11/12/2018 11:08 GMT+7

Ra tù làm lại cuộc đời - kỳ 5: Ký ức ma túy và án tử hình

MY LĂNG
MY LĂNG

TTO - Cứ khoảng 4h sáng, nghe tiếng xe ì ì dưới sân, nghe tiếng cạch mở cửa cầu thang hành lang, cả phòng tù mặt cắt không còn giọt máu. Họ mở cửa phòng nào thì tử tù trong phòng đó như chết lâm sàng hết. Tôi sống như thế suốt sáu tháng trời...

Ra tù làm lại cuộc đời - kỳ 5: Ký ức ma túy và án tử hình - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Xuân Bàn với niềm vui bên vườn cây giống

Bây giờ tôi không giàu có gì nhưng tôi hài lòng. Tôi không còn mộng làm giàu bằng mọi giá nữa. Tôi đã vượt qua cám dỗ vì nhớ đến những cán bộ rất tốt ở trại giam Thủ Đức.

NGUYỄN XUÂN BÀN

Năm 1992, Nguyễn Xuân Bàn - một cán bộ của Công ty quốc doanh vật tư Thuận Châu ở xã Tông Lạnh (huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La) - được một người bạn rủ góp vốn mua... ma túy vào Sài Gòn bán.

Những đêm thức chờ chết

"Người ta vẽ ra viễn cảnh rất ngon lành, lời rất cao. Mà tôi có biết ma túy tác hại lớn thế nào đâu. Lúc đó công ty tôi làm đang gặp khó khăn, cả năm trời cán bộ nhân viên không có việc làm. Nghe thấy bạn nói bán ma túy lời nhiều là xuôi tai, gom hết tiền dành dụm góp được 15 triệu.

Lúc đó một cây vàng chỉ hơn 3 triệu đồng. Chúng tôi mua 6 bánh heroin tương đương 2,1kg, mang vào Sài Gòn bán" - ông Nguyễn Xuân Bàn, hiện 63 tuổi, nhớ lại.

Khi vào Sài Gòn, người bạn cũng không có mối bán, phải nhờ người nhà đi tìm... khách hàng.

Ông Bàn kể: "Đi bán ma túy không thể gặp ai cũng hỏi có mua ma túy không. Tìm mãi không được, hai anh em đem về. Đến đường Hai Bà Trưng gần chợ Tân Định (Q.1) thì bị bắt".

Tháng 7-1993, Nguyễn Xuân Bàn bị tuyên án chung thân, còn người bạn án tử hình. Gần ba năm sau, tháng 3-1996, vụ án được đưa ra xử lại. Lần này, Nguyễn Xuân Bàn bị tuyên mức án cao nhất: tử hình.

"Tôi nghe tòa tuyên án, mắt mờ đi, chân khuỵu xuống, sợ đến không nói được, ngọng luôn. Mồ hôi ra như tắm, ướt hết bộ quần áo. Lúc đó mới biết sợ toát mồ hôi là gì. Hai anh công an phải xốc nách lôi lên xe vì tôi không bước nổi" - ông Bàn kể.

Về trại Chí Hòa, Nguyễn Xuân Bàn bị đưa vào khu biệt giam dành cho tử tù, bắt đầu những tháng ngày đáng sợ nhất trong cuộc đời mình. Khu biệt giam có 32 tử tù. "Tử tù chỉ ngủ ban ngày, đêm không dám ngủ, thức chờ xem trong đêm đó có phải đến lượt mình bị đưa đi bắn hay không.

Cứ khoảng 4h sáng, nghe tiếng xe ì ì dưới sân, nghe tiếng cạch mở cửa cầu thang hành lang, cả phòng mặt cắt không còn giọt máu. Không ai động chân động tay mà nín thở vểnh tai ra cửa nghe để chờ xem bước chân của bóng áo rằn ri của người thi hành án dừng ở phòng nào.

Khi họ mở cửa phòng nào thì tử tù trong phòng đó hầu như chết lâm sàng hết. Tôi sống như thế suốt sáu tháng trời, trong tâm trạng nơm nớp lo sợ đêm nay mình có bị đem bắn hay không".

Tử tù Nguyễn Xuân Bàn ở cùng phòng với ba phạm nhân: một hiếp dâm và hai giết người. Tháng thứ ba, phạm giết người bị tử hình. Tháng thứ năm, thi hành án phạm hiếp dâm.

"Đêm đó cửa mở, hơn chục cán bộ công an tràn vào trong phòng. Tôi tưởng đến lượt mình, mặt tái mét. Một anh công an nói: Không phải anh, người kia, rồi chỉ sang Nguyễn Duy Linh.

Khi cán bộ đọc quyết định thi hành án, Linh không đứng nổi, hai anh công an phải đến xốc nách. Cán bộ hỏi: Anh có súc miệng, rửa mặt không? Nó không phản ứng gì. Người ta phải lay lay nó, nói: Anh phải đi thi hành án, rõ chưa? Bây giờ anh có rửa mặt không?

Nó gật một cái. Người ta đưa ca nước cho nó nhưng nó không cầm được, nước đổ lênh láng. Một người đưa bàn chải đánh răng, nó toàn đánh bên ngoài má" - ông Bàn kể.

14h chiều ngày 12-9-1996 là một ngày không thể nào quên với tử tù Nguyễn Xuân Bàn. "Tôi đang ngủ, có người lay bảo dậy dậy, giật mình nhìn ra thấy kín một phòng 20 người mặc quân phục chỉnh tề, đứng một hàng dọc bờ tường.

Tôi toát mồ hôi lạnh. Nhưng nhìn ra cửa thấy sáng rực nghĩ sao lại bắn mình vào buổi trưa. Anh cán bộ bảo: Anh mặc quần áo, đứng dậy nghe chúng tôi công bố quyết định. Họ đưa cho tôi quần áo dài vì tử tù chỉ mặc quần xà lỏn.

Tôi nghe loáng thoáng là công bố quyết định ân giảm án tử hình xuống chung thân, nghe câu được câu chăng vì niềm vui đến quá bất ngờ nên tôi lịm đi. Ông cán bộ trưởng khu hỏi: Anh có nghe được gì không?

- Tôi nghe câu được câu chăng.

- Anh bình tĩnh nhé. Giờ tôi đọc lại quyết định tha tội chết của Chủ tịch nước. Anh không phải chết nữa".

Trong 32 tử tù ở khu biệt giam của trại giam Chí Hòa, chỉ có Nguyễn Xuân Bàn được giảm án xuống chung thân. Một tuần sau, ông được chuyển lên trại giam Z30D, còn gọi là trại giam Thủ Đức.

Ra tù làm lại cuộc đời - kỳ 5: Ký ức ma túy và án tử hình - Ảnh 3.

Ông Bàn và các công nhân người dân tộc thiểu số làm việc cho vườn ươm giống của ông

Phép thử ở tuổi 54

Ở tù đến năm thứ 11 (năm 2003), ông Bàn được giảm từ án chung thân xuống 20 năm. Nhờ cải tạo tốt, có nhiều đóng góp, ông tiếp tục nhiều lần được giảm án. Đến năm 2008, sau gần 16 năm trong tù, Nguyễn Xuân Bàn được tự do.

Vào tù năm 36 tuổi, ra tù năm 52 tuổi, đầu hai thứ tóc.

Năm đầu tiên sau khi ra tù, ông không biết làm gì.

"Làm gì cũng phải có tiền, phải vay mượn, mà mới ra tù, ai dám cho mượn. Đang lúc nợ nần, khó khăn thì một người bạn tù quê Hải Dương, ở cùng trại giam Thủ Đức ra sau tôi hai năm, đến rủ buôn bán, vận chuyển ma túy.

Tôi đã thức trắng đêm đấu tranh: làm hay không làm? Nếu làm, trót lọt thì sẽ trả được hết nợ mà biết đâu còn dư được ít tiền làm ăn. Một tuần sau, tôi trả lời dứt khoát: không làm! Sáu tháng sau người đó bị bắt" - ông Bàn kể.

Sau khi tìm hiểu, tính toán đủ thứ, cuối cùng ông mượn 400m2 đất ươm cây cà phê giống.

"Năm đầu lãi 5 triệu đồng, năm thứ hai lãi 25 triệu đồng. Đến năm thứ ba, tôi ươm thêm cây trồng rừng, lãi 70 triệu đồng. Năm thứ tư vay 200 triệu mở rộng diện tích và đa dạng thêm cây trồng thì lời 100 triệu đồng.

Những năm gần đây, mỗi năm lời 150 triệu đồng. Tôi đang cung cấp cây giống táo mèo, thông, keo phục vụ dự án trồng rừng của huyện và cây cà phê phục vụ nhu cầu của dân. Tôi định ươm thêm cây ăn quả, mở hợp tác xã" - ông Bàn cho biết.

Ra tù làm lại cuộc đời - kỳ 5: Ký ức ma túy và án tử hình - Ảnh 4.

Trưởng ban quản lý chợ Tông Lạnh Nguyễn Xuân Bàn thường xuyên đi kiểm tra chợ và thăm hỏi bà con tiểu thương

Được tín nhiệm

Hiện nay, mỗi năm vườn ươm của ông Bàn cung cấp 500.000 cây giống các loại, trong đó có cây cà phê, tạo công ăn việc làm cho 10 nhân công. "Làm gì cũng phải chuyên tâm, chuyên nghiệp, chuyên cần và phải đặt chữ tín, chữ tâm lên hàng đầu" - ông Bàn nói.

Hiện ông đang làm trưởng ban quản lý chợ Tông Lạnh, trưởng ban công tác mặt trận tiểu khu 1 (xã Tông Lạnh).

Đặc biệt, dù đã lên chức ông nội, ông ngoại, ông Bàn vẫn được tín nhiệm bầu làm hội trưởng hội phụ huynh cả hai trường cấp I và cấp III Tông Lạnh.

Kỳ tới: Từ tội phạm thành nhân viên công lực

MY LĂNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên