07/08/2019 14:42 GMT+7

Làm gì để giúp ĐBSCL chung sống với hạn, mặn?

TÚ NGUYÊN
TÚ NGUYÊN

TTO - Biến đổi khí hậu và những đập thủy điện thượng nguồn Mekong khiến ĐBSCL phải thay đổi để thích nghi với điều kiện "mất lũ".

Làm gì để giúp ĐBSCL chung sống với hạn, mặn? - Ảnh 1.

Vợ chồng anh Nguyễn Văn Út (ấp Cầu Chùa, xã Mỹ Lệ, huyện Cần Đước, tỉnh Long An) chuyển từ trồng lúa sang rau, thu hoạch mỗi ngày gần 200kg rau dền - Ảnh: TÚ NGUYÊN

Không phải đến bây giờ các nhà hoạch định chính sách mới bàn tới chuyện ĐBSCL phải chung sống với hạn mặn. Tuy nhiên, những kế sách vĩ mô đòi hỏi sự chung tay hợp lực của Nhà nước và nhân dân và phải thực hiện từng bước một trong thời gian lâu dài.

Trước mắt, cây trồng ở ĐBSCL đã được điều chỉnh diện tích cho thích hợp với địa hình có ngập mặn hay không, tùy vùng nước mặn, lợ, ngọt. Tỉnh Bến Tre sau hơn 2 năm, diện tích canh tác lúa đã giảm hơn 10.000ha, đã chuyển sang trồng cây ăn quả và nuôi thủy sản. 

Tỉnh Tiền Giang cũng đã chuyển gần 13.000ha đất lúa sang trồng cây ăn quả, áp dụng kỹ thuật cao, đạt lợi nhuận gấp từ 12-18 lần lợi nhuận trồng lúa.

Quê tôi, xã Mỹ Lệ, huyện Cần Đước, tỉnh Long An cũng đã nhanh chóng chuyển hàng trăm hecta lúa sang trồng rau. Đặc biệt một vài năm gần đây bà con rất mặn mà với cây rau dền cùng kỹ thuật tưới tiết kiệm nước. 

Kết quả trồng rau thay lúa trong năm qua, nhiều hộ nông dân quê tôi cũng có lợi nhuận gấp từ 5-7 lần lợi nhuận trồng lúa trước đây.

ĐBSCL sau 5-6 năm thực hiện tái cơ cấu đã chuyển hàng chục ngàn hecta đất kém hiệu quả sang trồng cây ăn trái. Về lâu dài, để người dân có thể sống được trên đất hạn mặn, cần thay đổi nhiều hơn nữa. 

Cần nói thêm, hiệu quả khi chuyển đổi cây trồng, vật nuôi không chỉ là tăng lợi nhuận mà còn là thích nghi môi trường hạn mặn, như tiết kiệm nước.

Tuy nhiên, phát triển cây trồng cạn trên những diện tích mới chuyển đổi không phải là một ngày một buổi. Phải tính đến đầu ra sao cho có tính bền vững. Theo tôi, trong "quốc kế dân sinh" có căn cơ và bền vững, chung sống với hạn mặn, không chỉ chuyển lúa sang cây trồng cạn hay chăn nuôi thủy sản là đủ. 

Cây lúa vẫn phải được coi là cây trồng chủ lực của ĐBSCL. Người dân cần thay đổi quán tính trồng bao đời, chuyển sang trồng lúa gạo chất lượng thay vì số lượng. Các nhà khoa học nông nghiệp cần chung tay tạo ra những bộ giống lúa thích nghi với hạn, mặn.

Bước đầu, nhóm nghiên cứu trường ĐH Tiền Giang (do TS Nguyễn Bích Hà Vũ chủ nhiệm đề tài) đã lai tạo thành công hai bộ giống TG1, TG4 chịu mặn, đang trong quá trình cung ứng giống cho nông dân. 

Trong khi đó, ở Cà Mau, PGS.TS Võ Công Thành cũng lai tạo thành công hai bộ giống lúa chịu mặn cao là giống Cà Mau 1, Cà Mau 2, cũng trong quá trình sản xuất đại trà.

Trong vài thập niên trước, chúng ta tìm cách ngăn lũ để trồng lúa. Thực tế cho thấy khi chung sống với lũ chúng ta còn có nguồn lợi thủy sản khác. Hôm nay, biến đổi khí hậu, thiếu nước, phương cách để tồn tại sẽ cần phải đa dạng, ngoài lúa còn có rau, hoa màu, thủy hải sản. 

Và trồng trọt xu hướng tiết kiệm nước ngọt, chọn cây trồng, vật nuôi chịu được hạn mặn cũng là dịch chuyển tích cực giữa mùa thiếu nước lũ ở ĐBSCL.

Quy luật về lũ, xâm nhập mặn tại ĐBSCL đã thay đổi Quy luật về lũ, xâm nhập mặn tại ĐBSCL đã thay đổi

TTO - Nếu lấy mốc Tân Châu (An Giang) để đo mức lũ thì từ năm 2000 đến nay, ĐBSCL chỉ có 4 năm lũ lớn với mực nước trên 4,5m là năm 2001, 2002, 2003 và năm 2011. Còn năm 2015 lũ cực nhỏ với mực nước chỉ ở mức 2,45m.

TÚ NGUYÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên