Người dân xã Lại Sơn (Kiên Hải) rửa cá, xẻ khô rồi xả chất thải, nước thải trực tiếp xuống biển - Ảnh: K.NAM
Nhiều hòn đảo xinh đẹp ở Việt Nam đang vất vả với nạn ô nhiễm nhưng vẫn chưa tìm ra hướng giải quyết triệt để rác thải sinh hoạt.
Chính quyền huyện Côn Đảo (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu), Phú Quốc, Kiên Hải (tỉnh Kiên Giang)... đang đau đầu vì rác chất đống ngày càng cao.
Côn Đảo muốn chở rác về bờ
Bãi rác Côn Đảo gần như nằm lọt trong thung lũng, bao quanh ba phía là những dãy núi, phía trước là biển Bãi Nhát. Theo quan sát vào cuối năm 2018, rác ở đây đã chất cao hàng mét. Ngoài rác dễ phân hủy còn có những loại khó phân hủy như chai nhựa, nilông.
Bên trong bãi rác có một lò đốt rác nhỏ. Một công nhân xử lý rác ở đây cho hay mỗi ngày lò đốt này chỉ xử lý hết khoảng 1/3 lượng rác được chở đến.
UBND huyện Côn Đảo cho biết bãi tập kết rác rộng gần 4.000m2 và đã sử dụng để chôn rác hơn 20 năm qua, đến nay diện tích chỉ còn khoảng 300m2.
Trong khi đó, lò đốt rác ở đây chỉ xử lý được khoảng 5 tấn/ngày nhưng lượng rác thải phát sinh trên đảo lên đến 15 tấn nên đến đầu 2018, ước tính bãi rác này chứa khoảng 70.000 tấn.
Đáng chú ý, bãi rác này đã phát sinh các hiện tượng ô nhiễm môi trường như: có mùi hôi, nước rỉ rác chảy qua đường, xuống biển Bãi Nhát - là bãi tắm đẹp, thu hút du khách.
Ngoài ra, bãi rác này nằm sát bên bia di tích lịch sử ghi cuộc vượt ngục võ trang của 198 người tù khổ sai vào ngày 12-12-1952.
Mới đây, UBND huyện Côn Đảo đã trình phương án đưa lượng rác ứ đọng về đất liền xử lý bằng cách ép rác thành bánh, đóng thành kiện và đưa về đất liền bằng tàu thủy để xử lý chôn lấp tại khu xử lý rác thải tập trung ở xã Tóc Tiên, thị xã Phú Mỹ.
Theo Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Côn Đảo, nếu đưa số rác trên về đất liền, số tiền khái toán khoảng 35 tỉ đồng. UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu yêu cầu UBND huyện Côn Đảo có tính toán cụ thể, trình để thẩm định lại.
Một góc của bãi rác Côn Đảo - Ảnh: Đ.HÀ
Phú Quốc còn tồn 2 núi rác
Vùng biển Kiên Giang rộng trên 63.200km2, có 145 hòn đảo lớn nhỏ, 47 đảo có dân sinh sống. Đảo lớn nhất là Phú Quốc với diện tích gần 590km2, dân số ước tính trên 100.000 người.
Du lịch Phú Quốc tăng chóng mặt, với dự án, du khách tăng cao khiến rác thải vùn vụt tăng theo. Năm 2014, ước tính mỗi ngày cư dân và du khách trên đảo Phú Quốc thải ra khoảng 140 tấn rác, đến nay còn số này vào khoảng 200 tấn/ngày.
Không có nhà máy rác, gần như toàn bộ rác thải trên đảo Phú Quốc dồn về 2 bãi chứa tạm ở xã Cửa Cạn và thị trấn An Thới.
Ông Đặng Ngọc Thắng, phó giám đốc Sở TN-MT tỉnh Kiên Giang, cho biết đến nửa cuối năm 2017, đảo Phú Quốc mới có dự án nhà máy xử lý rác thải rộng khoảng 10ha ở ấp Bãi Bổn, xã Hàm Ninh.
Tuy nhiên, nhà máy này mất hơn 1 năm rưỡi để vận hành thử nghiệm, có lúc phải tạm dừng để bổ sung thiết bị.
Sau khi thu hồi dự án để giao cho chủ đầu tư mới, hơn 1 tháng nay, nhà máy rác Bãi Bổn đã vận hành tiếp nhận khoảng 130 tấn rác mỗi ngày.
Ông Nghiệp cho hay, sắp tới, Phú Quốc sẽ kêu gọi đầu tư thêm 1 nhà máy xử lý rác ở xã Dương Tơ, quy mô rộng khoảng 7ha. Riêng với 2 núi rác ở 2 bãi chứa tạm tại Cửa Cạn và An Thới đã có doanh nghiệp tài trợ 40 tỉ đồng để đốt hết, tránh ô nhiễm môi trường.
Ngoài đảo Phú Quốc đã tạm ổn với vấn đề rác thải, hiện chỉ có xã đảo Tiên Hải (thuộc thị xã Hà Tiên) và đảo Củ Tron thuộc xã An Sơn (huyện Kiên Hải) là có lò đốt rác công suất khoảng 2-2,5 tấn/ngày.
Tại nhiều đảo thuộc huyện Kiên Hải vốn đang là điểm đến hấp dẫn với nhiều du khách, hình ảnh rất dễ bắt gặp ngay trên cầu tàu dẫn vào đảo chính là rác. Rác thải tấp thành từng đống nổi lềnh bềnh ở cầu tàu xã An Sơn, Lại Sơn... bốc mùi hôi nồng nặc.
Vì sao khó xử lý rác?
Một cán bộ có chức năng cho hay, vấn đề xử lý rác tại Côn Đảo đã được nhận thấy từ lâu, cả chục năm nay nhưng cứ loay hoay mãi nên đến bây giờ vẫn chưa có giải pháp triệt để.
Theo tìm hiểu, chủ trương của tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu cũng đã kêu gọi xã hội hóa xử lý rác thải sinh hoạt ở Côn Đảo từ lâu nhưng chưa có nhà đầu tư nào tham gia. Theo cán bộ trên, doanh nghiệp đầu tư xử lý rác phải có lãi trong khi xử lý rác ở Côn Đảo lãi thấp hơn so với đất liền trong khi suất đầu tư cao nên họ không mặn mà.
Trong khi đó yêu cầu xử rác ở Côn Đảo là cấp bách để giữ gìn môi trường. Một cán bộ đề xuất, xử lý rác có ba cách: chôn lấp, xử lý vi sinh và đốt. Tại Côn Đảo, phương pháp đốt là hợp lý vì đất ít, lại là vùng di tích lịch sử đặc biệt, có tính chất tâm linh.
Bài toán xử lý rác vẫn chưa có lối ra, còn lượng rác cứ tăng dần theo nhu cầu du lịch, nhất là sau khi có thêm các chuyến tàu cao tốc đi từ Sóc Trăng, Vũng Tàu ra.
Đầu tháng 3-2019, Sở Du lịch tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu đề xuất với UBND huyện Côn Đảo thu phí du khách ra Côn Đảo ngay từ đất liền thay vì chỉ thu phí những ai vào thăm quan di tích, vườn quốc gia như hiện nay.
Lý giải về đề xuất này, ông Trịnh Hàng, giám đốc sở Du lịch tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu, cho biết ngoài việc gom thu phí về một mối, đề xuất này còn để mọi người ra Côn Đảo có trách nhiệm với hệ sinh thái, môi trường, xử lý rác thải bởi có một lượng du khách chỉ đến Côn Đảo trong một ngày và để lại rác thải.
Trong khi đó, ông Huỳnh Vĩnh Lạc, Chánh Văn phòng UBND tỉnh Kiên Giang cho rằng, ngay khi bắt đầu kêu gọi đầu tư vào đảo Phú Quốc, lãnh đạo địa phương đã kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư xử lý rác.
Tuy nhiên, cách đây 10 năm, tìm được 1 doanh nghiệp trong nước chịu đầu tư xử lý rác là không dễ. Phải đến những năm gần đây việc xử lý rác tập trung trên quy mô hàng chục, hay hàng trăm tấn mỗi ngày mới dần dần trở thành hiện thực.
Một trong những vấn đề mà nhiều nhà đầu tư vào nhà máy rác gặp khó là công nghệ và vốn. Gần đây, tỉnh Kiên Giang đã cấp chủ trương cho một số nhà đầu tư xử lý rác theo công nghệ hiện đại, có thể đốt tới 90% lượng rác. Vấn đề còn lại là các địa phương phải dành quỹ đất và nguồn lực thích hợp để xử lý rác.
Đủ quỹ đất, cần xây dựng cơ sở xử lý rác tại đảo
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Hoàng Văn Thức, phó tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên-môi trường) khẳng định nguyên tắc trong xử lý rác thải sinh hoạt là rác thải phát sinh phải được thu gom, xử lý.
Tuy nhiên, ông Thức cho rằng việc xử lý rác thải sinh hoạt phát sinh tại các đảo còn tùy thuộc vào quy mô diện tích đất từng đảo.
Ông Thức cho biết với những đảo có quy mô diện tích đất lớn, có khả năng bố trí được quỹ đất xây dựng cơ sở xử lý rác thải sinh hoạt, sẽ lựa chọn giải pháp xử lý rác thải tại đảo. Với những đảo có diện tích nhỏ, không bố trí được quỹ đất, số lượng rác sinh hoạt phát sinh ít, giải pháp chung là thu gom, sau đó đưa vào đất liền xử lý hoặc những đảo chưa có cơ sở xử lý rác thì vẫn phải đưa vào đất liền xử lý.
Trước câu hỏi những đảo có quy mô diện tích ra sao, số dân thế nào cần xây dựng cơ sở xử lý rác thải sinh hoạt, ông Thức cho rằng hiện nay chưa có quy định cụ thể, tuy nhiên sẽ có hướng nghiên cứu để xem xét vấn đề này.
Theo quy định, trước đây việc quản lý chất thải rắn, trong đó có rác thải sinh hoạt ở đô thị được giao cho Bộ Xây dựng. Tuy nhiên, gần đây Chính phủ đã quyết định thống nhất chức năng quản lý chất thải rắn, trong đó có quản có rác thải sinh hoạt được giao về cho Bộ TN-MT, vì vậy, theo ông Thức, ngay tới đây sẽ phải rà soát, đánh giá tổng thể về mặt quy hoạch, trong đó có tính toán đến các cơ sở xử lý rác thải sinh hoạt ngay tại đảo.
Xử lý rác trên đảo, không thể chần chừ
GS.TS.Đặng Kim Chi - Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường - cho rằng thực trạng rác thải sinh hoạt phát sinh tại các đảo hiện nay đang là vấn đề lớn, cần phải nhìn nhận đúng mức để có giải pháp phù hợp, kịp thời.
" Rác thải sinh hoạt phát sinh tại đảo luôn gặp khó khăn từ khâu thu gom đến xử lý. Nếu rác thải sinh hoạt ngoài đảo không được thu gom triệt để, rác thải trôi nổi sẽ ra biển, ra đại dương, khi đó trở thành ô nhiễm biển, ô nhiễm rác thải nhựa trên đại dương"-bà Chi nói.
"Muốn có cơ sở xử lý rác thải sinh hoạt trên đảo phải có cơ chế chính sách ưu đãi thu hút đầu tư. Ngoài ra, cũng cần có những giải pháp hạn chế sử dụng với một số loại rác thải có tính khó phân thủy, đặc biệt là các sản phẩm nhựa sử dụng một lần"-bà Chi nói.
Rác thải ở đảo Cù Lao Chàm được thu gom và xử lý triệt để trên đảo - Ảnh: V.Hùng
Rác được xử lý, biển sạch đẹp hơn
Tại huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) hiện tại, tình trạng rác thải bủa vây t đã chấm dứt. Rác của hộ gia đình , cơ sở dịch vụ giờ đây được thu gom và vận chuyển đến nơi đốt rác. Nhưng nơi một thời ô nhiễm, nhất là ven bờ biển quanh đảo, không còn rác rưởi, bốc mùi hôi thối như trước đây.
Theo bà Phạm Thị Hương, phó chủ tịch UBND huyện Lý Sơn, sau khi được quản lý và vận hành theo hình thức xã hội hóa, Nhà máy xử lý chất thải rắn Lý Sơn đã phát huy hiệu quả tối ưu khi tổ chức thu gom triệt để rác trên địa bàn, nâng công suất xử lý rác từ 20 tấn lên 50 tấn rác/ngày, không còn chôn lấp như trước đây.
Đảm bảo toàn bộ lượng rác sinh hoạt mỗi ngày ở huyện đảo khoảng 25 tấn đều được xử lý đốt, hơn 90% số hộ đăng ký tham gia thu gom rác với lệ phí 12.000 đồng/tháng, qua đó làm cho đảo Lý Sơn ngày càng sạch hơn.
Bà Hương cho hay, nhà máy thành lập các đội thu gom, vận chuyển rác, đặt nhiều thùng đựng rác trên các tuyến đường chính, các điểm thăm quan, du lịch. Toàn bộ lượng rác thải sau khi tập kết về nhà máy đều được đưa vào hệ thống xé bao, hệ thống sàng, phân loại...
Còn đối với rác trên biển, huyện tuyên truyền đến từng chủ tàu nghiêm cấm xả rác xuống biển.
Theo ghi nhận, nhiều khu du lịch nổi tiếng khác tại miền Trung, vấn đề vệ sinh môi trường cũng được xử lý khá tốt, như ở Cù Lao Chàm (xã đảo Tân Hiệp, TP Hội An, Quảng Nam). Mỗi ngày tại đảo phát sinh 3-4 tấn rác thải. Nhưng được thu gom triệt để, không còn cảnh bãi tồn đọng ở biển lẫn các khu dân cư như trước đây.
Ông Mai Quốc Bảo, phó chủ tịch UBND xã Tân Hiệp cho hay, hơn 3 năm trước có một doanh nghiệp trong nước trao tặng cho xã đảo một lò xử lý rác bằng không khí đối lưu, công nghệ Nhật Bản, đặt tại Eo Gió. Hiện lò đốt mỗi ngày xử lý từ 3-10 tấn rác với chi phí quản lý, vận hành, điện,...khoảng 2 tỉ đồng/năm đã xử lý triệt để lượng rác trên đảo.
Nhà máy đốt rác thải tạo ra điện tại đảo Langkawi - Ảnh: Mongabay
Malaysia, Thái Lan xử lý rác trên đảo ra sao?
Langkawi, quần đảo ở phía Tây Bắc Malaysia thuộc bang Kedad, thu hút hàng triệu du khách mỗi năm, nên việc quản lý chất thải tương đối phức tạp.
Theo báo Malaysiakini, sự phát triển đô thị nhanh chóng ở đảo Langkawi dẫn tới gia tăng lượng chất thải rắn cần xử lý. Các phương thức quản lý chất thải rắn truyền thống thiếu hiệu quả và không bền vững.
Theo đó, các nhà quản lý tại Langkawi tìm kiếm và áp dụng mô hình quản lý chất thải rắn mới, trong đó đề cao vai trò của nhà máy đốt rác thải để sản xuất điện.
Nhà máy đốt rác thải chạy bằng năng lượng được tạo ra từ chất thải rắn. Mỗi ngày, nhà máy có thể xử lý 100 tấn rác thải và sản xuất 1 megawatt điện.
Tuy nhiên, giải pháp xử lý này khá tốn kém. Langkawi cũng sử dụng giải pháp khác tiết kiệm hơn là chôn lấp. Nhưng cách này bị chỉ trích vì lạc hậu và ô nhiễm môi trường.
Trong khi đó, theo Strait Times, tại Thái Lan, trên các đảo du lịch, nước này khuyến khích phân loại và tái chế rác thay cho đốt rác, vì cho rằng đốt rác cũng gây hại cho môi trường không kém.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận