Trước đó vào ngày 20-5, Văn phòng công tố ICC đã xin lệnh bắt Thủ tướng Israel, một diễn biến phản ánh áp lực quốc tế lên Israel trong cuộc chiến với tổ chức Hồi giáo Hamas của người Palestine.
Yêu cầu bắt thủ tướng, bộ trưởng quốc phòng
Yêu cầu của công tố viên lần này muốn bắt cả ông Netanyahu lẫn Bộ trưởng Quốc phòng Israel Yoav Gallant. Cả hai đều gọi tuyên bố trên là một yêu cầu "đáng xấu hổ", được đưa ra chỉ nhằm can thiệp vào chiến dịch của Israel ở Dải Gaza.
Yêu cầu này nhắm vào cả lãnh đạo Israel lẫn Hamas, những người phía công tố cho rằng đã phạm tội ác chiến tranh. Và mặc dù yêu cầu này không đồng nghĩa ông Netanyahu bị bắt, giới quan sát cho rằng đây là động thái khiến Israel mất hình ảnh trong mắt bạn bè quốc tế.
Phản ứng trước diễn biến này, Israel khẳng định sẽ phớt lờ và kêu gọi các nước phản đối.
"Chúng tôi kêu gọi các quốc gia của một thế giới văn minh và tự do, những nước coi thường khủng bố và coi thường bất kỳ ai ủng hộ chúng, hãy sát cánh bên Israel. Các bạn nên thẳng thừng lên án bước đi (yêu cầu lệnh bắt) này", phát ngôn viên Tal Heinrich của Chính phủ Israel nói.
Khoảng 35.000 người đã thiệt mạng sau hơn nửa năm Israel mở chiến dịch ở Dải Gaza, nơi họ tuyên bố phải "quét sạch" tổ chức Hamas. Israel cho rằng đây là cách duy nhất để Hamas không tái diễn các vụ tấn công như ngày 7-10-2023, làm chết hơn 1.200 người trên đất Israel.
Chính vì vậy, Israel luôn bảo vệ quyết định của nước này bất chấp sức ép về vấn đề nhân đạo.
Áp lực đè nặng lên Israel
Trong phát biểu trên, ông Heinrich nhấn mạnh: "Đây không phải chuyện về lãnh đạo của chúng tôi, mà là vấn đề tồn vong của chúng tôi".
Bộ trưởng Quốc phòng Gallant trong khi đó cáo buộc công tố viên Karim Khan của ICC "bác bỏ quyền tự vệ và mong muốn giải cứu con tin" của Israel.
Việc kêu gọi "thế giới văn minh" bác bỏ yêu cầu của công tố viên ICC được Israel thực hiện sau khi một số nước, bao gồm các nước có quan hệ không tệ với Israel, ủng hộ yêu cầu trên. Câu chuyện này gây ra sự chia rẽ trong thế giới phương Tây.
Trong diễn biến mới nhất, Ba Lan lên tiếng ủng hộ Israel khi cho rằng việc mô tả thủ tướng Israel với các lãnh đạo Hamas là điều không thể chấp nhận.
"Một nỗ lực nhằm chứng minh thủ tướng Israel và các lãnh đạo của một tổ chức khủng bố giống nhau, cũng như sự tham gia của các tổ chức quốc tế vào nỗ lực này, là không thể chấp nhận", Thủ tuớng Ba Lan Donald Tusk phát biểu tại cuộc họp báo ngày 21-5.
Lập luận này ngược lại với quan điểm của Bỉ và Pháp, những quốc gia ủng hộ yêu cầu bắt ông Netanyahu. Trong khi đó, Chính phủ Đức khẳng định yêu cầu của ICC là "hợp lẽ".
Những tranh luận về việc ICC có thể bắt ông Netanyahu có thể khiến tình hình Gaza thêm căng thẳng, và thậm chí gây chia rẽ trong thế giới phương Tây.
Điều này sẽ càng làm Israel thêm áp lực trong bối cảnh nước này thực hiện cuộc tập kích ở cả trại Jabalia phía bắc và thành phố Rafah miền nam Dải Gaza, nơi được cho là điểm trú ẩn an toàn cuối cùng của người dân vùng đất này.
Theo Reuters, Israel đã tiến sâu hơn vào trại Jabalia ngày 21-5, dùng xe tăng và bom để oanh tạc khu vực này. Trong khi đó các đợt không kích tại Rafah đã làm chết ít nhất 5 người.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận