Xưởng mộc ở Hóc Môn của anh Hùng hiện có 13 nhân công, thu nhập từ 9-12 triệu đồng/tháng - Ảnh: MY LĂNG
Sinh ra là một đứa trẻ không cha, 3 tuổi mẹ đi bước nữa. Ở với người cha dượng nát rượu, không được đi học, ngày ngày phải xuống biển xin cá. Tuổi thơ của Lê Thừa Hùng (còn gọi là Lê Thừa Dương Hùng) là chuỗi ngày cay nghiệt với những trận đòn, xỉ vả và sự ghẻ lạnh.
Ra tù mà không có việc làm rất dễ bị cám dỗ, nhưng tôi kiên quyết không đi lại con đường cũ
LÊ THỪA HÙNG
Tuổi thơ hung bạo
8 tuổi, Hùng bỏ nhà đi tìm cha rồi bắt đầu cuộc sống đầu đường xó chợ ở bến xe Đông Ba, ga tàu Huế. Ở được hai năm, nhớ mẹ, thương em, Hùng quay về nhà.
"Mày có ngon thì đi đi! Loại con hoang như mày chỉ có đi ăn cướp mà sống chứ không làm được gì!" - câu nói đó của dượng ghẻ găm sâu vào tâm hồn đứa con nít 10 tuổi. Hùng bỏ nhà về lại giang hồ.
"Bị nhóm này đánh nhóm kia đánh, môi trường sống toàn đầu đường xó chợ, tôi hung bạo, lì lợm lúc nào không hay" - Lê Thừa Hùng, giờ đã 45 tuổi, nói.
Mới 12 tuổi, với biệt danh Hùng "sầu", cậu được một đại ca thu nhận và sớm trở thành cánh tay đắc lực chuyên bảo kê, đòi nợ thuê.
Trong một lần bị tấn công, Hùng "sầu" đã chém đứt cánh tay và cắt một tai của đối thủ! Có lần đi đòi nợ một phụ nữ đang mang thai, bất chấp người phụ nữ đó quỳ lạy, Hùng "sầu" thẳng chân đạp vào bụng khiến người phụ nữ đó sẩy thai.
15 tuổi, Hùng "sầu" bị bắt vì tội cố ý gây thương tích, đi cưỡng bức lao động 18 tháng.
Cuối năm 1992, 19 tuổi, Hùng "sầu" lại bị bắt vì tội cố ý gây thương tích. Án 2 năm tù. Ở 21 ngày thì trốn trại, Hùng "sầu" bị truy nã toàn quốc, phải trốn qua Campuchia rồi sang Lào và quay về ngã tư An Sương năm 1995.
"Đầu năm 1997 tôi lại bị bắt. Trên đường từ Sài Gòn di lý ra Huế tôi tính trốn nhưng nghĩ: Mình đã trốn nhiều năm rồi còn bị bắt lại. Không lẽ cuộc đời mình cứ trốn chui trốn nhủi mãi? Chi bằng cải tạo cho tốt để ra tù rồi làm lại cuộc đời" - Hùng "sầu" suy nghĩ.
Bản án dành cho Hùng "sầu" là ba năm sáu tháng. Đầu năm 2000, nhờ thành tích cải tạo tốt, Hùng "sầu" được ra tù trước thời hạn.
Anh nói: "Ở trong tù tôi nghĩ nếu không hoàn lương thì trước sau gì cũng chết hoặc vô tù lại. Nhưng ra tù mà không có việc làm rất dễ bị cám dỗ nhưng tôi kiên quyết không đi lại con đường cũ".
Gác kiếm giang hồ, anh Lê Thừa Hùng kiếm sống bằng nghề điêu khắc mộc và tìm bình yên trong từng bức tượng Phật được đôi tay khéo léo của anh tạo ra - Ảnh: MY LĂNG
Cai nghiện và hoàn lương
Để làm lại cuộc đời, trước tiên phải đoạn tuyệt với ma túy. Nghĩ vậy nên Hùng "sầu" đã nhốt mình trong phòng 22 ngày liền để tự cắt cơn nghiện. Ra khỏi phòng, Hùng "sầu" tìm tới các xưởng gỗ ở đường Cộng Hòa (Tân Bình) xin học nghề nhưng họ không nhận.
Hùng tìm đến một xưởng gỗ ở bến xe Tây Ninh, coi cách người ta làm để học lỏm. Rồi anh kiếm củi để đục. Thích gì đục đó: mã tấu, dao găm, súng, còng số 8... Cái nào khó lại đi dòm người ta làm. Cứ miệt mài, kiên trì, chín tháng sau Hùng "sầu" biết nghề.
Anh xin vào xưởng gỗ gần ngã tư An Sương. Sáu tháng sau, Hùng "sầu" được cất nhắc lên vị trí kỹ thuật trưởng. Trong ba năm sau đó, anh làm việc cật lực. Thứ bảy, chủ nhật, ngày lễ... đều xin làm thêm. Tiết kiệm được 47 triệu đồng, anh bỏ việc, thuê mặt bằng để có chỗ giúp những người như mình.
"Mọi người nói tôi khùng, tiền đó để mua miếng đất hoặc căn nhà cấp 4 mà ở. Nhưng tôi quyết tâm không chỉ lo được cho mình mà còn lo được cho người khác. Tôi thuê mặt bằng ở đường Đặng Thúc Vịnh (Hóc Môn), mua gỗ, mua máy rồi về quê dắt sáu đứa hư hỏng và mới ra tù vô dạy nghề.
Trước xưởng tôi đề bảng: Dạy nghề miễn phí, ưu tiên trẻ mồ côi, tù tội về. Tôi không lấy học phí, nuôi ăn ở. Bảy thầy trò làm rồi từ đó nhân lên. Lúc đông người chật quá, tôi chuyển qua thuê bên đường Lê Lợi (xã Tân Thới Nhì, huyện Hóc Môn)" - anh Hùng nhớ lại.
Ray rứt vì những tội lỗi mình gây ra, tối nào Hùng cũng về chùa Hoằng Pháp (Hóc Môn) sám hối. Sau nhiều ngày lo lắng, anh quyết định đi Bình Phước rồi về Huế tạ lỗi với gia đình những người từng bị anh gây đau thương để mong gột rửa phần nào tội lỗi đã gây ra.
Tháng 10-2005, khi thành lập Công ty điêu khắc mộc mỹ nghệ Dương Hùng, anh dành một vị trí trang trọng để đặt tượng Phật Quan Âm. Sáng nào anh cũng đốt nhang sám hối trước rồi mới bắt đầu một ngày làm việc.
Tháng 4-2006, Lê Thừa Hùng quy y, pháp danh Tịnh Tín. Anh tìm đến các đàn em khuyên họ quay đầu hoàn lương. Câu chuyện đặc biệt về Hùng "sầu" khiến trụ trì chùa Hoằng Pháp quyết định làm hẳn một CD Phật pháp nhiệm mầu về cuộc đời anh.
Tháng 10-2006, sau khi đĩa CD phát hành, nhiều đơn đặt hàng từ khắp nơi gửi đến. Nhiều cô gái đem lòng yêu thương Hùng "sầu". Cũng từ đĩa CD đó, Hùng gặp được người phụ nữ sau này là vợ mình. Họ đã có một cậu con trai rất kháu khỉnh.
Bây giờ Lê Thừa Hùng đã là chủ ba cơ sở điêu khắc gỗ ở Sài Gòn, Bạc Liêu, Lâm Đồng với 96 nhân viên, trong đó có 25 học trò ở tù về. Nhiều cuộc đời hư hỏng, tù tội đến đây đã được anh truyền nghề miễn phí và có việc làm ổn định.
"Có thằng tên Tý, xưa đi tù hơn một năm. Nó phá lắm, giống như con ngựa không cương. Ở với tôi từ từ nó cũng dịu. Bây giờ nó là thằng ngoan nhất. Năm nay nó mới 20, 21 tuổi nhưng khá lắm, toàn làm đồ gỗ xuất đi Đài Loan. Nó mới mua nhà gần 2 tỉ đồng.
Rồi thằng Sơn ở quận 4 (TP.HCM) đi tù 14 năm. Bốn năm trước, nó lấy vợ nhưng không có người thân. Vợ chồng tôi đứng ra cưới vợ cho nó..." - anh Hùng không giấu được sự tự hào khi kể về những học trò của mình.
________________________________
Kỳ tới: Cuộc đời mới của một tử tù
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận