24/05/2024 08:51 GMT+7

Israel rạn nứt với phương Tây

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu vẫn tiếp tục chiến dịch 'xóa sổ' tổ chức Hồi giáo Hamas của người Palestine, bất chấp sự phản đối trong nước cũng như áp lực quốc tế ngày càng tăng.

Một em nhỏ người Palestine đứng bên đống đổ nát ở trại tị nạn Nuseirat, Dải Gaza - Ảnh: AFP

Một em nhỏ người Palestine đứng bên đống đổ nát ở trại tị nạn Nuseirat, Dải Gaza - Ảnh: AFP

Hôm 22-5, ba nước châu Âu gồm Na Uy, Ireland và Tây Ban Nha tuyên bố sẽ công nhận "Nhà nước Palestine", một động thái được mô tả là "lịch sử" đối với cuộc xung đột lâu năm giữa Israel và người Palestine.

Nguy cơ Israel bị cô lập

Có khoảng 140 nước, chiếm 2/3 tổng số thành viên Liên Hiệp Quốc, đã công nhận Nhà nước Palestine. Từ trước đến nay chuyện này không ảnh hưởng nhiều tới Israel vì trong số các nước ủng hộ Nhà nước Palestine không có các cường quốc phương Tây cũng như nhiều thành viên hùng mạnh ở châu Âu.

Israel luôn bác bỏ giải pháp hai nhà nước, giận dữ phản ứng khi triệu hồi đại sứ tại Na Uy, Ireland và Tây Ban Nha. Phát biểu về việc này, Thủ tướng Israel Netanyahu khẳng định đó là "món quà cho chủ nghĩa khủng bố". Ông nói: "80% người Palestine ở Judea và Samaria ủng hộ cuộc thảm sát tồi tệ ngày 7-10. Dạng ác quỷ này không thể là một nhà nước. Đó sẽ là một nhà nước khủng bố".

Động thái của ba nước châu Âu chỉ mang tính biểu tượng, không chính thức thay đổi tư cách của Palestine. Tuy nhiên bước đi này phản ánh áp lực dư luận ngày càng tăng với Israel và cuộc chiến của nước này ở Dải Gaza, vốn đã làm hơn 35.000 người chết chỉ trong khoảng 8 tháng kể từ ngày 7-10-2023, thời điểm Hamas tấn công làm hơn 1.200 người chết ở Israel.

Không chỉ giúp nâng cao vị thế của Palestine trên trường quốc tế, tuyên bố của Na Uy, Ireland và Tây Ban Nha còn lột tả sự căng thẳng giữa Israel với thế giới phương Tây, vốn là đồng minh và đối tác. Trước đó Israel cũng bất mãn với việc vài nước, bao gồm Pháp và Bỉ, ủng hộ một yêu cầu của công tố viên Tòa Hình sự quốc tế (ICC) về việc phát lệnh bắt ông Netanyahu.

Trong khi đó, dù ủng hộ cuộc chiến của Israel ở Gaza, Mỹ vẫn có một số quan điểm khác biệt với đồng minh Trung Đông về tình hình nhân đạo cũng như giải pháp hòa bình cho khu vực. Washington cho rằng việc công nhận Palestine chỉ có thể diễn ra khi đi kèm một thỏa thuận với chiến lược và hòa giải chính trị lâu dài, nhưng cũng giữ lập trường rằng giải pháp hai nhà nước là lối ra hợp lý cho xung đột Israel - Palestine.

Hôm 22-5, Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan thừa nhận Washington lo ngại về sự cô lập ngoại giao ngày càng gia tăng với Israel, đồng thời cho biết đây sẽ là một trong các chủ đề thảo luận giữa Mỹ và Israel.

Sức ép với ông Netanyahu

Hamas đã chịu tổn thất nặng nề từ đòn đáp trả của Israel, nhưng thành công lớn nhất của tổ chức này có vẻ là tạo được thanh thế trong lòng người Palestine và thế giới, cũng như quan trọng hơn là "hồi sinh" câu chuyện hai nhà nước cho Palestine. 

Trong khi đó với Israel và ông Netanyahu, tương lai còn khá phức tạp, thậm chí chưa ai rõ thế nào mới là một "chiến thắng" cho Israel.

Với việc các tay súng Hamas tái xuất ở phía bắc Dải Gaza, trong khi quân đội Israel tiến sâu vào phía nam ở thành phố Rafah, giới quan sát cho rằng tuyên bố "loại bỏ hoàn toàn" Hamas mà ông Netanyahu đưa ra dường như ngày càng không phù hợp với tình hình thực tế. 

Báo Washington Post dẫn lời tướng Tamir Hayman, một cựu lãnh đạo tình báo quân đội Israel, khẳng định mục tiêu của ông Netanyahu "không có ý nghĩa về mặt quân sự, kể cả khi nó mang thông điệp chính trị, phục vụ cho mục đích tuyên truyền".

Israel từng tuyên bố muốn có một chiến thắng "tuyệt đối" trước Hamas, nhưng nhiều người cho rằng họ không có một chiến lược lâu dài tại Dải Gaza. Mặc dù vậy, theo một số nhà quan sát, các cuộc tấn công này cũng là một phần trong mục tiêu của Israel. 

Họ cho rằng Thủ tướng Netanyahu sẵn sàng phát động một cuộc chiến tranh không hồi kết để duy trì quyền lực, đồng thời khiến người Palestine không thể trụ lại, và đảm bảo giải pháp hai nhà nước không được áp dụng.

Nhưng thời gian sẽ đứng về phía ai? Ông Netanyahu đã gặp rắc rối không chỉ về dư luận quốc tế. Các cuộc biểu tình trên đường phố Israel đã leo thang trong nhiều ngày qua với những phong trào mang thông điệp khác nhau. Một số cuộc xuống đường yêu cầu Israel cứu con tin đang nằm trong tay Hamas, số còn lại kêu gọi kết thúc chính quyền của ông Netanyahu, tổ chức bầu cử.

Quan trọng hơn, gần đây nội bộ Israel cũng xuất hiện những bất đồng về cuộc chiến ở Dải Gaza với việc Bộ trưởng Quốc phòng Yoav Gallant tranh luận về kế hoạch hậu chiến. Trong khi đó ông Benny Gantz, một thành viên nội các chiến tranh thuộc liên minh trung dung, hồi tuần trước cũng dọa từ chức và ra tối hậu thư cho ông Netanyahu về việc phải đưa ra kế hoạch hậu chiến vào ngày 8-6 tới.

ICJ sắp có phán quyết về Rafah

Hôm nay 24-5, Tòa án Công lý quốc tế (ICJ) sẽ ra phán quyết về yêu cầu của Nam Phi đối với việc buộc Israel dừng chiến dịch tấn công thành phố Rafah, miền nam Dải Gaza.

Yêu cầu này là một biện pháp khẩn cấp nằm trong vụ kiện lớn của Nam Phi, cáo buộc Israel phạm tội diệt chủng. Nam Phi cho rằng việc Israel tấn công Rafah, nơi hơn 1 triệu người mất nhà cửa vì cuộc chiến Gaza đang ẩn náu, sẽ đe dọa sự sinh tồn của người Palestine.

Sau các phiên điều trần ban đầu hồi tháng 1-2024, ICJ đã ban hành một số biện pháp tạm thời, yêu cầu Israel hành động nhằm hạn chế khủng hoảng nhân đạo ở Gaza.

Israel công bố đoạn video về 5 nữ quân nhân bị Hamas bắt giữIsrael công bố đoạn video về 5 nữ quân nhân bị Hamas bắt giữ

Ngày 22-5, đài truyền hình Israel đã phát sóng đoạn video ghi lại hình ảnh 5 nữ quân nhân bị Hamas bắt giữ trong cuộc tấn công ngày 7-10-2023.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên