02/10/2019 11:10 GMT+7

'Quên lũ' bằng sinh kế mới

S.LÂM - N.TÀI - C.QUỐC
S.LÂM - N.TÀI - C.QUỐC

TTO - Biến đổi khí hậu làm lũ bất thường khiến tập quán sản xuất của người dân ở nhiều địa phương đồng bằng sông Cửu Long đã phải thay đổi để thích ứng và tồn tại.

Quên lũ bằng sinh kế mới - Ảnh 1.

Mô hình một vụ lúa - một vụ sen “bén rễ” ở quê hương Tháp Mười nhiều năm qua - Ảnh: NGỌC TÀI

Năm nay nước ít nhưng cánh đồng dọc mạn trái kênh Bô phía sau nhà anh Nguyễn Văn Châu (ở ấp Hòa Tây B, xã Phú Thuận, huyện Thoại Sơn, An Giang) nước cũng sâu quá thắt lưng.

Trong căn nhà sàn của anh Châu đầy đủ các dụng cụ bắt cá như lưới, chài, lọp... nhưng hơn tháng mùa nước nổi về, anh cũng chưa đụng đến.

Không còn "2 lúa"

Thời gian đâu để đi bắt cá đồng khi 3ha ao đương ương cá tra giống bên hông nhà đã chiếm trọn thời gian của anh Châu.

Hai con trai, một đang là sinh viên năm 3 khoa cây trồng Trường ĐH Cần Thơ, một đang theo học lớp 9, hễ về nhà là lao vào giúp mẹ chăm vườn cải sau nhà hay thu hoạch bí, bầu, dừa...

Theo anh Châu, nơi này từng là vùng chuyên lúa, khoảng năm 2005 được quy hoạch là vùng lúa - tôm để phù hợp với tình hình mới.

Do biến đổi khí hậu khiến mực nước về ngày càng bất thường, nơi đây hầu như chỉ còn trồng một vụ lúa, vụ còn lại người dân địa phương thường xen vào nuôi cá, tôm..., trên bờ ruộng canh tác hoa màu.

Riêng anh Châu vừa thu hoạch xong bí, củ cải bán được vài chục triệu đồng, còn cá tra giống dưới ao đang chờ bán, nếu giá tốt cũng mang lại thu nhập ổn định. Còn hoa màu thì có thể "xoay tua" quanh năm theo "chu kỳ" 2-3 tháng thu hoạch 1 lần.

Trước khi nuôi cá tra giống, từ năm 2016-2018, anh Châu và 5 hộ dân khác nuôi tôm càng xanh xen lúa thích ứng biến đổi khí hậu, gắn với ứng dụng công nghệ được Trường ĐH Cần Thơ hỗ trợ.

"Điều kiện khí hậu, nước lũ bây giờ thất thường, hầu như không ai còn trồng chuyên lúa 2-3 vụ nữa. Tất cả phải thay đổi, người nuôi con này, người nuôi con khác, miễn làm sao có thu nhập ổn định là được" - anh Châu lý giải.

Trên những dòng kênh Lẫm, kênh Phú Tây... của xã Phú Thuận, chúng tôi thi thoảng lắm mới thấy một chiếc ghe nhỏ của người dân đi thả lưới bắt cá.

"Dân ở đây giờ gần như không còn ai làm cá chuyên nghiệp nữa. Đến mùa lũ mới có vài người đi bắt cá đồng thôi" - ông Đào Bá Thạnh, nhà cặp kênh Phú Tây, cho hay.

Ông Thạnh có lẽ là một trong số ít người còn chú ý đến lũ vì ông đang có 2,5ha ao tôm. Ông canh lũ để đưa nước sạch vào ao trước khi thả giống.

"Trước đây lũ nhiều thì mình còn đi vớt cá bột làm thức ăn cho tôm, nhưng dần dà về sau ít đi, mình cũng không đi vớt thức ăn cho tôm như trước nữa" - ông Thạnh kể.

Ông Thạnh còn chú ý đến lũ nhưng hai người con trai của ông là Đào Bá Sang và Đào Bá Trọng tuy cũng nuôi thủy sản nhưng đã hoàn toàn "quên lũ".

Anh Sang là cán bộ kỹ thuật viên thủy sản của xã Phú Thuận, đã không còn nuôi tôm như cha mình mà chuyển qua làm trại chuyên ương cá chạch lấu giống hơn 4 năm nay. Cá giống anh xuất bán khắp các tỉnh thành miền Tây, miền Đông.

Tương tự, anh Trọng đang thành công với mô hình ương nuôi tôm giống hơn 1 năm nay. Tôm giống loại 500 con mỗi ký hiện có giá 10.000 đồng/con.

Anh Sang cho biết xã Phú Thuận là một trong những xã nuôi trồng thủy sản trọng điểm của huyện Thoại Sơn: "Ban đầu là mô hình kết hợp trồng lúa với nuôi tôm để thích ứng với kinh tế vùng lũ. Nhưng dần dà người dân đã chuyển đổi để không còn phụ thuộc vào mùa lũ nữa, bởi những mùa lũ sau này cũng thất thường con nước chứ không còn như trước".

"Hiện toàn xã có hơn 160 hộ dân nuôi thủy sản như tôm càng xanh, cá tra, cá chình, cá chạch... Nói chung sau này mùa lũ đã không còn ảnh hưởng nhiều đến kinh tế nên người ta cũng quên luôn" - anh Sang cười nói thêm.

Trồng sen lời gấp 3 lần trồng lúa

Sau nhiều năm "đói lũ" và thủy sản ngày càng cạn kiệt, mô hình một vụ lúa - một vụ sen đang được người dân nhiều xã ở huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp hưởng ứng, nhân rộng.

Ông Trương Duy Bằng, một trong những nông dân đi đầu mô hình lúa - sen ở vùng Tháp Mười, cho hay trồng sen không cần nhiều nước.

"Chỉ cần nước nhảy khỏi bờ là sen có thể phát triển ngon lành" - ông Bằng nói.

Theo đó, ông Bằng canh tác một vụ lúa đông xuân, thu hoạch lúa xong ông trồng sen toàn bộ diện tích, đến khoảng tháng 5 âm lịch sen đã cho thu hoạch.

"Sen có thể bán được tất cả từ gương sen, lá sen, ngó sen... Trung bình mỗi công (1.000m2 - PV), sen lợi nhuận từ 1,5-2 triệu đồng/vụ, lời gấp 3 lần so với trồng lúa. Ngoài ra còn có thể trồng rau muống đồng trong ruộng sen hoặc nuôi vịt, nuôi cá để có thêm thu nhập" - ông Bằng chia sẻ.

Nghề trồng sen phát triển cũng đã tạo nhiều công việc mới xuất hiện. Nhiều sản phẩm từ sen như trang sức mỹ nghệ từ sen, tinh dầu sen, trà lá sen, trà hoa sen, hạt sen sấy... đều tạo được nhiều cơ hội việc làm cho người dân trong vùng.

Mới đây, một lớp học "kéo, miết chỉ tơ sen" do Hội Nông dân huyện Tháp Mười phối hợp với Viện Kinh tế sinh thái (ECO) và Liên minh Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN) tổ chức cho 20 học viên.

Mọi người đang muốn mở ra ngành nghề dệt lụa từ tơ sen. Hi vọng một thương hiệu lụa mới có thể mang lại kinh tế cho người dân vùng Tháp Mười.

Sẽ nhân rộng mô hình

Đó là khẳng định của ông Đỗ Văn Sang - trưởng Phòng NN&PTNT huyện Thoại Sơn - xung quanh mô hình nuôi thủy sản phát triển kinh tế thay cho cây lúa ở ấp Hòa Tây B, xã Phú Thuận, huyện Thoại Sơn.

Theo ông Sang, huyện Thoại Sơn hỗ trợ 26 hộ dân ở xã Phú Thuận chăn nuôi phát triển kinh tế tùy theo từng điều kiện cụ thể của người dân. Mỗi mô hình chính quyền hỗ trợ từ 30-100 triệu đồng/hộ.

"Đây là nguồn vốn từ chương trình xây dựng nông thôn mới nhằm nâng cao thu nhập cho bà con. Sắp tới, chúng tôi sẽ nhân rộng mô hình ra các địa phương khác của huyện. Tuy nhiên, điều đáng lo nhất của chúng tôi là tìm nguồn vốn hỗ trợ bà con" - ông Sang nói.

Kiên Giang dần bỏ độc canh lúa

TS Đỗ Minh Nhựt, phó giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Kiên Giang, cho biết tỉnh đã tổ chức thực hiện nhiều mô hình 1 vụ tôm - 1 vụ lúa hoặc 1 vụ lúa - 1 vụ màu - 1 vụ cá ở các vùng có khả năng bị thời tiết thất thường tác động lớn như ở các huyện: An Biên, An Minh, Vĩnh Thuận, U Minh Thượng.

Việc chuyển đổi này đã có nhiều chuyển biến tích cực khi thống kê gần đây cho thấy lợi nhuận của người nông dân áp dụng mô hình sản xuất mới đã tăng khoảng 20% trên cùng một đơn vị diện tích so với độc canh cây lúa.

BỬU ĐẤU - KHOA NAM ghi

Đồng bằng sông Cửu Long: thiếu nước - thiếu tiền

Ngày 4-10, báo Tuổi Trẻ cùng Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn (Agribank) tổ chức tọa đàm "Đồng bằng sông Cửu Long: thiếu nước - thiếu tiền" tại An Giang, một trong ba địa phương thuộc vùng tứ giác Long Xuyên chịu nhiều thiệt hại do lũ về chậm và lũ thấp hơn mọi năm.

Lũ về muộn, thấp đã gây ảnh hưởng nhiều đến đời sống sinh hoạt, sản xuất của bà con khiếu nhiều người phải bỏ xứ ra đi để mưu sinh hoặc phải chuyển đổi nghề.

Tại tọa đàm, các chuyên gia thuộc Viện Biến đổi khí hậu và chuyên gia sinh thái vùng Đồng bằng sông Cửu Long sẽ phân tích và dự báo tình hình biến đổi khí hậu.

Ngoài ra, các nhà khoa học, chuyên gia cũng sẽ tư vấn cho bà con chọn những mô hình sản xuất, nuôi trồng phù hợp, thích ứng với tình hình thực tế đang đặt ra và sẽ phải đối mặt, từ đó tạo dựng cuộc sống ổn định hơn.

Đồng hành cùng bà con nông dân, Agribank cũng đưa ra những chính sách ưu đãi về lãi suất, những mô hình cho vay hiệu quả phù hợp với biến đổi khí hậu tại đây cho bà con tham khảo và vay vốn.

PHẠM KIM

Giảm vốn đầu tư công với một số dự án chống chịu khí hậu ở ĐBSCL Giảm vốn đầu tư công với một số dự án chống chịu khí hậu ở ĐBSCL

TTO - Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh nội bộ kế hoạch đầu tư công vốn nước ngoài nguồn ngân sách trung ương năm 2019 giữa 10 dự án của 5 địa phương gồm thành phố Cần Thơ, Đồng Tháp, Cà Mau, Bắc Giang, Hà Nam.

S.LÂM - N.TÀI - C.QUỐC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên