Gia đình hạnh phúc hiện nay của anh Hoàng Tú Mai - Ảnh: MY LĂNG
Tôi không còn mơ tưởng chuyện làm giàu bất chính. Cứ làm ăn lương thiện cho nó lành. Nghĩ đến cảnh tù tội, rồi lúc mới ra tù về là thấy sợ.
Tuổi trẻ tù tội
21 năm trước. Năm 30 tuổi, Hoàng Tú Mai có một công việc ổn định ở Sở Địa chính TP.HCM. Khi đó, anh đang học Đại học Luật sau khi tốt nghiệp Đại học Bách khoa TP.HCM.
Cánh cửa tương lai đóng sập với người đàn ông này khi anh bị bắt vì làm giả số công văn liên quan đến việc hợp thức hóa lô đất hơn 1.000m2.
Gia đình tan nát. Vợ bỏ. Con gái mới 2 tuổi. Hoàng Tú Mai đi tù 2 năm rồi về.
Năm 35 tuổi, là giám đốc một công ty chuyên cung cấp cừ tràm cho các công trình xây dựng, Mai lại bị bắt vì liên quan đến một vụ buôn bán 6.000 viên ma túy tổng hợp. Mai không nhận tội. Tòa xử án 10 năm.
Ngày Mai bị bắt, người em trai ruột làm công an ở Hà Nội vào, đón con gái anh ra Hà Nội nuôi. Toàn bộ tài sản, nhà cửa, xe cộ, công ty Mai bán hết để lo lót nhưng vẫn bị tù.
Vì cải tạo tốt, Mai được giảm án. Ngày 3-10-2009, anh được ra tù.
"Lúc tôi về một tháng thì trại giam Z30D gọi vào làm sổ sách thống kê, thi đua cho trại. Làm được hai tuần, nhớ con quá, tôi xin nghỉ. Nếu không có con gái, tôi đã ở luôn trong trại giam làm việc chứ không muốn quay ra ngoài đời nữa.
Ở lâu trong tù, quen với môi trường trong đó. Bước ra đời tôi bị mất phương hướng vật lý, không biết đi hướng nào, đường nào" - anh Mai kể.
Rồi Mai vào Sài Gòn làm lại cuộc đời. Lúc đầu, anh tìm đến những người làm ăn ngày xưa thiếu tiền anh nhưng đều bị tránh mặt.
"Họ nghĩ mình đi tù rồi là mất - anh nói - Sáu tháng mới ra tù là khoảng thời gian vô cùng khó khăn. Đi xin việc gì cũng khó. Không có giấy tờ. Không có chứng minh. Người ta cứ nhìn mình kiểu rất sợ hoặc nghi ngại.
Nói dối thì không nói được. Mà nói thật thì người ta không dám nhận. Tôi chỉ dám xin việc phổ thông thôi. Cứ có việc gì thì làm việc đó, từ rửa chén bát, làm gà làm vịt".
Hoàng Tú Mai (trái) và một người bạn tù khi còn trong trại giam Z30D - Ảnh: NVCC
Gầy dựng lại từ con số không
Một thời gian sau, Mai xuống Vũng Tàu xin làm bốc vác. Làm một thời gian, nghe người ta nói sao anh giống một người ngày xưa bị truy nã quá nên anh xin nghỉ. Tiền thì cạn kiệt.
"Tôi đã nghĩ đến chuyện làm liều, cướp của hoặc trộm xe, bắt cóc, lừa đảo. Nhưng tôi giật mình, nghĩ mình còn con cái, còn bố. Thế là tôi tự động viên mình cố gắng chịu đựng, vượt qua" - anh Mai nhớ lại.
Nhờ bà lượm ve chai, Mai chuyển sang lượm phế liệu. Anh mua một cục nam châm ra đường phố để hút bụi sắt, rất nhiều bụi sắt. Có ngày được bảy, tám ký. Cũng có ngày mười mấy ký. Mỗi ký bụi sắt bán được 13.000-18.000 đồng.
Nhưng rồi bụi sắt cũng hết. Anh vào một bãi than ở phường Bình Hưng Hòa (Q.Bình Tân, TP.HCM) xin làm bốc vác.
Sau một thời gian, ông chủ thấy Mai tính toán nhanh, cho lên văn phòng làm sổ sách. Nhờ sự nhanh nhạy, Mai còn tìm thêm được nhiều khách hàng về cho chủ. Anh được chia 3% lợi nhuận, rồi 1% trên tổng doanh thu.
Sau đó, anh tách ra làm riêng, thuê bãi và nhập hàng về. Từ một rồi dần dần anh có hai bãi thuê bán than đá với diện tích gần 1.000m2.
Năm 2011, anh gặp may mắn lớn với phi vụ nhập 6.000 tấn than đá. Chỉ sau tám tiếng đồng hồ, giá than lên hơn gấp đôi! Sau phi vụ đó, anh trích tiền mua 1,4ha đất ở Mũi Né với giá chỉ 450 triệu đồng.
"Mảnh đất đó có mỏ titan trữ lượng thô chiếm 45%. Bây giờ người ta mua tại chỗ giá 2,2 triệu đồng một khối" - anh Mai cho biết.
Năm 2013, giá than lên rất cao, giá dầu lửa cũng lên vùn vụt, nhiều nhà máy chuyển sang dùng các nhiên liệu hữu cơ như trấu, mùn cưa. Hoàng Tú Mai đầu tư mua bốn máy sản xuất củi trấu, đặt nhà máy ở Thạnh Hóa (Long An).
Một thời gian sau, thiếu nguyên liệu, anh dời nhà máy lên Tây Ninh. Đến cuối năm 2014, nguồn nguyên liệu trấu cũng hết, anh đầu tư một nhà máy sản xuất ở Bình Dương, chuyển qua sản xuất củi mùn cưa và củi bã mía.
Anh bảo: "Tôi không còn mơ tưởng chuyện làm giàu bất chính. Cứ làm ăn lương thiện cho nó lành. Nghĩ đến cảnh tù tội, rồi lúc mới ra tù về là thấy sợ. Lúc mới ra tù, để hòa nhập được với cuộc sống vô cùng khó khăn, nhiều thử thách.
Lúc nào tôi cũng sợ người ta biết mình đi tù về. Khi biết rồi người ta lạnh lùng lắm. Tôi về đây từ năm 2011 đến 2015 người ta mới biết. Giờ bà con ở đây ai cũng biết hết rồi".
Ở tuổi 51, người đàn ông tù tội trắng tay năm nào giờ đã có mấy căn nhà, vài mảnh đất, có xe hơi.
"50 tuổi tôi mới đi đăng ký kết hôn lần đầu dù từng có đến ba người vợ. Tình duyên tôi trắc trở lắm. Nhưng cuộc sống giờ nhẹ nhàng rồi. Đi làm xong về với vợ con, chơi với gà vịt, chăm hoa" - anh nói.
Người vợ hiện tại của anh, chị Phan Châu Liễu Phụng - cô gái trẻ, tài giỏi - chấp nhận quá khứ của Mai và luôn tôn trọng chồng. Hai người gặp nhau năm 2013 và làm đám cưới ba năm sau đó. Họ đã có hai đứa con bụ bẫm.
Để làm lại cuộc đời, 42 tuổi cũng chưa là quá muộn nếu có quyết tâm và trì chí như Hoàng Tú Mai.
Thấy Hoàng Tú Mai (trái) đang bốc vác hàng, ít ai biết anh là một ông chủ có trong tay tiền tỉ - Ảnh: NVCC
Người ra tù sợ thủ tục hành chính
Hoàng Tú Mai cho biết: "Khó khăn nhất của một người ra tù là thủ tục hành chính. Tôi phải sáu lần ra Đà Nẵng làm thủ tục giấy tờ. Lần thứ năm tôi gặp ông Nguyễn Bá Thanh. Ông Nguyễn Bá Thanh cấp cho tôi một căn chung cư.
Ông Thanh nói: Tôi sẽ hỗ trợ những người hoàn lương như cậu. Nhưng nếu trong ba năm cậu mà vi phạm, tôi sẽ lấy lại tất cả. Ông Thanh nói sẽ cấp cho một tháng 3 triệu đồng, nhưng tôi không nhận vì nghĩ mình đàn ông sức dài vai rộng, đi kiếm tiền được.
Ông Thanh cấp nhà cho tôi nhưng cũng là cấp cho ba tôi. Ba tôi tham gia cách mạng từ năm 1941, chống Pháp rồi chống Mỹ".
Kỳ tới: Thoát khỏi ký ức ma túy và án tử hình
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận