06/08/2020 10:07 GMT+7

Rời tàu cứu nạn trên biển liền lao vào chống dịch

TRƯỜNG TRUNG
TRƯỜNG TRUNG

TTO - 'Lúc lên tàu đi Hoàng Sa mình chỉ nghe phong thanh Đà Nẵng có ca nghi nhiễm. Mấy ngày lênh đênh trên biển đến khi có sóng điện thoại thì tình hình đã khá căng rồi, thấy không thể chần chừ nữa'.

Rời tàu cứu nạn trên biển liền lao vào chống dịch - Ảnh 1.

Y sĩ Đào Đức Hùng - Ảnh: TRƯỜNG TRUNG

Đó là lý do anh Hùng quyết định đón chuyến xe từ Quy Nhơn về Đà Nẵng ngay trong đêm 25 rạng 26-7.

Hơn 10 ngày qua, y sĩ Đào Đức Hùng (Trung tâm cấp cứu Đà Nẵng) đã trải qua một hành trình khó tưởng tượng. Lênh đênh trên tàu ra giữa Biển Đông, rồi khi về đất liền lại theo chuyến xe đò về ngay Đà Nẵng, đưa những bệnh nhân COVID-19 nặng ra Huế chạy chữa.

Vượt sóng cứu nạn

Anh Hùng có mặt trên chuyến tàu SAR 412 của Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải khu vực 2 chiều 24-7 khi Đà Nẵng vừa rộ lên thông tin một trường hợp có kết quả xét nghiệm dương tính COVID-19 trong cộng đồng sau hơn ba tháng đất nước bình yên.

Nhiệm vụ ra Biển Đông lần này là cứu nạn một thuyền viên tàu câu mực của tỉnh Quảng Nam đang đánh bắt cách Đà Nẵng hơn 400 hải lý bất ngờ bị tê liệt nửa người, không nói được, thuyền trưởng cầu cứu khẩn cấp.

Tàu vừa qua khỏi đảo Cù Lao Chàm, anh Hùng chỉ kịp nhắn tin cho vợ báo đi biển rồi như thường lệ anh về vị trí nằm "êm" sóng nhất mà thuyền thưởng ưu tiên cho riêng anh.

"Không phải mùa biển động thì tôi mới say sóng mà cứ ra giữa khơi xa, tàu gặp sóng lớn quăng quật thì ai cũng say là điều bình thường. Tôi an phận mình với thuốc và sữa rồi nằm cầm chừng. Chỉ chờ bung sức khi ra đến vị trí cứu nạn và đoạn đường theo sát bệnh nhân về đất liền" - anh Hùng nói.

Rời tàu cứu nạn trên biển liền lao vào chống dịch - Ảnh 2.

Y sĩ Đào Đức Hùng và thủy thủ tàu SAR 412 tiếp cận tàu ngư dân trên biển để cấp cứu người bị nạn - Ảnh: MRCC 2

Hơn 5 năm chuyên cấp cứu ngư dân ngoài Biển Đông, anh Hùng vẫn giữ thói quen chụp tấm hình con tàu có người bị nạn mà mình sắp cứu. Trong tấm hình mà anh gửi, con tàu câu mực Qna-90099 của thuyền trưởng Đỗ Thương (xã Tam Giang, Núi Thành, Quảng Nam) mỏng manh như chiếc lá tre giữa biển.

Trong tấm hình tiếp theo thì con tàu đã rõ ràng hơn, ở đó có hơn 10 ngư dân đang ngồi bó gối chờ tàu tiếp cận. Chiếc xuồng máy có bóng dáng áo blouse của anh Hùng cập vào.

Trên tàu, lão ngư dân Lê Tấn Cồng đang nằm nguy kịch. Tiêm thuốc, truyền dịch rồi cố định bệnh nhân, nhóm cứu hộ của tàu SAR 412 và anh Hùng nhanh chóng đưa lên tàu mẹ, quay đầu thẳng tiến trở về đất liền.

Tình trạng bệnh nhân quá cấp bách, vị trí cứu hộ lại nằm ở vùng biển phía nam cách bãi cạn Mắc Lec Phiên (quần đảo Hoàng Sa) khoảng 125 hải lý về hướng nam đông nam nên tàu quyết định không quay về Đà Nẵng mà chạy một đường thẳng cùng vĩ tuyến về TP Quy Nhơn.

Từ trưa 25-7, tàu chạy tới khuya mới vào đến bờ.

Trên đường về bờ, khi điện thoại vừa vào vùng phủ sóng thì anh liên tục nhận được những tin báo cập nhật từ đồng nghiệp và người thân. Trong chưa đầy 2 ngày, tình hình dịch COVID-19 ở Đà Nẵng đã chuyển biến khác hẳn. Ca nghi nhiễm đầu tiên đã được chính thức xác nhận là ca mắc COVID-19 và có thêm nhiều trường hợp mới được công bố.

"Lúc ấy tôi đã quyết là đưa bệnh nhân cấp cứu lên bờ xong bằng mọi giá phải về ngay vì tình hình quá căng, Đà Nẵng đang chờ. Hai vợ chồng tôi đều làm trong ngành y nên chuẩn bị ứng chiến không bao giờ thừa", anh nói.

Những chuyến xe "chịu trận"

Chưa kịp nghỉ ngơi sau chuyến đi biển vật vã, anh Hùng tạm biệt tàu SAR 412 bắt chuyến xe đò về ngay Đà Nẵng.

Về đến nơi thì thành phố đã thực hiện giãn cách xã hội theo chỉ thị số 19. Dân chúng được yêu cầu không tập trung quá 30 người tại nơi công cộng, đồng thời cả nước đang tích cực tổ chức các cầu hàng không đưa du khách rời khỏi Đà Nẵng.

Một cấp độ chống dịch được tăng cường, anh Hùng biết công việc của mình rồi đây sẽ căng thẳng hơn bao giờ hết.

Để toàn tâm toàn ý chống dịch, anh đặt vé máy bay hai chiều Thanh Hóa - Đà Nẵng cho mẹ trong sáng 28-7 vào đưa hai con nhỏ về quê nội. Nhưng từ 0h hôm đó lệnh "giãn cách xã hội" toàn TP đã được ban hành, mọi chuyến bay đến và đi từ Đà Nẵng bị tạm dừng.

Trong cảnh rối bời, y sĩ Hùng gửi lại hai con nhỏ đang giàn giụa nước mắt cho người thân rồi bắt đầu vào ca trực "liên tu bất tận".

Rời tàu cứu nạn trên biển liền lao vào chống dịch - Ảnh 3.

Y sĩ Đào Đức Hùng trong một ca trực thường ngày - Ảnh: TRƯỜNG TRUNG

Số ca nhiễm COVID-19 tăng dần rồi vượt con số 100. Những chuyến xe chuyển bệnh của Trung tâm cấp cứu TP Đà Nẵng cũng tăng theo với tần suất hoạt động 24/24 giờ. Người y sĩ chuyên cấp cứu trên biển giờ luôn có mặt trên những chuyến xe đưa bệnh nhân COVID-19 từ nhiều nơi trong TP về các cơ sở điều trị tập trung.

Đợt dịch trước, anh Hùng chưa đi cùng những chuyến xe cấp cứu chở người nhiễm COVID-19. Nhưng lần này, anh không nhớ nổi mình đã đi theo bao nhiêu bệnh nhân.

"Trong mọi trường hợp cấp cứu, bệnh nhân gặp tai nạn kiểu chi tôi đều chứng kiến nhưng cũng không căng thẳng bằng những chuyến xe cấp cứu chở người nhiễm COVID-19" - anh Hùng nói.

Anh Hùng thú thật mình phải nhịn uống, nhịn tiểu suốt một buổi khi đưa bệnh nhân 456 từ Đà Nẵng ra Huế, dù chuyến xe chỉ kéo dài chưa đầy 2 tiếng.

"Quy trình vận chuyển bệnh nhân rất nghiêm ngặt, sau khi đưa máy ECMO (máy hỗ trợ phổi nhân tạo - PV) lên xe cấp cứu, tôi cùng hai bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy đi cùng bệnh nhân để theo dõi mọi biến động thông số suốt hành trình. Bệnh nhân vào viện Huế là lúc mình đứng xoay tròn để các lực lượng "tắm khử trùng".

Biện pháp an toàn được đẩy lên cao nhất nên chẳng ai muốn tháo đồ bảo hộ trước khi về lại Đà Nẵng" - anh Hùng tiết lộ. Với những chuyến xe vận chuyển bệnh nhân COVID-19 đến các bệnh viện nội đô, thời gian có ngắn lại nhưng nhân viên y tế lúc nào cũng trong tình trạng "tắm" mồ hôi.

Đêm đến, những bệnh nhân anh theo vận chuyển lại gợi lên trong anh trí tò mò. Lật lại hành trình những bệnh nhân này anh chợt rùng mình vì sức công phá kinh khủng của loại virus với cơ thể con người. Bởi trước đó chỉ vài ngày họ còn đi lại bình thường nhưng lúc anh gặp, họ phải duy trì sự sống nhờ tim, phổi nhân tạo.

Những người nơi tuyến đầu chống dịch như y sĩ Hùng lại tự nhắc nhau phải cố hết sức bảo vệ mình trong trận chiến lâu dài.

"Con không ngủ làm mắt tôi cay xè"

Vợ y sĩ Hùng cũng là điều dưỡng đang công tác tại khu cách ly những người thuộc diện F1 ở quận Ngũ Hành Sơn, TP Đà Nẵng. Cả hai vợ chồng đi chống dịch, bé trai 7 tuổi, bé gái 1 tuổi con anh phải nhờ những người bà con bên vợ thay phiên chăm sóc.

"Đêm qua, bà ngoại điện nói con bé không có mẹ nên không chịu ngủ. Làm cha như tôi lòng dạ rối bời, nước mắt cứ rơm rớm khi nhìn thấy con. Nhưng biết sao giờ, mình chọn ở đây để con mình ở nhà được an toàn" - anh Hùng nói.

Lực lượng không về nhà

Theo bác sĩ Phạm Thị Ánh Hồng - phó giám đốc Trung tâm cấp cứu TP Đà Nẵng, hiện ngoài các trạm cấp cứu 115 tại các quận, huyện thì trung tâm đang có 15 xe cấp cứu thực hiện cùng lúc 2 nhiệm vụ chống dịch và cấp cứu thông thường.

Những ngày qua do vừa phải vận chuyển "giảm tải" bệnh nhân cho các bệnh viện bị phong tỏa và chuyển bệnh nhân nhiễm COVID-19 đi các trung tâm điều trị mới nên lực lượng rất căng thẳng.

Các nhân viên y tế của trung tâm đóng quân 24/24 giờ tại đơn vị và thường xuyên được xét nghiệm COVID-19.

Thư Thủ tướng: Cả nước hãy chia sẻ, bảo vệ những Thư Thủ tướng: Cả nước hãy chia sẻ, bảo vệ những 'chiến sĩ áo trắng' tuyến đầu chống dịch

TTO - "Tôi biểu dương, ghi nhận và đánh giá cao những cống hiến và sự tận tâm của các thầy thuốc trong cuộc chiến với đại dịch COVID-19, cảm ơn gia đình các thầy thuốc và cán bộ ngành y đã đồng hành và chia sẻ...", Thủ tướng viết.

TRƯỜNG TRUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên