21/08/2017 08:35 GMT+7

Dở dang đường hoàn lương bởi tiếng 'đàn em Năm Cam'

 TÂM LỤA
TÂM LỤA

TTO - Phiên tòa xét xử 15 bị cáo về hành vi cố ý gây thương tích có lẽ sẽ không thu hút sự quan tâm của dư luận nếu một trong các bị cáo không bị gán cho cái mác: “Đàn em của trùm giang hồ Năm Cam”.

“Tôi không là đàn em của ai hết. Tôi cũng không biết ông Năm Cam là ai. Từ khi tôi vào tù thì bị báo chí đặt cho bao nhiêu cái tên, nào là trùm giang hồ, nào là hùm xám cây Da Sà. Tôi yêu cầu mọi người đừng gọi tôi như vậy nữa! Cứ gọi vầy sau này làm sao tôi làm ăn được...” - bị cáo Sỳ Vĩnh Sáng (56 tuổi) trần tình trước tòa.

Từ một cuộc hỗn chiến...

Phiên xét xử phúc thẩm đối với Sỳ Vĩnh Sáng và đồng phạm được TAND TP.HCM mở giữa tháng 7.

Trước đó, khi tòa sơ thẩm diễn ra, có lẽ do bị cáo đông, lại bị gán cho cái mác giang hồ nên phiên tòa được tổ chức như một “đại án” với hàng chục cảnh sát bảo vệ, hàng chục tờ báo đưa tin, người ra vào tòa bị kiểm tra kỹ càng.

Tên là Sáng nhưng ông ta lại có một “lý lịch” không mấy sáng sủa. Năm 1994, Sáng lãnh án 8 tháng tù về tội gây rối trật tự công cộng. Bốn năm sau, Sáng tiếp tục lãnh án tù về hành vi tổ chức đánh bạc.

Ba năm sau ngày ra tù, Sáng tiếp tục bị đưa vào cơ sở giáo dục vì hành vi cố ý gây thương tích. Năm 2016, Sáng lại bị bắt, bị cáo buộc là người chủ mưu, cầm đầu một băng nhóm đã gây ra cuộc hỗn chiến tại Bệnh viện Quốc Ánh (Q.Bình Tân, TP.HCM).

Với “thành tích” đó, sau khi bị bắt, tiểu sử của Sáng được báo chí khai thác triệt để với những cái tít rất giật gân.

Thực ra nội dung vụ án khá đơn giản. Vì mâu thuẫn ở hồ bơi, hai nhóm thanh niên đánh nhau. Một nhóm (quen biết với con gái Sáng) kéo đến nhà Sáng để trốn. Nhóm kia đuổi theo, dùng vỏ chai bia, gạch đá ném vào nhà.

Nghe xô xát, Sín Hỷ Phí (em vợ Sáng thuê trọ gần đó) liền cầm cây sắt sang chống trả thì bị chém vào tay và lưng. Phí được đưa vào bệnh viện cấp cứu.

Khi về nhà, Sáng nghe nói em vợ bị đánh nên bảo với nhóm thanh niên: “Tụi bây đến bệnh viện xem sao”. Đám nhỏ nghe vậy liền cầm theo “đồ nghề” để đến bệnh viện.

Thấy vậy, Sáng bảo: “Tụi bay mang theo hung khí làm gì”. Cả đám trả lời: “Tụi nó cầm “hàng” mình cũng cầm “hàng”, sợ gì!”. Sáng im lặng, cả nhóm mang hung khí kéo nhau vào bệnh viện.

Tại đây, hai nhóm lại tiếp tục đánh nhau. Kết quả là cả Sỳ Vĩnh Sáng lẫn 14 thanh niên trong hai nhóm bị bắt.

Ở tòa sơ thẩm, hội đồng xét xử lẫn đại diện viện kiểm sát đều cho rằng Sáng là chủ mưu, cầm đầu của vụ đâm chém tại bệnh viện, tuyên mức án nặng hơn các bị cáo khác.

Riêng Sáng một mực cho rằng mình “không cầm đầu, không kích động đám nhóc vô bệnh viện chém người, nghe tin em vợ bị đánh nên bị cáo mới vào thăm”. Bị tòa sơ thẩm tuyên mức án 8 năm 6 tháng tù, Sáng kháng cáo.

Nguyên nhân xảy ra vụ án được luật sư phân tích: hai nhóm thanh niên truy sát nhau, một nhóm tự dưng kéo đến phá nhà, gây thương tích cho con gái và em vợ bị cáo. Biết chuyện, bị cáo liền vào bệnh viện thăm em vợ, đồng thời không đồng ý cho “bọn trẻ” mang theo hung khí.

Sáng kể: “Tôi va chạm nhiều rồi, không muốn gây thương tích cho bất cứ ai. Trước đây tôi có nhân thân xấu nhưng bây giờ tôi tu chí làm ăn, mong tòa hãy xác minh ở địa phương xem có đúng vậy không...”.

Lời lẽ người đời...

Sau phiên tòa sơ thẩm, bà Sín Cắm Cú (vợ Sáng) nhờ luật sư tiếp tục bảo vệ cho chồng. Theo lời bà Cú, 14 năm trước, khi được ra khỏi trại cải tạo, Sáng thuê nhà làm nơi làm ăn và là chỗ sinh sống cho cả gia đình.

Sáng kinh doanh tạp hóa, vợ bán cà phê vỉa hè. Từ ngày chồng đi tù cùng những thông tin ầm ĩ trên báo, công việc buôn bán của bà Cú sa sút hẳn.

Năm 18 tuổi, bà Cú gặp Sáng - lúc này 38 tuổi. Sáng không nghề nghiệp, không vợ con, chỉ có tiếng tăm quậy phá. Đến với Sáng, bà Cú bị gia đình phản đối kịch liệt. “Tôi lấy chồng mà khổ bởi những lời gièm pha của người đời” - bà kể.

Bốn đứa con lần lượt được sinh ra. Sáng vào tù ra tội, mình bà Cú phải xoay xở nuôi con. Thừa nhận chồng mình có nhân thân xấu nhưng bà Cú vẫn tin Sáng đã thay đổi hẳn.

“Cơm nguội bảo đổ đi ổng cũng hấp lên ăn, còn cơm nóng thì nhường cho vợ con. Tôi lớn tiếng cái là ổng im re hoặc bỏ đi chỗ khác để vợ chồng khỏi cãi lộn. Trong quá khứ ổng có nhiều bạn xấu, hở ra là ổng có thể bị bạn bè rủ rê nên lúc nào tôi cũng phải tỏ ra ăn to nói lớn, thậm chí mắng chồng để ổng lo làm ăn.

Nếu ổng không thương vợ con, nếu ổng là “hùm xám”, hay giang hồ thứ thiệt như người ta nói thì tội gì tôi phải chịu khổ sống chung với ổng đến giờ” - bà Cú tâm sự.

Trong xấp giấy tờ của gia đình bà có rất nhiều bằng khen của Sáng. Đó là giấy công nhận gia đình văn hóa, giấy ghi ơn Sỳ Vĩnh Sáng tặng gạo cho người dân tộc thiểu số ở Gia Lai, giấy của chủ tịch phường khen Sáng tham gia tích cực vào phong trào “Quần chúng bảo vệ Tổ quốc”.

“Tôi nói về chồng bằng sự thật, bằng lương tâm của tôi chứ không phải nói tốt cho ổng một cách mù quáng”.

Nhiều người dân gần nhà cũng khen Sáng sống hào sảng, không bao giờ ăn hiếp người nghèo, không bắt nạt bất cứ ai, sẵn lòng giúp đỡ bà con lối xóm khi có việc cần... Những năm qua, Sáng luôn chăm lo làm ăn, sống như một người lương thiện.

Nếu như đám trẻ đánh nhau không bỗng dưng xông vào nhà, nếu như Sáng biết kiềm chế cơn nóng giận của mình thêm một chút... thì có lẽ giờ đây Sáng vẫn được tiếp tục với con đường hoàn lương của mình.

Được giảm án… 3 tháng

Xét các bị cáo có một số tình tiết giảm nhẹ, tòa phúc thẩm giảm cho bị cáo Sỳ Vĩnh Sáng từ 8 năm 6 tháng tù xuống còn 8 năm 3 tháng tù. Sín Hỷ Phí (38 tuổi, em vợ Sáng) từ 6 năm tù được giảm còn 5 năm 4 tháng. Một số bị cáo là người chưa thành niên được hưởng án treo.

TÂM LỤA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên