17/05/2021 09:36 GMT+7

Rót vốn cho thành phố, hạ tầng cho cả vùng

TS TRƯƠNG MINH HUY VŨ (ĐH Quốc gia TP.HCM)
TS TRƯƠNG MINH HUY VŨ (ĐH Quốc gia TP.HCM)

TTO - Tăng thêm phần trăm tỉ lệ điều tiết cho ngân sách TP sẽ tương ứng với việc các tỉnh Nam Bộ có thêm bao nhiêu kilômet hạ tầng giao thông, góp phần thúc đẩy kinh tế vùng tăng trưởng mạnh mẽ hơn.

Việc ủng hộ tăng tỉ lệ để lại cho ngân sách TP.HCM từ lãnh đạo cao nhất của Nhà nước và Chính phủ là một kết quả quan trọng. Quyết định cuối cùng thuộc về Quốc hội. Ưu tiên của nguồn ngân sách và con số chính xác về tỉ lệ tăng ngân sách được giữ lại là hai điểm mà thành phố phải cùng với các tỉnh phía Nam tính toán và đưa ra phương án.

Lập luận thuyết phục nhất là TP sẽ dùng tỉ lệ tăng thêm này đầu tư vào các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm, mang tính kết nối vùng (như khép kín vành đai 2, giải phóng mặt bằng tuyến vành đai 3, cao tốc Mộc Bài - TP.HCM, vành đai 4…). 

Nói nôm na, tăng thêm phần trăm tỉ lệ điều tiết cho ngân sách TP sẽ tương ứng với việc các tỉnh Nam Bộ có thêm bao nhiêu kilômet hạ tầng giao thông, góp phần thúc đẩy kinh tế vùng tăng trưởng mạnh mẽ hơn, đóng góp lại nhiều hơn cho ngân sách trung ương.

Có thêm tiền, TP cần nhanh chóng thống nhất quan điểm với các tỉnh trực tiếp, cũng như gián tiếp có các tuyến vành đai và cao tốc đi qua để thống nhất về vấn đề này trình cho trung ương và Chính phủ. 

Vai trò "anh cả" trong liên kết vùng Nam Bộ sẽ được thể hiện bằng những hành động và dự án cụ thể, bao gồm cả điều phối, phân vai, phối hợp với nhau về ưu tiên và thời gian thực hiện, huy động các nguồn lực khác từ đâu…?

Tuy vậy, để có một lộ trình hiệu quả, TP chắc chắn không thể phát triển dàn trải mà phải có chính sách trọng tâm, chọn điểm mang tính lan tỏa, dồn nguồn lực và có cách tổ chức triển khai đồng bộ. 

Sự chủ động sắp xếp nguồn vốn trung hạn là điểm quyết định, đặc biệt là rà soát, điều chỉnh một số dự án chuyển tiếp không còn cấp thiết sang các dự án hạ tầng giao thông, hạ tầng đô thị quan trọng, cấp bách.

Với tinh thần "đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư nhân", phần góp vốn nhà nước cho các dự án đối tác công tư cần được ưu tiên bố trí và đưa vào kế hoạch trung hạn, cũng như các tính toán tài chính khác. 

Trong đó bao gồm các "nguồn lực" từ cổ phần hóa, từ sắp xếp, tối ưu hóa tài sản công, đất đai... Để làm được việc này cần chủ động đề xuất cơ chế. 

Như thu phí hạ tầng cảng biển để phục vụ lại nâng cấp cơ sở vật chất là một trong những ví dụ "cái khó ló cái khôn" về cơ chế mà TP đã triển khai.

Như vậy, chúng ta đã có những cơ sở quan trọng để tăng tỉ lệ điều tiết lại cho ngân sách TP.HCM giai đoạn 2022 - 2025, cũng như hình thành các nguồn lực quan trọng để TP phát triển bền vững hơn. Việc khó nhưng đã có hướng ra. Giờ là thời điểm của sự quyết liệt đeo bám để hiện thực hóa!

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc: Ủng hộ đề xuất tăng tỉ lệ ngân sách để lại cho TP.HCM Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc: Ủng hộ đề xuất tăng tỉ lệ ngân sách để lại cho TP.HCM

TTO - Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cho biết ông ủng hộ xem xét việc TP.HCM đề xuất tăng tỉ lệ ngân sách để lại cho TP.HCM.

TS TRƯƠNG MINH HUY VŨ (ĐH Quốc gia TP.HCM)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên