25/05/2024 19:49 GMT+7

Quốc gia châu Âu yêu cầu Israel tuân thủ phán quyết của tòa ICJ ở Dải Gaza

Tây Ban Nha hiện là một trong số các nước châu Âu chỉ trích Israel nhiều nhất về cuộc chiến ở Dải Gaza.

Thẩm phán Nawaf Salam, chủ tịch Tòa án Công lý quốc tế (ICJ), trong buổi đưa ra phán quyết tại The Hague, Hà Lan hôm 24-5 - Ảnh: REUTERS

Thẩm phán Nawaf Salam, chủ tịch Tòa án Công lý quốc tế (ICJ), trong buổi đưa ra phán quyết tại The Hague, Hà Lan hôm 24-5 - Ảnh: REUTERS

Ngày 25-5, Chính phủ Tây Ban Nha yêu cầu Israel tuân thủ phán quyết của Tòa án Công lý quốc tế (ICJ) về việc ngừng các cuộc bắn phá và tấn công trên bộ ở thành phố Rafah, phía nam Dải Gaza.

Chính phủ Tây Ban Nha nhấn mạnh phán quyết này mang tính ràng buộc về mặt pháp lý.

"Các biện pháp phòng ngừa do ICJ đặt ra, gồm cả việc Israel cần ngừng cuộc tấn công quân sự ở Rafah, là bắt buộc. Israel phải tuân thủ chúng" - Ngoại trưởng Tây Ban Nha Jose Manuel Albares viết trên mạng xã hội X.

Ông chỉ ra thêm: "Điều tương tự cũng áp dụng với lệnh ngừng bắn, việc thả con tin và cho phép viện trợ nhân đạo tới Gaza. Nỗi đau khổ của người dân ở Gaza và bạo lực phải chấm dứt".

Phán quyết được tòa ICJ của Liên Hiệp Quốc đưa ra hôm 24-5, yêu cầu "Israel phải dừng ngay lập tức cuộc tấn công quân sự và bất kỳ hành động nào khác ở Rafah mà có thể gây ra cho nhóm người Palestine ở Gaza những điều kiện sống có thể dẫn đến sự hủy diệt một phần hoặc toàn bộ".

Israel bắt đầu cuộc tấn công trên bộ ở thành phố Rafah hôm 7-5, bất chấp cộng đồng quốc tế lo ngại về sự an toàn của 1,4 triệu thường dân bị mắc kẹt trong thành phố. Nước này cho rằng Rafah là thành trì cuối cùng của Hamas.

Theo Hãng tin AFP, Tây Ban Nha hiện là một trong những quốc gia châu Âu chỉ trích Israel nhiều nhất về cuộc chiến ở Dải Gaza.

Hôm 22-5, Tây Ban Nha, Ireland và Na Uy cho biết chính phủ của họ sẽ công nhận Nhà nước Palestine từ tuần tới. Israel đã triệu tập đại sứ của ba nước để "khiển trách" họ về quyết định này và tuyên bố sẽ cấm Lãnh sự quán Tây Ban Nha ở Jerusalem hỗ trợ người Palestine ở Bờ Tây.

Theo báo The Times of Israel, căng thẳng đã gia tăng giữa Israel và Tây Ban Nha sau khi xung đột Israel - Hamas nổ ra vào tháng 10-2023. 

Tháng 11 năm ngoái, Bộ Ngoại giao Israel đã triệu hồi đại sứ Israel ở Tây Ban Nha để tham vấn, sau khi Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez nói ông "nghi ngờ nghiêm trọng" về tính hợp pháp của cuộc chiến với Hamas.

Trái ngược với Tây Ban Nha, Chính phủ Anh chỉ trích phán quyết của ICJ, cho rằng phán quyết này sẽ có lợi cho phong trào Hồi giáo Hamas.

Israel rạn nứt với phương TâyIsrael rạn nứt với phương Tây

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu vẫn tiếp tục chiến dịch 'xóa sổ' tổ chức Hồi giáo Hamas của người Palestine, bất chấp sự phản đối trong nước cũng như áp lực quốc tế ngày càng tăng.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên