Chòi, tum để du khách ăn uống, giải trí đang bức tử những ruộng sen tỏa sắc của ngày nào - Ảnh: NGỌC TÀI
"Đồng Sen Tháp Mười", niềm tự hào của người dân huyện Tháp Mười, Đồng Tháp. Nhớ những ngày khách gần xa lui tới nhộn nhịp. Các trang mạng chia sẻ cảm xúc, báo chí đưa nhiều tin bài về Đồng Sen. Hồ hởi cũng có, băn khoăn cũng nhiều, có khen, có phê bình.
Tôi đã gặp lại những nông dân đầu tiên bước chân vào làm du lịch. Những nông dân rặt, trồng lúa thì giỏi, trồng sen không ai bằng, "đùng một cái" trở thành người chủ của một điểm du lịch ngay trên cánh đồng của mình.
Họ chạy ra chợ huyện sắm vài bộ bàn ghế, xây một cái bếp, cất vài cái tum (chòi), làm cái nhà vệ sinh... Cảnh quan thì sen nở đầy đồng. Món ăn thì ngay trên đồng, dưới mương, thêm chút khéo léo nêm nếm là khách có bữa ăn đầy "hương đồng gió nội".
Làm du lịch, tưởng rằng khó nhưng hóa ra lại dễ. Nhưng ngược lại, tưởng dễ lại khó trăm bề. Nghề làm dịch vụ như "làm dâu trăm họ" vậy! Và rồi Đồng Sen bắt đầu xuất hiện những chuyện đáng lo, nỗi lo của chính bà con làm du lịch.
Cây sen coi vậy mà thất thường lắm! Sen Tháp Mười đã có chứng nhận thương hiệu nhưng giá cả không ổn định, nhiều người muốn bỏ sen trồng lại lúa cho ăn chắc mặc bền. Gần đây, sen lại bị dịch bệnh nhiều, các ngành chuyên môn, nhà khoa học cũng đang tìm nguyên nhân và cách chữa bệnh cho sen. Bà con cũng tự tìm những giống sen mới nhưng vẫn không xong.
Một anh nông dân làm du lịch, người đầu tiên đưa giống sen về trồng trên cánh đồng trước đây chỉ toàn trồng lúa so sánh: cũng là giống sen đó nhưng mọc hoang trong các ao đầm Gò Tháp đầy cỏ dại, đâu có ai tưới phân phun thuốc mà thân vẫn khỏe, lá dày, hoa hồng thắm, còn sen trên đồng của mình dường như mỏng manh, dễ bị dịch bệnh.
Còn một cái khó khác - đó là tinh thần hợp tác giữa những bà con làm du lịch với nhau. Sen đâu chỉ để ngắm, còn biết bao giá trị tinh túy từ củ, thân, lá, hạt, tim sen. Phải làm sao để khách hăm hở trải nghiệm quy trình chế biến các thức uống, món ăn từ sen rồi lủ khủ mang về làm quà.
Cái "bờ bao" cần cho ruộng sen du lịch. Nhưng chính con người trong đê bao mới quyết định cho sự phát triển bền vững của cánh đồng sen, chứ không phải là cái đê bao hữu hình!
Đồng Tháp có nhiều hội quán của nông dân đủ các nghề. Ở đó, nông dân giao lưu với nhau, cùng ngồi với các nhà quản lý, chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp. Từ những diễn đàn như vậy, nhiều nông dân đã mạnh dạn khởi nghiệp, đã làm du lịch nông nghiệp, du lịch cộng đồng.
Sắp tới, tỉnh sẽ phát huy các hoạt động hội quán ngành trồng sen làm du lịch để bà con cùng chia sẻ, hợp tác, cùng làm dịch vụ du lịch tốt hơn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận