Thanh tra giao thông kiểm tra một chiếc taxi Uber tại khu vực đường Lê Hồng Phong, Q.5 - Ảnh tư liệu |
Ngày 1-12, trong cuộc họp báo Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường khẳng định dịch vụ Uber là loại hình vận tải bất hợp pháp, trá hình và ẩn chứa nhiều nguy cơ nên không thể được phép hoạt động.
Tư tưởng quản lý cấp tiến và vì lợi tích của xã hội
Thế nhưng tại cuộc họp Ban cán sự Đảng Bộ GTVT ngày 2-12, Bộ Trưởng Đinh La Thăng lại cho rằng “Uber giá thấp hơn taxi thông thường, người dân được hưởng lợi, sao ta không hợp pháp hóa để quản lý, phải bỏ ngay tư tưởng không quản được thì cấm”.
Với ý kiến chỉ đạo cấp tiến này, ông Thăng đã đặt lợi ích của người dân, toàn xã hội lên trên lợi ích của các công ty taxi, chống lại sự trì trệ cố hữu và tư tưởng không quản được thì cấm.
Tuy vậy việc thực hiện chỉ đạo của ông và quản lý được hệ thống Uber không phải là việc dễ dàng.
Uber đem lại nhiều tiện ích nhưng cần phải được quản lý
Với phần mềm ứng dụng thông minh, Uber và các xe hợp tác với Uber đã đem lại nhiều lợi ích cho khách hàng.
Lợi ích thứ nhất là giá cả thấp hơn taxi rất nhiều. Với công nghệ kết nối thẳng xe và hành khách, chi phí hoạt động của các công ty taxi: đã được giảm về gần bằng 0 hay chính xác hơn là bằng chi phí phân bổ của phần mềm Uber cho Việt Nam.
Chi phí xăng, dầu để di chuyện chở khách của xe cũng được giảm đáng kể. Kết quả là giá của Uber thấp hơn giá của taxi rất nhiều.
Hiện tại trong TP.HCM Uber tính 10,000 đồng/km và 600 đồng/phút di chuyển. Tùy quãng đường và tình hình kẹt xe, giá của Uber rẻ hơn giá taxi hãng 20%-45%.
Cũng cần phải nói thêm tuy giá rẻ như vậy nhưng Uber và các chủ xe hoàn toàn có lời, chứ không bù lỗ như nội dung một số bài phân tích.
Theo tôi biết, trung bình một xe Uber đạt doanh số 50-80 triệu đồng/tháng. Phần Uber 20%, phần 80% còn lại chủ xe chi cho tài xế, nhiên liệu, phí bảo trì và còn lại là lời.
Lợi ích thứ hai là xe Uber thường là xe tốt. Chủ các xe này có thể là các công ty vận tải, cho thuê xe tư nhân, cũng có thể là người bình thường có xe, hợp đồng với Uber để chạy thêm trong thời gian xe nhàn rỗi.
Lợi ích thứ ba là chất lượng dịch vụ của tài xế. Nhiều người lo rằng không ai quản lý chất lượng tài xế, nhưng theo tôi, thái độ phục vụ của tài xế xe Uber khá hơn rất nhiều so với mặt bằng chung của tài xế taxi.
Tài xế nào cũng cố gắng phục vụ khách hàng tốt nhất để được khách hàng đánh giá, nhận xét tốt qua từng chuyến đi. Nếu thứ hạng trung bình thấp khách sẽ không gọi, hay sẽ bị chính Uber cắt hợp đồng.
Lợi ích thứ tư là xe chạy an toàn hơn. Mỗi khi đã có khách, phần mềm Uber của tài xế không còn nhận được thông tin nào khác nên họ tập trung phục vụ khách hàng hiện tại.
Thêm vào đó, tài xế không bị áp lực nặng về doanh số và được khách hàng đánh giá nên không chạy nhanh, vượt đường như xe taxi.
Lợi ích thứ năm là Uber thu phí qua thẻ tín dụng. Hành khách không cần phải trả tiền cho tài xế mỗi lần đi, chỉ cần trả sau cho ngân hàng đã cấp thẻ tín dụng cho mình.
Tuy tạo ra nhiều lợi ích cho khách như vậy nhưng các cơ quan chức năng vẫn cần phải quản lý Uber chặt chẽ.
Bên cạnh việc cạnh tranh lành mạnh như tạo ra lợi thế chi phí thấp, những tiện ích khác nhờ phần mềm thông minh, Uber và các xe Uber cũng đang cạnh tranh không lành mạnh.
Họ đang tận dụng lợi thế tạo ra nhờ việc không đăng ký kinh doanh cho từng xe, không mua bảo hiểm cho khách và không đóng thuế cho Nhà nước.
Những việc này là không thể chấp nhận được và vì thế các cơ quan chức năng cần phải lên phương án quản lý Uber càng sớm càng tốt.
Quản lý Uber không dễ dàng
Theo bài báo tiêu đề “Vietnam Considers Legalizing Uber After Declaring Illegal” ngày 2-12 của Bloomberg, trưởng bộ phận thông tin của Uber khu vực Nam Á thể hiện mong muốn hợp tác, cùng làm việc với cơ quan chức năng các nước.
Nếu thật sự như thế thì việc quản lý Uber và các xe Uber trở nên rất đơn giản, chỉ cần Uber gửi báo cáo hằng tuần, hằng tháng cho cơ quan chức năng số các xe đăng ký, số chuyến đi, doanh số tương ứng... thì các cơ quan chức năng có thể yêu cầu các xe đăng ký kinh doanh, mua bảo hiểm cho khách, yêu cầu chủ các xe và Uber đóng thuế và làm các nghĩa vụ tài chính khác đối với Nhà nước.
Việc quản lý sẽ trở nên vô cùng phức tạp nếu các cơ quan chức năng không nhận được báo cáo tổng hợp và chi tiết của Uber.
Khi đó phải tách việc quản lý ra làm hai phần.
Phần một: quản lý các xe chạy cho Uber. Các cơ quan quản lý phải có một chính sách hữu hiệu nhằm “cưỡng chế” sự khai báo và đăng ký của tất cả xe chạy cho Uber.
Xe nào không đăng ký sẽ bị phạt nặng. Việc theo dõi các xe Uber cũng cần phải thiết lập một cách thông minh chứ không thể bằng sức người được.
Phần hai: quản lý Uber. Về nguyên tắc Uber không phải là công ty taxi hoặc công ty kinh doanh vận tải. Uber là một công ty cung cấp dịch vụ phần mềm, thu hộ, chi hộ và chỉ xuất hiện tại Việt Nam qua một “app - phần mềm”.
Điểm mấu chốt để quản lý Uber là sự dịch chuyển của dòng tiền: tiền từ các ngân hàng của khách hàng chuyển về các ngân hàng chỉ định của Uber.
Để quản lý được Uber và chống thất thu thuế, các cơ quan chức năng cần phải kiểm soát được dòng tiền này.
Kết luận, Uber là một ví dụ tuyệt vời trong việc ứng dụng công nghệ để gia tăng giá trị cuộc sống. Chúng ta không thể cấm cản trào lưu mới này.
Vấn đề là các cơ quan quản lý phải năng động, sáng tạo để có thể theo kịp và quản lý hiệu quả những loại hình, cách thức kinh doanh mới này nhằm đem lại lợi ích cho toàn xã hội.
* Bài viết thể hiện ý kiến của tác giả
Theo bạn, Uber đem lại những lợi ich gì? Những cách thức để có thể quản lý dịch vụ mới này? Bạn lo ngại điều gì khi Uber được sử dụng phổ biến. Hãy chia sẻ qua địa chỉ tto@tuoitre.com.vn hoặc phần Ý kiến bạn đọc ngay dưới bài. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận