì bệnh nặng. Sức khỏe bà ngày càng kiệt quệ, nhưng bà cố níu kéo từng giây từng phút để được ở bên người tình cuối cùng - Yann Andréa.
Từng ngày, từng ngày ở bệnh viện, Yann Andréa ngồi nhìn người tình. Còn bà thì đòi uống, uống và uống. Và ông cũng uống cùng để bà vui...
Đôi tình nhân lệch tuổi M.Duras và Yann Andréa - Ảnh tư liệu Trường Trưng Vương |
Nữ sĩ đa tình
Chuyện tình cảm của nữ văn sĩ tài ba M.Duras ở ngoài đời chẳng khác gì chúng ta thường thấy trong tiểu thuyết. Nếu như tình đầu với Huỳnh Thủy Lê sống động suốt 85 năm qua thì tình cuối của bà với nhà văn trẻ Yann Andréa cũng lãng mạn không kém.
Mối tình lệch tuổi này ban đầu trở thành đề tài đàm tiếu cho cả Paris những năm 1980. Thế nhưng cuối cùng mọi người lại nể phục tình yêu của họ và không ít người đã ví tình yêu cuối đời của bà xứng đáng để cho ra đời một quyển tiểu thuyết tương tự L’Amant.
Sau khi chia tay Huỳnh Thủy Lê về Pháp năm 1932, M.Duras đã trải qua nhiều mối tình nữa trước khi yêu tình cuối là nhà văn trẻ Yann Andréa và cũng đều rất lãng mạn.
Năm 1939 M.Duras kết hôn với nhà văn Robert Antelme và cùng hoạt động trong một tổ chức kháng chiến tại Paris. Duras và R.Antelme có chung với nhau một con trai. Nhưng cuộc chiến khắc nghiệt lúc đó đã cướp đi sự sống của đứa trẻ vào năm 1942.
Khi đó R.Antelme đang biệt vô âm tín trong các trại tập trung chết chóc, còn Duras thì sống những ngày bi tráng nhất cuộc đời khi bà tham gia một cách tích cực vào phong trào kháng chiến. Sau nhiều biến cố, R.Antelme được tìm thấy trong tình trạng như “bóng ma”. M.Duras chăm sóc chồng đến năm 1946 thì ông bình phục hoàn toàn, nhưng sau đó hai người chia tay.
Khi nhớ về người chồng đầu tiên của mình, Duras đã viết những dòng thấm đẫm thương đau trong cuốn tiểu thuyết La douleur (Nỗi đau).
Sau đó M. Duras đã yêu một người bạn tri âm, một người đồng chí trong tổ chức kháng chiến là nhà thơ, nhà cách mạng Dionys Mascolo. Một số tài liệu nói rằng Dionys Mascolo là người bạn thân với R. Antelme và Franc5ois Mitterrand (sau này trở thành tổng thống huyền thoại của nước Pháp). Trong thời gian R.Antelme bị mất tích, nhiều người nghĩ ông đã chết đâu đó ở những trại tập trung khủng khiếp của phát xít Đức. Khi ấy M.Duras một mình vừa tham gia hoạt động kháng chiến vừa nuôi con nhỏ.
Trong khoảng thời gian đó, D.Mascolo xuất hiện, trở thành chỗ dựa tinh thần cho bà và tích cực tham gia tìm kiếm R.Antelme. Khi người con trai của M.Duras và R.Antelme chết là lúc bà thật sự rơi vào tuyệt vọng.
Nhưng cũng chính lúc đó, D.Mascolo đã giúp M.Duras đứng vững. Tình cảm giữa họ cũng nảy sinh từ đó. Nhưng khi M.Duras tìm thấy R.Antelme thì bà đã dành toàn bộ thời gian để chăm sóc ông - chồng mình.
Đến khi ông khỏe mạnh, bà đã nói thật cho chồng biết rằng mình đã yêu D.Mascolo. Thật bất ngờ là R.Antelme đã đồng ý chuyện tình cảm của vợ và đồng ý chia tay Duras để bà đến với D.Mascolo. Mặc dù họ không có lễ cưới nhưng đã sống với nhau những năm hạnh phúc.
Kết quả tình yêu của họ là năm 1947 đứa con trai Jean Mascolo chào đời. Sau này Jean Mascolo cũng theo nghiệp viết văn của mẹ và cũng tham gia lĩnh vực điện ảnh.
Và ít ai biết rằng vào ngày 7-1-2013 Jean Mascolo cũng đã tìm đến Sa Đéc để tìm hiểu về ngôi trường mà bà ngoại mình (bà Marie Donnadieu) từng làm hiệu trưởng và ngủ lại nhà của người tình đầu tiên của mẹ mình (ông Huỳnh Thủy Lê) một đêm.
Điều đó cho thấy TP Sa Đéc vẫn là một địa danh hấp dẫn du khách nước ngoài. Mối tình đầu lãng mạn và bi kịch của bà trên chuyến phà qua sông Tiền cách đây 86 năm vẫn còn như mới.
Mỗi ngày đều có rất nhiều người yêu mến nữ văn sĩ M.Duras, trong đó có người thân của bà, tìm đến tận nơi để mong tìm được câu trả lời cho chính mình về một mối tình vượt thời gian.
_______
Kỳ tới: “Người tình” của Jean - Jacques Annaud
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận