09/10/2021 06:45 GMT+7

Quay lại nhịp sống đời thường bỗng thấy bất an, 'sợ đám đông'?

CÔNG NHẬT
CÔNG NHẬT

TTO - Khi xã hội dần hạ mức giãn cách, một số bạn trẻ chợt nhận ra bản thân không có sự háo hức, mong đợi ngày 'tái hòa nhập' vào đời thường như từng hình dung.

Quay lại nhịp sống đời thường bỗng thấy bất an, sợ đám đông?  - Ảnh 1.

Lý Ngô chọn giải pháp tạo năng lượng tích cực, mục đích sống của bản thân thông qua việc tham gia những hoạt động cộng đồng tại các bệnh viện dã chiến - Ảnh: MICHAEL NEO

Liệu đó có phải là chuyện bất thường? Và làm sao để "tái khởi động"?

1.001 lý do ngại cuộc sống mới

Thuộc tuýp người hoạt ngôn do là người dẫn chương trình khá có tiếng cũng như tham gia nhiều hoạt động xã hội, Lý Ngô khiến nhiều người bất ngờ khi đăng một dòng trạng thái về việc bản thân đang cảm nhận hội chứng sợ đám đông vào đầu tháng 10.

Bạn không là ngoại lệ, không ít bạn trẻ khác thừa nhận chẳng muốn quay lại cuộc sống sôi động, náo nhiệt như trước đây. Nhóm bạn Vĩnh, Ngọc, Hoa (sinh viên các trường thuộc ĐH Quốc gia TP.HCM) cho biết các bạn đã quen với việc học, nghiên cứu và sinh hoạt tại nhà, dù bản thân đã chích từ 1-2 mũi vắc xin nhưng vẫn cảm thấy bất an với việc được tiếp xúc lại mọi người. 

Mặt khác, các bạn cho biết một phần vì ở nhà quá lâu và quen với cuộc sống "chìm ngập" trong công nghệ nên nhiều kỹ năng như giao tiếp, thể hiện cảm xúc... bị thui chột, không còn thấy quan trọng.

Bạn Hòa (27 tuổi, quận Bình Thạnh) lại có nỗi ám ảnh cuộc sống "bình thường mới", sợ gặp lại người khác vì bản thân bị thất nghiệp suốt vài tháng qua. Trang mạng xã hội của bạn "đóng rêu" vì bạn dành thời gian cho game, coi phim... 

"Tôi ghét Facebook vì lên đó thấy mọi người đăng những hình ảnh, thông điệp càng tích cực, rạng rỡ thì tôi lại càng thấy hoặc là họ quá giả tạo hoặc là mình quá vô dụng. Trạng thái nào cũng là sự tiêu cực, khiến mình mệt mỏi nên tôi bỏ dùng mạng xã hội luôn. Nào ngờ bây giờ không chỉ mạng xã hội mà tôi cũng không muốn quay lại nhịp sống đời thường khi đang hoài nghi quá nhiều về giá trị bản thân", Hòa thừa nhận.

Bắt đầu bằng các việc nhỏ và hoàn thành

Chia sẻ về câu chuyện trên, Lý Ngô cho rằng việc một số bạn trẻ sau thời gian dài giãn cách có tâm lý ngại "hòa nhập lại", chán ngán việc bước ra đường, giao tiếp với người khác là một triệu chứng bình thường của thói quen.

"Chẳng hạn khi đã quen với cuộc sống an toàn, thân thuộc giữa 4 bức tường thì dĩ nhiên bước ra không gian rộng lớn với nhiều nguy cơ tiềm ẩn về COVID-19 sẽ khiến họ bất an. Và một khi đã là thói quen thì bất kỳ ai cũng cần thời gian để quay lại nhịp sống cũ. Giống như thành phố của chúng ta, trước khi tất cả quán xá được mở cửa trở lại thì trước mắt phải chấp nhận chỉ bán đem đi hoặc dần mở lại", bạn Ngô nói.

Đồng quan điểm, ThS.BS Nguyễn Trung Nghĩa (chuyên khoa tâm thần Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn) cho biết: "Bất cứ sự cố gắng thích nghi nào cũng tạo ra stress và khi đối mặt với stress từ những điều mới mẻ thì mỗi người lại có một cách ứng phó khác nhau. Có người hăm hở lao ra, tò mò tìm hiểu nhưng cũng có người ngần ngại vì họ đã quen (và phần nào thấy thoải mái) với hoàn cảnh cũ".

Theo BS Nghĩa, ba tháng giãn cách là một thời gian đủ dài để hầu hết bạn trẻ quen với nhịp sống giãn cách, nên khi quay lại với cuộc sống "bình thường mới", họ ngần ngại và thậm chí không muốn ra đường nữa. Và việc một số bạn trẻ thất nghiệp, từ đó cảm thấy mất tự tin hòa nhập lại đời thường cũng là điều dễ hiểu. Ông cho rằng việc trì hoãn nhịp sống "bình thường mới" của các cá nhân trên là một phản ứng tâm lý hoàn toàn bình thường.

Tuy nhiên, ông lưu ý nếu những áp lực từ sự thích nghi gây ra các triệu chứng trầm cảm, lo âu, ngại giao tiếp rõ rệt... và ảnh hưởng đến những chức năng quan trọng trong đời sống hay gây ra cảm giác đau khổ, khó chịu thì có thể chẩn đoán họ đang vướng vào "Rối loạn thích ứng" (Adjustment disorder). 

Đây là dạng rối loạn sức khỏe tinh thần xảy ra khi chủ thể phải loay hoay tìm cách thích ứng với một sự kiện mới, thường có yếu tố bất ngờ. 

Cách tốt nhất để trị rối loạn thích ứng là dần làm quen với hoàn cảnh mới, hãy bắt đầu bằng những việc nhỏ. Mỗi khi chúng ta ghi nhận cảm giác "hoàn thành" một việc nhỏ, sự tự tin theo đó sẽ tăng lên.

Tập biết ơn những gì mình đang có

Theo ThS.BS Nguyễn Trung Nghĩa, hãy xác định mục đích sống của bản thân, chấp nhận rằng cuộc sống sẽ khó thể quay lại "bình thường cũ", sẽ có những hạn chế nhất định trong nhiều hoạt động, sẽ có những điều không bao giờ có thể trở về như trước (như việc mất mát người thân)...

"Hãy mở lòng đón nhận tình huống này như một trải nghiệm rất riêng, chưa bao giờ có và tiếp cận với tâm thế trân trọng những điều may mắn và biết ơn những điều mình đang có được (thay vì tiếc nuối về quá khứ hay lo âu tới tương lai). Những điều này sẽ giúp các bạn cảm thấy đủ đầy hơn, từ đó giảm stress và hạnh phúc hơn.

Ngoài ra, liệu pháp ACT (chấp nhận và cam kết) cũng có thể hữu ích". Song song đó, các bạn trẻ nên tìm kiếm sự hỗ trợ của người thân hoặc chuyên gia, làm các bài kiểm tra đánh giá tình trạng sức khỏe tinh thần (PHQ-9, GAD-7...) để có những sự hỗ trợ cần thiết" - ông Nghĩa nói.

Bạn trẻ khắp nơi chuẩn bị sống Bạn trẻ khắp nơi chuẩn bị sống 'bình thường mới'

TTO - Những ngày gần đây, bạn trẻ Sài Gòn đa số không giấu được niềm vui, sự háo hức chờ ngày được quay về nhịp sống đời thường sau nhiều tháng ngày tuân thủ giãn cách xã hội nghiêm ngặt.

CÔNG NHẬT
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên