Sẽ có tổ chuyên trách lên bộ cùng thẩm định xác định sai phạm - quyền cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ Văn hóa - Thể thao & Du lịch) Trần Ly Ly cho biết về quy trình xử lý (hạn chế phát sóng, biểu diễn, quảng cáo) đối với nghệ sĩ, người có ảnh hưởng (KOLs) vi phạm pháp luật, trái thuần phong mỹ tục.
Cục Nghệ thuật biểu diễn đang phối hợp Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử soạn quy trình. Trao đổi với Tuổi Trẻ, bà Trần Ly Ly nói:
- Khi xây dựng quy trình này, chúng tôi ý thức rõ những hiện tượng phát ngôn thiếu chuẩn mực, những hành vi và lời nói trái thuần phong mỹ tục hay vi phạm pháp luật của nghệ sĩ, KOLs chiếm tỉ lệ rất nhỏ so với hàng ngàn nghệ sĩ vẫn đang ngày đêm sống đẹp, làm đẹp, miệt mài cống hiến cho công chúng những tác phẩm nghệ thuật giá trị.
Dù chỉ một bộ phận rất nhỏ nghệ sĩ có những biểu hiện phát ngôn chưa chuẩn mực, những hành động chưa đẹp, vi phạm pháp luật hay trái thuần phong mỹ tục, gây tác động tiêu cực tới xã hội nhưng cũng cần phải có giải pháp quản lý hiệu quả. Bởi hơn ai hết, nghệ sĩ là những người bằng nghệ thuật chuyển tải tới xã hội những giá trị chân, thiện, mỹ. Những hành động, lời nói không đẹp của một số nghệ sĩ đi ngược lại sứ mệnh cao đẹp này.
Bộ Văn hóa - Thể thao & Du lịch đã đưa ra bộ quy tắc ứng xử trên không gian mạng đối với người hoạt động nghệ thuật để khích lệ, động viên nghệ sĩ sống đẹp nhưng vẫn có những nghệ sĩ cố tình vi phạm nhiều lần, có cả những nghệ sĩ vi phạm pháp luật, khiến xã hội bức xúc.
* Quy trình ấy sẽ được thực hiện thế nào, thưa bà?
- Bộ quy trình xử lý (hạn chế phát sóng, biểu diễn, quảng cáo) với nghệ sĩ, người có tầm ảnh hưởng vi phạm pháp luật, trái thuần phong mỹ tục được xây dựng theo hướng để đảm bảo nó được thực hiện công khai, minh bạch, khách quan. Quy trình xử lý có sự phối hợp nhiều cơ quan liên quan, liên bộ để thẩm định về nội dung, tư tưởng… xác định sai phạm. Sẽ phải là tổ liên bộ vì trên không gian mạng do Bộ Thông tin và Truyền thông quản lý.
Tùy mức độ vi phạm và mức độ ảnh hưởng với cộng đồng mà tổ chuyên trách có thể quyết định thời gian hạn chế xuất hiện trên truyền thông hay hạn chế tham gia các hoạt động biểu diễn trong 3 tháng, 6 tháng, 8 tháng, 10 tháng, 24 tháng… Tổ công tác sẽ khuyến cáo các đơn vị tổ chức nghệ thuật biểu diễn về các nghệ sĩ đang không phải là lựa chọn hợp lý để biểu diễn các chương trình phục vụ nhân dân, phục vụ nhiệm vụ chính trị, chương trình phát trên truyền thông.
* Quy trình có hạn chế những người vi phạm thuần phong mỹ tục, nhưng có ý kiến nói khái niệm còn chung chung?
- Có những điều nhìn là biết vi phạm thuần phong mỹ tục, không phù hợp với văn hóa Việt Nam. Ngoài ra, các đơn vị chức năng liên quan như Thanh tra của sở Văn hóa - Thể thao & Du lịch có thể xác định được những vi phạm này. Những giá trị truyền thống như kính trên nhường dưới, yêu cái đẹp, trọng đạo đức của người Việt là rất rõ ràng. Nếu ai vi phạm những điều này, gây ảnh hưởng xấu tới xã hội thì rõ ràng là vi phạm thuần phong mỹ tục.
* Hiện dư luận phần đông ủng hộ cơ quan quản lý sớm đưa ra quy trình xử lý này, thậm chí cần xử lý mạnh tay hơn, bà nghĩ sao?
- Tinh thần của những người làm quản lý văn hóa là muốn nhân cái đẹp để dẹp cái xấu, chú trọng giáo dục, khuyến khích, vận động và cảnh báo nghệ sĩ thực hiện tốt các quy định. Nếu nghệ sĩ vi phạm pháp luật thì đã có pháp luật xử lý. Cho nên quy trình xử lý mà chúng tôi đang xây dựng chỉ hạn chế phát sóng, biểu diễn trong một thời gian tùy mức độ vi phạm. Thực ra với một nghệ sĩ mà bị cấm sóng 24 tháng thì cũng trở thành một vấn đề lớn rồi, sự nghiệp và uy tín đều bị ảnh hưởng lớn.
* Với những ý kiến cho rằng Bộ Văn hóa - Thể thao & Du lịch nên xây dựng những luật bảo vệ quyền con người của nghệ sĩ vì thời gian qua nhiều nghệ sĩ bị tấn công dữ dội trên mạng, bên cạnh quy định xử phạt, bà nghĩ sao?
- Chúng tôi sẽ tiếp thu và nghiên cứu đề xuất này. Cũng như quy trình xử lý mà chúng tôi đang xây dựng thì cũng cần thời gian thử nghiệm trong thực tế để hoàn thiện hơn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận