20/01/2015 14:24 GMT+7

​Bí ẩn trong ngôi nhà “Người tình”

VÂN TRƯỜNG
VÂN TRƯỜNG

TT - Mỗi năm có khoảng 30.000 du khách quốc tế tìm đến nhà cổ Huỳnh Thủy Lê để tìm hiểu thêm về người tình của nhà văn nổi tiếng thế kỷ 20 Marguerite Duras.

Du khách nước ngoài tham quan, tìm hiểu về “ngôi nhà củaNgười tình”  - Ảnh: V.TR.

Từ khi bộ phim Người tình của đạo diễn Jean-Jacques Annaud được công chiếu, những hình ảnh miền Tây Nam bộ những năm 1930 và ngôi nhà mà Huỳnh Thủy Lê từng sinh sống ở Sa Đéc bỗng dưng có một sức hút đặc biệt với du khách nước ngoài.

Ngôi nhà suýt bị bỏ đi

Mỗi năm có khoảng 30.000 du khách quốc tế tìm đến nhà cổ Huỳnh Thủy Lê để tìm hiểu thêm về người tình của nhà văn nổi tiếng thế kỷ 20 Marguerite Duras.

Theo anh Phạm Anh Khoa (hướng dẫn viên du lịch Công ty Mekong, TP.HCM), có tới 90% du khách được anh hướng dẫn đến nhà cổ Huỳnh Thủy Lê là do đã đọc tiểu thuyết L’Amant hoặc xem phim Người tình.

Nhiều đôi tình nhân đã ngủ lại trong ngôi nhà này để trải nghiệm sự lãng mạn và mãnh liệt của tình yêu giữa Huỳnh Thủy Lê và M. Duras 85 năm trước. Trong số đó có con trai của M. Duras, nhà văn Jean Mascolo.

Nhà cổ Huỳnh Thủy Lê nằm trên đường Nguyễn Huệ, P.2, TP Sa Đéc, cạnh sông Tiền tấp nập tàu bè chở hoa và nông sản đi TP.HCM và các tỉnh miền Tây.

Đó là một căn nhà cũ kỹ, rêu phong in rõ dấu thời gian. Nếu nói về kiểu dáng mỹ thuật và mức độ hoành tráng thì ngôi nhà này không thể so sánh với nhà cổ Huỳnh Kỳ ở Cầu Kè (Trà Vinh) hay nhà cổ Huỳnh Phủ ở Thạnh Phú (Bến Tre). Thế nhưng, nói về sức hút thì không có nơi nào sánh kịp. 

Căn nhà được ông Huỳnh Cẩm Thuận xây dựng năm 1895 với chất liệu gỗ mang phong cách Quảng Châu.

Đến năm 1917, khi văn hóa Pháp bao trùm cả Đông Dương thì ông cho thay đổi phần mặt tiền theo kiểu dáng phương Tây, còn bên trong giữ nguyên với nhiều hoa văn sơn son thếp vàng và thờ Quan Công giữa nhà.

Điểm đặc biệt của ngôi nhà là ở giữa nhà trũng xuống vì ông Huỳnh Cẩm Thuận quan niệm “nước chảy về chỗ trũng”, tiền bạc sẽ đổ về nhà ông. Gạch lát nền nhà kích thước 30x40cm được nhập từ Pháp năm 1917, mặt sau viên gạch ghi rõ nơi và năm sản xuất.

Theo cô Phạm Thị Đẹt (nguyên hiệu trưởng Trường tiểu học Trưng Vương, TP Sa Đéc), nhà cổ Huỳnh Cẩm Thuận được nhà nước quản lý từ năm 1975, sau đó giao các đơn vị công an quản lý, sử dụng.

Sau năm 1990, khi bộ phim Người tình được công chiếu thì rất nhiều du khách nước ngoài đến Sa Đéc tìm ngôi nhà Người tình của M. Duras.

Tuy nhiên do nhà này đang là trụ sở của một đơn vị nên họ hỏi thăm rồi đứng từ xa nhìn.

“Căn nhà tưởng bỏ đi này bỗng dưng nổi tiếng, thu hút du khách đến như vậy là điều rất đáng suy nghĩ. Tôi là đại biểu HĐND tỉnh Đồng Tháp nhiệm kỳ 1994-1999, vài lần muốn vào căn nhà này để nghiên cứu, làm tư liệu cũng không vào được. Trong các kỳ họp HĐND tỉnh, tôi có đề nghị nên giao cho ngành du lịch khai thác thì sẽ rất hiệu quả. Mãi tới năm 2006 tỉnh mới giao cho Công ty CP Du lịch Đồng Tháp quản lý, khai thác. Đến năm 2009 thì Bộ VH-TT&DL công nhận đây là di tích cấp quốc gia”.

Một đôi uyên ương chụp ảnh cưới trong sân ngôi nhà cổ - Ảnh: V.TR.

Mặc dù mặt tiền và khoảng sân nhà cổ Huỳnh Thủy Lê không quá đặc biệt, nhưng đủ sức hấp dẫn các cặp uyên ương đến đây chụp ảnh và quay phim kỷ niệm. Đương nhiên khi chụp ảnh tại nhà cổ Huỳnh Thủy Lê họ sẽ mặc trang phục của những năm 1930 rất ấn tượng. Có những cặp còn đầu tư trang phục giống như M. Duras và Huỳnh Thủy Lê khi yêu nhau để chụp ảnh.

Sức hấp dẫn kỳ lạ

Khoảng 90% cảnh quay bộ phim Người tình được thực hiện tại VN. Khi được mời cố vấn về văn hóa cho bộ phim, nhà văn Sơn Nam nói với đạo diễn J.J. Annaud: “Hãy cố gắng để 50 năm hoặc 100 năm sau, khi hậu thế muốn biết về mảnh đất Nam bộ giữa hai cuộc chiến tranh, người ta sẽ tìm xem phim của ông”.

Và thực tế là trong phim đã có những hình ảnh rất quyến rũ, từ cảnh đồng quê mộc mạc miền Tây đến cảnh chộn rộn Chợ Lớn cuối thập niên 1930.

Trước khi mất (năm 1996), M. Duras sau khi xem phim đã từng nói: “Đôi khi tôi cũng nghĩ rằng sự nghiệp viết lách của tôi bắt đầu từ đó, giữa những cánh đồng, những khu rừng và trong sự hiu quạnh. Có một đứa trẻ da trắng, gầy còm và lạc lõng mà người đó chính là tôi, giống người Việt hơn là Pháp, lúc nào cũng chân đất, không biết giờ giấc, không biết cách sống, thích ngắm chiều hoàng hôn trải dài trên sông, với khuôn mặt bị rám nắng”.

Theo chị Lê Thị Thanh Tuyền (hướng dẫn viên tiếng Pháp tại nhà cổ Huỳnh Thủy Lê), ngày 7-1-2013 nhà cổ đã tiếp đón một du khách đặc biệt là nhà văn Jean Mascolo, con trai của bà M. Duras.

Ông không giới thiệu mình là ai, chỉ đăng ký ngủ lại một đêm tại nhà cổ Huỳnh Thủy Lê (ở đây có hai phòng ngủ, giá 1 triệu đồng/phòng/đêm).

Đến hôm sau, khi trò chuyện với ông mọi người mới “té ngửa” khi biết ông là con ruột của nữ văn sĩ M. Duras - người yêu của Huỳnh Thủy Lê trước đây.

Ông Jean Mascolo tìm đến Sa Đéc là để tìm hiểu thêm về nơi bà ngoại của mình từng sinh sống và làm việc (bà hiệu trưởng Trường nữ tiểu học Sa Đéc Marie Donnadieu) và đặc biệt là muốn tìm hiểu thêm những bí ẩn trong căn nhà của Huỳnh Thủy Lê - người tình của mẹ ông.

Đến khi rời khỏi Sa Đéc ông cũng không thể nào giải thích được vì sao mẹ của mình, một thiếu nữ da trắng trẻ trung xinh đẹp, lại có thể yêu nhiệt cuồng một thanh niên bản xứ như vậy.

Cuối tháng 12-2014 chúng tôi đến nhà cổ Huỳnh Thủy Lê gặp lúc đôi vợ chồng người Pháp F. Motta đang ăn trưa và bàn tán rôm rả về ngôi nhà, về tiểu thuyết L’Amant. Ông F. Motta nói vợ chồng ông đến đây là vì ngưỡng mộ tài năng của nữ văn sĩ M. Duras và muốn tìm hiểu thêm về người tình đầu tiên của bà tại VN. Khi xem phim Người tình, họ cũng rất thích hình ảnh đẹp của đồng ruộng đồng bằng sông Cửu Long nên muốn đến đây trải nghiệm. 

Chúng tôi cũng đọc được nhiều ý kiến của du khách trong quyển sổ lưu niệm tại nhà cổ.

Ngày 20-6-2013 du khách Mỹ tên Lucilee Suttion viết: “Tôi rất hạnh phúc khi đến một ngôi nhà cổ đẹp, với lịch sử rất đặc biệt. Tôi đã đọc tiểu thuyết L’Amant của M. Duras và tôi có cảm giác rất đặc biệt khi đến đây”.

Ngày 29-3-2010 đôi tình nhân người Đức là Dominique và Angelitea đã ngủ lại một đêm trong nhà cổ Huỳnh Thủy Lê để trải nghiệm những gì đã đọc L’Amant và xem phim Người tình.

Trước khi rời khỏi căn nhà đặc biệt này, họ đã viết: “Chúng tôi đã trải qua một buổi tối ở đây và hiểu thêm về lịch sử ngôi nhà, về chuyện tình Huỳnh Thủy Lê và M. Duras. Tôi sẽ nói với những người bạn của mình về điều này và hi vọng mọi thứ trong căn nhà này sẽ được bảo tồn tốt hơn”.

___________

Kỳ tới: Sa Đéc - nơi hội ngộ tình đầu và tình cuối

VÂN TRƯỜNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên