Những cựu chiến binh sư đoàn 356 thăm lại hang đá, nơi đã che chở cho người dân và các chiến sĩ trong những ngày đạn bom của 30 năm trước - Ảnh: Nguyễn Khánh |
Với mô hình dưới chân nhà là ao, là ruộng, là nguồn nước được dẫn trực tiếp từ trên núi chảy tràn bên những đường mương bêtông khắp thôn để không một tấc đất ruộng nào bị thiếu nước.
Trong khi những đứa con đang cấy lúa cho vụ mùa thì ông Nguyễn Văn Hiện (60 tuổi, nguyên bí thư Đảng ủy xã Thanh Thủy) ngồi trầm ngâm bên cửa sổ nhà sàn nhìn đàn cá bỗng đang tranh nhau mấy quả đào chín rụng lộp bộp xuống ao nước. Chỉ tay vào dãy núi trước mặt, cách một cánh đồng mà những tảng đá mồ côi đứng ngồi khắp chốn, ông nói: “Phía chân núi có một chiếc hang dài mấy trăm mét đã từng chứa mấy chục hộ dân ở đây, cũng đã từng che chở cho cả trung đoàn bộ đội, là nơi tập kết thương binh liệt sĩ trước khi chuyển họ về tuyến sau để chăm sóc và an táng”. Từ cửa sổ trên ngôi nhà sàn giữa một thung lũng thơ mộng, ông Hiện nhướng mày chỉ về dãy núi đá sừng sững trước mặt, nơi có những dãy nhà từng là sở chỉ huy của Quân đội nhân dân Việt Nam trong những năm đánh Trung Quốc.
Đó là một hang đá dài và sâu hàng trăm mét nằm dưới chân núi, bây giờ cỏ mọc um tùm, chắn hết lối vào. “Bình thường hang này chỉ là nơi để những người đi làm nương làm đồng trú mưa, trẻ con vào tránh nắng. Nhưng hồi chiến tranh thì đây đúng là nơi trú ẩn rất an toàn, nó chỉ có thể bị sập khi cả dãy núi này sập xuống” - ông Hiện nói.
Nhìn cánh đồng trước mắt với những thửa ruộng đủ mọi hình thù, mà thửa ruộng nào cũng có những tảng đá thật to nằm chênh vênh ở giữa, ông Hiện cho biết: “Vài năm trước những thửa ruộng này vẫn còn mìn, ngay trong thôn cũng có rất nhiều người mất mạng hoặc bị thương tích trong quá trình sản xuất và sinh hoạt. Khi chưa rà hết mìn trong khu đất sản xuất này thì cực lắm, bây giờ ruộng nương đã sạch mìn hết rồi”.
Ông Hiện nói mình sinh ra ở gần hang núi này, uống dòng nước ngọt chảy ra từ khe núi, lớn lên, sống bám vào những thửa ruộng nhỏ như lòng bàn tay, bởi chỉ cần có đất, có nước là người Dao trong thôn này sẽ trồng ra cây lúa, cây đậu, không sợ chết đói. Vì vậy, làm sao có chuyện để mất đất vào tay giặc...
Theo số liệu thống kê của UBND xã Thanh Thủy, hiện nay xã có đến 18 người (hai người đang chờ xét duyệt) bị tai nạn bom mìn sau chiến tranh được hưởng trợ cấp của Nhà nước. Người mới nhất bị tai nạn thương tích do mìn là vào khoảng tháng 1-2014. Chủ tịch xã này cho biết hiện cả xã còn khoảng 500ha đất tự nhiên chưa được rà phá mìn. Đây là mối nguy hiểm không chỉ của những người dân bản địa mà còn cản trở cả việc cất bốc và tìm hài cốt các liệt sĩ trong chiến tranh. |
------------------------------------
* Tin bài liên quan:
Trận chiến bảo vệ biên giới Vị Xuyên: Bi thương - hào hùngGiữ từng thửa đất biên cươngKý ức ở trong tâmNước mắt Vị Xuyên
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận