Israel đang tiếp tục kế hoạch tấn công nhằm "quét sạch" tổ chức Hồi giáo Hamas, trong động thái đáp trả và hy vọng chấm dứt hẳn các cuộc tấn công nhằm vào người Israel ngày 7-10.
Cuộc tấn công này đang là tâm điểm chia rẽ giữa Israel và nhiều nước. Các đồng minh phương Tây muốn vấn đề con tin được giải quyết trước nhằm đảm bảo không có người vô tội bị sát hại.
Ngoài ra, hơn 2,3 triệu người ở Dải Gaza cũng cần thời gian tìm đường thoát giữa bối cảnh khu vực này đang bị cô lập, thiếu thốn gần như mọi thứ.
Liên Hiệp Quốc gọi, Israel không trả lời
Ngày 27-10, Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc đã bỏ phiếu thông qua dự thảo nghị quyết kêu gọi tạm ngừng bắn ở Dải Gaza. Israel và Mỹ nằm trong số 14 phiếu chống, trong khi có 45 phiếu trắng và 120 phiếu thuận.
Israel cũng đã củng cố lập luận phản đối ý tưởng "tạm dừng bắn vì nhân đạo" này. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Israel Lior Haiat nói hôm 27-10: "Israel phản đối lệnh tạm ngưng vì nhân đạo hoặc dừng bắn lúc này".
Kết quả trên mặc nhiên đẩy Israel vào tình huống đi ngược lại với mong muốn của đại đa số các thành viên Liên Hiệp Quốc về tình hình Gaza.
Theo Reuters, đây là sự kiện mở ra sự chia rẽ công khai đầu tiên giữa Israel và những người ủng hộ, kể cả Mỹ. Hiện nay, được biết Liên minh châu Âu (EU), Vương quốc Anh, và các thành viên nhóm nền kinh tế lớn G7 đều mang quan điểm muốn tạm dừng bắn để hỗ trợ nhân đạo.
Kết quả bỏ phiếu của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc không có giá trị ràng buộc về mặt pháp lý. Tuy nhiên, nó vẫn phản ánh nguyện vọng của nhiều nước, do đó mang sức nặng chính trị nhất định và tăng cường áp lực quốc tế lên Israel.
Nguy cơ xung đột lan rộng vì các đợt bắn phá của Israel
Sự quyết tâm của Israel đang khiến tình hình căng thẳng, với việc hàng loạt cuộc họp giữa các bên vừa qua không mang lại nhiều kết quả, trong khi thảm họa nhân đạo đang khiến chính quyền nhiều nước phải đối diện thách thức về uy tín.
Israel nói Hamas đã giết chết khoảng 1.400 người bao gồm trẻ em, và bắt hơn 200 con tin từ vụ tấn công ngày 7-10.
Ngược lại, cơ quan y tế tại Gaza do Hamas kiểm soát nói 7.326 người Palestine đã thiệt mạng vì các cuộc không kích của Israel, bao gồm 3.000 trẻ em. Việc cung cấp thực phẩm, nước, nhiên liệu và thuốc men cũng đang khan hiếm.
Ngoài ra, một mối lo khác xa hơn cũng đang lởn vởn trước màn đổ bộ của Israel: nguy cơ chiến tranh lan rộng giữa người Israel với các tay súng Hồi giáo, thậm chí là các quốc gia láng giềng.
Hôm 27-10, Ai Cập cho biết máy bay không người lái (drone) đã gây ra các vụ nổ làm rung chuyển hai thị trấn ở Ai Cập bên bờ biển Đỏ.
Chưa ai đứng ra nhận trách nhiệm vụ tấn công này. Israel đổ lỗi cho phong trào Houthi ở Yemen, nhưng chưa có bằng chứng nào chứng minh đây là sự thật. Trong khi đó, Reuters nhận định kiểu "tên bay, đạn lạc" này có nguy cơ đẩy chiến tranh lan rộng.
Hamas và chính quyền Palestine độc lập với nhau. Tuy nhiên Hamas vẫn chiến đấu dưới ngọn cờ của người Hồi giáo Palestine. Điều này khiến các nước Hồi giáo không thể công khai phản đối quá gay gắt với các hành động của tổ chức này. Ngược lại, nhóm các nước Hồi giáo cũng khó ủng hộ người Do Thái Israel, bất chấp đã có những nỗ lực hàn gắn ở Trung Đông trước đây.
Gần như chắc chắn, nếu không có bất kỳ thông tin nào về một hành động quá đáng nào đó của Hamas thời gian tới, Israel sẽ gặp áp lực dư luận lớn trong chiến dịch tấn công Dải Gaza.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận