07/02/2025 10:07 GMT+7

Quy định mới về dạy thêm sắp có hiệu lực: Nơi ngưng dạy 'nghe ngóng', nơi tìm cách... lách

Thông tư về dạy thêm, học thêm của Bộ GD-ĐT có hiệu lực từ 14-2-2025 đang tiếp tục gây nhiều ý kiến trái chiều.

Định hình lại hoạt động dạy thêm, học thêm: Nhiều thay đổi từ giáo viên - Ảnh 1.

Học sinh học thêm tại một điểm dạy thêm trên địa bàn TP.HCM - Ảnh: NHƯ HÙNG

"Tôi thở phào nhẹ nhõm sau khi thầy giáo chủ nhiệm của con thông báo lớp văn học thêm ở nhà thầy tạm nghỉ từ tháng 2-2025. Lý do vì thông tư về dạy thêm, học thêm của Bộ GD-ĐT cấm giáo viên dạy thêm ngoài nhà trường có thu tiền đối với học sinh mà thầy đang dạy ở trường THCS chính khóa. Con tôi nghe vậy cũng vui vì từ nay không phải đi học thêm với thầy nữa" - chị N.T.H.Thắm, nhà ở TP.HCM, cho biết.

Giáo viên ngưng dạy thêm

Con chị Thắm năm nay đang học lớp 9. "Lúc đầu con tôi học thêm môn văn với một giáo viên ở quận 1. Cháu nhận xét cô giáo này dạy văn theo kiểu truyền cảm hứng, cháu thấy môn văn dễ hiểu và viết văn tiến bộ hơn hẳn. Vậy nhưng không hiểu sao thầy giáo chủ nhiệm thường xuyên mang bài làm của cháu ra chê trước lớp. Các bài kiểm tra của con tôi cũng thường bị điểm thấp.

Tôi gọi điện cho thầy để trao đổi thì thầy nói cách làm bài của cháu không ổn, cách dạy của thầy theo định hướng khác. Sau khi suy nghĩ, tôi yêu cầu con nghỉ học với cô giáo ở quận 1 để học thêm với thầy chủ nhiệm. Con tôi chê thầy dạy buồn ngủ, nhưng từ khi học thêm với thầy thì điểm kiểm tra của cháu cải thiện hẳn".

Gia đình chị Thắm chưa kịp vui mừng thì cô giáo dạy toán của con chị cũng ngưng dạy thêm. "Cô nói chỉ dạy đến 9-2 thôi, chờ hướng dẫn của Sở GD-ĐT TP.HCM xem như thế nào. 

Thật lòng tôi rất bức xúc với việc giáo viên ép học sinh đi học thêm với mình. Nhưng Bộ GD-ĐT phải cho phụ huynh chúng tôi được quyền lựa chọn giáo viên để gửi con mình đến học thêm chứ.

Cô giáo dạy toán trong trường chính khóa của tôi là giáo viên giỏi của quận. Năm nay, lớp của con tôi may mắn được học cô. Mà con tôi đã học thêm từ lớp 8 với cô vì cháu có ý định thi vào lớp 10 chuyên toán. Giờ chỉ còn vài tháng nữa là thi lớp 10, tôi biết tìm giáo viên ở đâu cho con, chưa kể tìm được nhưng không biết cháu học có hợp không nữa".

Tương tự, chị Hương (nhà ở quận Phú Nhuận) kể rằng con chị rất thích cách dạy của giáo viên môn khoa học tự nhiên ở trường THCS. "Nhờ thầy mà con tôi yêu thích và đam mê môn khoa học tự nhiên. Cháu đòi mẹ cho đi học thêm môn này.

Nhưng khi tôi hỏi thì thầy từ chối vì thầy không mở lớp dạy thêm. Con tôi lại một mực khẳng định chỉ học với thầy này chứ không học với giáo viên khác. Thế là tôi phải năn nỉ, thuyết phục, cuối cùng thầy cũng đồng ý dạy kèm cho một nhóm 3 học sinh (trong đó có con tôi).

Việc tôi thuyết phục được thầy dạy thêm được xem là một "kỳ tích" đối với giáo viên trong trường vì xưa giờ thầy dạy xong là dành thời gian cho gia đình chứ không dạy thêm. Công sức của tôi thuyết phục thầy mà giờ Bộ GD-ĐT cấm giáo viên dạy thêm cho học sinh ở lớp chính khóa là chưa phù hợp.

Xét cho cùng, dạy thêm - học thêm là một loại dịch vụ. Tôi bỏ tiền ra cho con đi học thêm mà không được chọn giáo viên thì bất công quá" - chị Hương nêu ý kiến.

Định hình lại hoạt động dạy thêm, học thêm: Nhiều thay đổi từ giáo viên - Ảnh 2.

Học sinh sau giờ học tại một điểm dạy thêm ở TP.HCM - Ảnh: NHƯ HÙNG

Giáo viên "bỡ ngỡ" sao phải qua trung gian?

Những ngày gần đây, Tuổi Trẻ đã nhận được nhiều thắc mắc của các giáo viên trường công. Họ băn khoăn: "Tôi chỉ dạy thêm cho một nhóm nhỏ với 5 học sinh ở tại nhà có được không?", "Tôi có con nhỏ, mong muốn được dạy thêm ngay tại nhà riêng của mình thì đăng ký ở đâu, thủ tục như thế nào?", "Thông tư của Bộ GD-ĐT cấm dạy thêm đối với học sinh tiểu học, trừ các trường hợp bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn luyện kỹ năng sống.

Tuy nhiên, phụ huynh ở lớp con tôi có nhu cầu gửi con từ 16h30 - 18h vì họ không thể đón con sớm. Vậy trong khoảng thời gian đó, tôi dạy học sinh làm toán, rèn chữ, viết văn... có vi phạm quy chế không?".

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Hồ Tấn Minh, chánh văn phòng Sở GD-ĐT TP.HCM, nói: "Theo thông tư về dạy thêm - học thêm thì giáo viên thuộc các trường công lập không được tham gia quản lý, điều hành việc dạy thêm ngoài nhà trường nhưng có thể tham gia dạy thêm ngoài nhà trường.

Thầy cô có nhu cầu dạy thêm thì đăng ký với trung tâm dạy thêm. Các trung tâm này phải đăng ký kinh doanh và được Sở Kế hoạch - Đầu tư cấp phép. Theo Luật Viên chức thì người thân của giáo viên như vợ chồng, cha mẹ, con cái cũng không được đứng ra đăng ký và mở trung tâm dạy thêm".

Về quy định trên, nhiều giáo viên ở TP.HCM không đồng tình vì trên thực tế nhiều người dạy thêm ngay tại nhà riêng của mình. "Nhà tôi rộng rãi, đã dành hẳn một phòng với bàn ghế, ánh sáng đạt chuẩn... để dạy thêm thì tại sao lại không cho tôi dạy thêm tại nhà?

Việc dạy tại nhà riêng có rất nhiều cái lợi như giáo viên không phải đi ra trung tâm, mất thời gian và công sức; không phải thông qua đơn vị trung gian thì học phí có thể giảm xuống; việc dạy tại nhà cũng sẽ linh động hơn cho cả người dạy và người học" - cô Th., giáo viên tiếng Anh ở quận Tân Bình, phân tích.

Cùng chung quan điểm, thầy T., giáo viên môn toán ở quận 5, đề nghị: "Tôi không hiểu tại sao Bộ GD-ĐT lại yêu cầu chúng tôi phải thông qua đơn vị trung gian để dạy thêm, vừa phiền hà vừa tốn kém.

Tại sao chúng tôi không được mở lớp dạy thêm cho chính bản thân mình đứng lớp? Tôi có khả năng tự quản lý lớp dạy thêm của mình thì tại sao lại không được phép? Chưa kể nhiều đồng nghiệp họ chỉ nhận dạy kèm cho 3-5 học sinh mà phụ huynh thân tình gửi gắm.

Với trường hợp này mà đăng ký ở trung tâm thì học phí nào chịu nổi? Bộ GD-ĐT nên bổ sung quy chế cho giáo viên dạy thêm tại nhà của mình với điều kiện công khai danh sách học sinh, cơ sở vật chất, mức học phí...".

Định hình lại hoạt động dạy thêm, học thêm: Nhiều thay đổi từ giáo viên - Ảnh 3.

Học sinh Trường THPT số 1 Bắc Hà (Lào Cai) tham gia lớp ôn thi tốt nghiệp năm 2024 - Ảnh: N.B.

Giải pháp hay "lách quy chế"

Chị Thương (phụ huynh ở quận 1) kể với Tuổi Trẻ: "Tôi đoán là Bộ GD-ĐT có lý do khi cấm dạy thêm đối với học sinh tiểu học. Tuy vậy, gia đình tôi lại có nhu cầu cho con đi học thêm. Lý do vì 16h15 lớp của con tôi đã tan học mà cả hai vợ chồng tôi đều 17h30 mới tan sở.

Tôi muốn nhờ cô chủ nhiệm trông con trong khoảng thời gian từ 16h15 - 18h. Khoảng thời gian này, cô sẽ giúp bé ôn lại bài trong ngày và chuẩn bị bài cho ngày mai, chứ buổi tối tôi phải làm việc không thể kèm con học. Ông xã tôi thì chỉ kèm được vài phút là nổi nóng, to tiếng khiến con bé nước mắt ngắn dài, mệt mỏi và ức chế lắm.

Đã 3 năm nay tôi đều chọn giải pháp gửi cô chủ nhiệm. 18h tôi đến đón con về, tắm rửa, ăn uống, giải trí rồi đi ngủ - rất nhẹ nhàng".

Chị Thương nói thêm: "Nhiều phụ huynh khác có cùng hoàn cảnh cũng làm như thế. Giờ cô chủ nhiệm ra thông báo không nhận giữ học sinh từ tháng 2-2025 vì Bộ GD-ĐT không cho phép.

Tôi cũng đã đọc kỹ thông tư về dạy thêm của Bộ GD-ĐT rồi. Quy định vẫn có cách lách. Nhóm phụ huynh chúng tôi có 14 người đã thống nhất làm đơn nhờ cô giữ học sinh trong khi chờ ba mẹ đến đón. Trong thời gian chờ thì cô cho học sinh múa, hát, rèn chữ, làm toán... chứ không phải học thêm.

Trẻ con muốn cho chúng ngồi im thì phải thay đổi hoạt động liên tục, cơ quan chức năng không thể bắt ép chúng cứ múa hát trong suốt 90 phút. Bộ GD-ĐT không cho thu tiền dạy thêm thì phụ huynh chúng tôi lập quỹ. Quỹ này sẽ đưa cô giáo để bắt xe đưa các cháu về nhà, mua nước uống...".

Ông Hồ Tấn Minh (chánh văn phòng Sở GD-ĐT TP.HCM):

TP.HCM sẽ sớm có hướng dẫn về dạy thêm

Định hình lại hoạt động dạy thêm, học thêm: Nhiều thay đổi từ giáo viên - Ảnh 4.

Sở GD-ĐT TP.HCM sẽ có hướng dẫn cụ thể về việc dạy thêm - học thêm trong thời gian tới. Quan điểm của sở là làm đúng theo thông tư của Bộ GD-ĐT.

Dự kiến TP.HCM sẽ có một cổng thông tin về dạy thêm - học thêm. Trong đó, công khai tất cả các trung tâm dạy thêm đã được cấp phép hoạt động cùng những thông tin về giáo viên, mức học phí, các môn dạy thêm, thời lượng dạy...

Ngoài ra, ngành GD-ĐT thành phố sẽ phối hợp với chính quyền địa phương nhằm kiểm tra, hướng dẫn, quản lý... để việc dạy thêm được thực hiện đúng.

Các thầy cô giáo cần điều tiết để thực hiện đúng theo thông tư về dạy thêm - học thêm. Ai làm sai sẽ phải chịu trách nhiệm, bị xử lý theo đúng Luật Viên chức.

Đổi chéo học sinh chính khóa để dạy thêm

Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ, hiện có tình trạng các giáo viên đổi chéo học sinh chính khóa cho nhau để dạy thêm. Về vấn đề này, ông Hồ Tấn Minh, chánh văn phòng Sở GD-ĐT TP.HCM, cho hay: "Các câu lạc bộ như mỹ thuật, đàn ghi ta, đàn tranh, đàn organ, bóng rổ, bơi lội, rèn chữ đẹp... đều rất cần cho lứa tuổi tiểu học.

Nhà trường tiểu học cần chủ động tổ chức các câu lạc bộ sau giờ học để đáp ứng nhu cầu gửi con của phụ huynh. Đồng thời đây cũng là cách tạo nguồn thu nhập chính đáng cho giáo viên".

Không điều chỉnh, khó có dạy - học thêm thực chất

Định hình lại hoạt động dạy thêm, học thêm: Nhiều thay đổi từ giáo viên - Ảnh 4.

Học sinh Trường THPT số 2 Si Ma Cai (Lào Cai) ôn thi tốt nghiệp miễn phí năm 2024 do trường tổ chức - Ảnh: NGUYÊN BẢO

Việc dạy thêm, học thêm sẽ có nhiều thay đổi sau quy định vừa được Bộ GD-ĐT ban hành và có hiệu lực từ 14-2.

Không cấm nhưng sẽ quản

Thay vì tư duy "không quản được thì cấm", thông tư số 29/2024/TT-BGDĐT đặt ra mục đích khác: không cấm dạy thêm, nhưng phải đảm bảo những điều kiện chặt chẽ. Nói một cách khác, chỉ cấm dạy thêm tiêu cực, không có lợi cho người học và cho phép dạy thêm đàng hoàng, đúng quy định.

Với mục đích này, có những thay đổi khá lớn ở quy định mới ban hành như việc cấm tổ chức dạy thêm với học sinh tiểu học, trừ trường hợp bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn luyện kỹ năng sống.

Các trường từ THCS trở lên được tổ chức dạy thêm trong nhà trường cho ba đối tượng (học sinh chưa đạt yêu cầu học tập, học sinh giỏi cần bồi dưỡng và học sinh ôn thi cuối cấp) nhưng không được thu tiền của phụ huynh. Việc tổ chức dạy thêm và học thêm ở ngoài nhà trường phải tuân thủ các quy định chặt chẽ.

Các tổ chức, cá nhân (trừ cán bộ, giáo viên đang làm việc trong các cơ sở giáo dục) đều có thể tổ chức dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường nhưng phải đăng ký kinh doanh để chịu sự quản lý theo quy định của Luật Doanh nghiệp, thực hiện nghĩa vụ đóng thuế.

Các tổ chức, cá nhân này cũng phải chấp hành các quy định như công khai các môn dạy thêm, thời lượng dạy thêm từng môn, khối lớp, địa điểm, thời gian dạy thêm, danh sách người dạy thêm và mức phí người học phải nộp...

Giáo viên các trường có thể đăng ký dạy thêm ở các cơ sở có phép nhưng phải báo cáo với hiệu trưởng về môn học, địa điểm, hình thức và thời gian tham gia dạy thêm.

Đặc biệt, giáo viên đang dạy học ở các trường không được dạy thêm có thu tiền với học sinh mà mình đang được phân công dạy học theo kế hoạch giáo dục của nhà trường.

Với thông tư mới ban hành, Bộ GD-ĐT thể hiện quan điểm việc giám sát dạy thêm, học thêm không chỉ có ngành giáo dục hay chính quyền địa phương mà còn phải có giám sát toàn dân, của chính học sinh và phụ huynh trên cơ sở những quy định đã được ban hành.

Vì việc dạy thêm, học thêm sẽ tác động trực tiếp đến quyền lợi của người học. Người học có quyền lựa chọn và chi trả cho việc học thêm ngoài nhà trường nếu thấy cần thiết, hiệu quả, tương xứng với số tiền học phí.

So với thông tư 17 (ban hành từ năm 2012) quy định về dạy thêm, học thêm thì thông tư mới thể hiện quan điểm mạnh mẽ, dứt khoát hơn.

Theo một số chuyên gia giáo dục từng tham gia xây dựng văn bản hoặc góp ý cho vấn đề quản lý dạy thêm, học thêm nhiều thập niên qua thì đây là vấn đề rất phức tạp, ổn điểm này nhưng có thể lại bất lợi ở điểm kia vì đụng chạm đến nhiều quyền lợi, nhu cầu xã hội. Đó chính là điều khiến cho chuyện dạy thêm, học thêm tiêu cực khó giải quyết. Muốn bước ra khỏi sự bùng nhùng này, cần dứt khoát lựa chọn một đối tượng ưu tiên bảo vệ.

Và ở văn bản mới của bộ, lựa chọn nghiêng về người học. Trong khi đó, đối tượng sẽ bị ảnh hưởng (về quyền lợi) và phải điều chỉnh nhiều là các nhà trường là giáo viên. Việc này sẽ cần một thời gian dài để thay đổi.

Phải điều chỉnh thế nào?

Một trong những việc các nhà trường phải lưu tâm điều chỉnh là tách bạch giữa nhiệm vụ dạy học và việc "dạy thêm". Trong nhiệm vụ năm học của các nhà trường có kế hoạch hỗ trợ, phụ đạo học sinh yếu kém, gặp khó khăn chưa đạt yêu cầu tối thiểu của chương trình giáo dục, kế hoạch hướng dẫn, tổ chức ôn tập cho học sinh cuối cấp chuẩn bị cho các kỳ thi.

Khi triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018, các trường xây dựng kế hoạch giáo dục nhà trường, trong đó có nội dung tăng cường ở một số môn học. Việc này rõ hơn ở các lớp cuối cấp. Nhưng các tiết tăng cường này lại thu tiền của phụ huynh và 100% học sinh phải đăng ký học. Việc này có sự nhập nhằng giữa chương trình bắt buộc và "dạy thêm".

Khi thực hiện thông tư về dạy thêm, học thêm, vấn đề này sẽ phải tách bạch. Những nội dung nằm trong kế hoạch giáo dục nhà trường, gồm cả việc dạy học trên lớp, hoạt động ngoài lớp học, hướng dẫn học sinh ôn tập thuộc chương trình chính khóa và không phải hoạt động "dạy thêm, học thêm".

Giáo viên dạy chính khóa thừa giờ thì thực hiện chi trả tiền thừa giờ như quy định. Việc "dạy thêm" đúng nghĩa mới chịu điều chỉnh bởi thông tư 29. Trong đó, thông tư cũng nêu không được dạy trước, dạy vượt mức so với kế hoạch giáo dục nhà trường, không xếp tiết dạy thêm xen kẽ thời gian học chính khóa...

Bộ GD-ĐT nói gì?

Định hình lại hoạt động dạy thêm, học thêm: Nhiều thay đổi từ giáo viên - Ảnh 4.

Dạy và học thêm là nhu cầu chính đáng nhưng cần phải xuất phát từ nhu cầu của học sinh và tuân thủ pháp luật - Ảnh: N.BẢO

Theo ông Nguyễn Xuân Thành, vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học (Bộ GD-ĐT), thông tư quy định các trường dạy thêm trong nhà trường có thể sử dụng ngân sách hoặc nguồn kinh phí hợp pháp.

Cụ thể, có thể sử dụng các nguồn kinh phí đúng với quy định xã hội hóa giáo dục. Nhưng tuyệt đối không áp dụng hình thức thu tiền của phụ huynh, học sinh và phân chia theo tỉ lệ nhằm chi trả cho hoạt động dạy thêm trong trường như trước.

Thông tư 29 không cấm giáo viên dạy thêm chính đáng, nhưng giáo viên sẽ phải điều chỉnh làm quen với cách thức mới: dạy thêm ở những nơi được cấp phép và tuân thủ các quy định, đồng thời thực hiện nghĩa vụ thuế. Điều này có nghĩa giáo viên không thể tự tổ chức lớp học tại nhà hay thuê địa điểm tổ chức lớp học như trước.

"Bất cứ cá nhân, tổ chức nào - trừ cán bộ, giáo viên đang làm việc trong các cơ sở giáo dục - cũng có thể tổ chức dạy thêm nhưng phải tuân thủ quy định pháp lý để được cấp đăng ký kinh doanh" - ông Nguyễn Xuân Thành cho biết. Và để trả lời câu hỏi "giáo viên đăng ký dạy thêm ở đâu?" thì có thể nói "ở những cơ sở dạy thêm được cấp phép".

Còn với người học cũng phải có quá trình điều chỉnh về nhận thức. Vì quy định mới giúp người học có quyền lựa chọn học thêm theo nhu cầu thực sự và khả năng chi trả học phí. Vì thế, sẽ cần phải xác định lại mục tiêu "học thêm", những giá trị mà người học thực sự thấy cần thiết.

Hai điểm bất cập

Bên cạnh những mặt tích cực của thông tư, có hai điểm bất cập: thời điểm ban hành và việc truyền thông, hướng dẫn không đủ tốt.

Theo một số hiệu trưởng ở Hà Nội, thông tư ban hành về một vấn đề nhạy cảm, đụng chạm đến nhiều đối tượng trong nhà trường thì nên chọn thời điểm thích hợp là đầu năm học mới. Vì việc đó sẽ thuận lợi cho các nhà trường xây dựng kế hoạch giáo dục, trong đó có cả kế hoạch hỗ trợ ôn tập cho học sinh trong nhà trường theo đúng quy định.

Nhưng hiện thông tư có hiệu lực vào giữa tháng 2 - thời điểm học sinh đang gấp rút ôn tập cho các kỳ thi lớn. Việc điều chỉnh của các nhà trường không kịp thời, dẫn tới việc phải tạm ngừng hoạt động ôn tập cho học sinh đang được xem là "dạy thêm".

Giáo viên đang quen với cách dạy thêm được tổ chức đơn giản, nay phải tìm nơi phù hợp đăng ký nên cũng sẽ mất thời gian để thích ứng. Nhưng kỳ thi thì không thể lùi. Đây là vấn đề Bộ GD-ĐT cần nắm bắt và có chỉ đạo kịp thời với các địa phương, nhà trường để hỗ trợ học sinh cuối cấp năm học này. Nếu không sẽ khiến thế hệ học sinh lớp 9, lớp 12 năm học này rơi vào hoang mang, lo âu, thậm chí chịu thiệt thòi.

Điểm bất cập thứ hai: truyền thông và hướng dẫn cũng là vấn đề để ngành giáo dục phải có giải pháp mạnh mẽ hơn. Những điểm mờ chưa rõ ràng cần được giải thích cặn kẽ, như việc tách bạch nhiệm vụ giáo dục bắt buộc với hoạt động dạy thêm, hay việc huy động nguồn kinh phí như thế nào là hợp pháp cho việc dạy thêm trong nhà trường, hướng dẫn cho giáo viên trong việc đăng ký dạy thêm ở đâu, như thế nào cần được giải thích và hỗ trợ kịp thời.

Bên cạnh đó, việc giám sát từ nhiều kênh khác nhau cần được tăng cường vì rất có thể sẽ có những "biến tướng" của dạy thêm, học thêm nảy sinh sau khi siết việc quản lý dạy thêm, học thêm.

Định hình lại hoạt động dạy thêm, học thêm: Nhiều thay đổi từ giáo viên - Ảnh 7.Quản lý dạy thêm, phải trị bệnh tại căn

Thông tư số 29/2024 tập trung các biện pháp hành chính như kiểm soát số lượng giờ dạy thêm, yêu cầu giáo viên đăng ký lớp học thêm với cơ quan chức năng, cấm việc dạy thêm trong một số trường hợp...

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên