21/12/2014 09:48 GMT+7

​Quán “cà phê việc làm” của Khánh

YẾN TRINH
YẾN TRINH

TT - 18g, tại quán cà phê Việc Làm (Biên Hòa, Đồng Nai) diễn ra sự lạ: thay vì ngồi uống cà phê, khách lại ngồi say sưa nghe chủ quán - chị Mai Kim Khánh (35 tuổi) - nói về cách tìm cho mình một việc làm phù hợp như thế nào...

Những bạn trẻ nhút nhát, ngại ngần sau thời gian trao đổi đã thoải mái bộc lộ ý định xin việc làm của mình từ sự gợi ý của chị Khánh. Mở quán mới ba tháng nhưng chị tối nào cũng “bở hơi tai” vì liên tục làm cố vấn tìm việc cho khách đến quán.

“Phải chú ý từ tấm hình”

* Bên cạnh việc bán nước, quán còn treo bảng thông báo tin tuyển dụng lao động của các công ty trong và ngoài tỉnh, tư vấn nghề nghiệp cho khách có nhu cầu tìm kiếm việc làm. Khách đến quán nhiều độ tuổi và từ các nơi khác tới chứ không chỉ trong phạm vi TP Biên Hòa.

Tôi thấy quán còn có câu lạc bộ tiếng Anh vào một số buổi tối trong tuần rất thú vị. Có cái quán như vậy rất ý nghĩa, cần được nhân rộng.

Ông PHẠM VĂN PHỤ 
(trưởng KP1, P.Thống Nhất)

* Tốt nghiệp trung cấp cuối năm 2012, tôi đi tìm việc làm với sự bỡ ngỡ lo lắng và trải qua vài công việc không đúng với chuyên môn mình học.

Chị Khánh giúp tôi tự tin hơn, hướng dẫn tôi cặn kẽ những điều cần thiết khi xin việc. Sau đó tôi nộp hồ sơ, trả lời phỏng vấn một cách thoải mái.

Tôi cũng không ngờ khả năng của mình có thể làm tốt như thế. Người mới vào đời như chúng tôi nhận được sự giúp đỡ tận tình của chị Khánh là một điều may mắn.

Chị ĐẬU THỊ LAN (23 tuổi, nhân viên phòng nhân sự  Công ty TNHH Sao Xanh, P.Tam Phước, Biên Hòa) 

 

Nguyễn Hoàng Quân (24 tuổi) và Lê Thị Kim Anh (22 tuổi) tìm đến quán chị Khánh khá trễ vì vừa xong ca bán hàng cho một shop quần áo.

Quân tốt nghiệp Đại học Tài chính - marketing TP.HCM hơn một năm nhưng chưa có việc làm. Tìm việc ở TP.HCM không được, Quân về Biên Hòa nộp hồ sơ để đi làm gần nhà nhưng chưa có công ty nào nhận.

“Em đã cố gắng làm một bộ hồ sơ tươm tất nhưng không hiểu sao một số nơi không gọi đến phỏng vấn, có nơi phỏng vấn xong... im lặng luôn” - Quân nói. Còn Kim Anh lo lắng vì ra trường còn trẻ măng, chưa có kinh nghiệm.

Hỏi chuyện và biết Quân nộp hồ sơ mà không chăm chút hình thức trình bày lẫn nội dung, chị Khánh bắt đầu hướng dẫn viết lại.

Chỉ vào một hồ sơ online lưu trong máy tính của mình, chị nhắc: “Điều em phải chú ý đầu tiên là tấm hình chân dung. Không nên để hình thẻ nhìn rất chán. Như bạn trong hình này, chụp trong trang phục khỏe khoắn, phông nền là cảnh tự nhiên, mặt hơi nghiêng, cười tươi để tạo thiện cảm với nhà tuyển dụng. Phía dưới hình là thông tin cá nhân, nên để hai số điện thoại để nhà tuyển dụng dễ liên hệ”.

Về thể hiện nội dung, chị gợi ý nên để điểm mạnh của mình lên trước, nhất là kinh nghiệm và thành tích.

Chị nói: “Một số bạn mới ra trường thường để trống phần kinh nghiệm vì nghĩ mình không có. Nhưng việc bạn làm lớp trưởng, trưởng câu lạc bộ... chính là kinh nghiệm quản lý; việc đi phụ bán quần áo, làm tình nguyện viên... là kinh nghiệm truyền thông. Bạn chỉ cần biết cách thể hiện trong hồ sơ” - chị Khánh chia sẻ.

Nghe vậy, Kim Anh mới vỡ lẽ là mình đầy kinh nghiệm vì thời sinh viên tham gia nhiều hoạt động, lại từng là lớp trưởng. Sau đó, chị Khánh nói thêm về cách soạn email để gửi hồ sơ, cả cách đặt tiêu đề và nên ghi những gì để dễ được nhà tuyển dụng vừa ý... 

“Mê” giúp thiên hạ

Để có mặt ở cà phê Việc Làm lúc gần 18g và ở suốt tới 21-22g, sau khi kết thúc công việc ở phòng nhân sự một công ty tại Long Thành (Đồng Nai) là chị Khánh phải chạy xe máy 30km về quán. Chị bảo mối quan tâm của chị với chuyện tìm việc của các bạn trẻ đã có từ cách đây chục năm, xuất phát từ những nhọc nhằn của chính mình.

Lúc đó chị cũng lận đận tìm việc, trải qua nhiều công việc, chị tình cờ rẽ qua làm việc ở lĩnh vực nhân sự.

“Chứng kiến nhiều bạn không có việc làm, hồ sơ “rớt từ vòng gửi xe”, hoặc vất vả đến các trung tâm giới thiệu việc làm để đợi việc, tốn tiền... tôi thấy rất thương vì lẽ ra với trình độ các bạn, công việc với mức lương tốt là điều trong tầm tay” - chị nói.

Chuyện việc làm cuối cùng cũng vì miếng cơm manh áo, một con người từ trường học bước vào trường đời mà tìm được việc ưng ý sẽ tránh được sự đổ vỡ niềm tin, sẽ tha thiết sống và cống hiến. Chị Khánh giống như một nhịp cầu, hơi lẻ loi, tìm kiếm và kết nối những cơ hội lại với nhau.

Thời gian trước khi mở quán, chị biết một số bạn trẻ muốn tìm việc nên đã chủ động liên hệ và hẹn gặp để giới thiệu việc cho họ. Nhưng nhiều người lại tưởng chị... bán hàng đa cấp nên rất e dè.

Chị kể: “Vậy là tôi nghĩ đến chuyện mở quán cà phê để mọi người có nơi gặp nhau, giải đáp tâm tư thắc mắc, tìm được việc phù hợp. Tôi không cung cấp sẵn công việc cho họ, chỉ đăng thông tin của các nhà tuyển dụng, rồi hướng dẫn cách nộp hồ sơ để dễ được chú ý”.

Chị chọn mở quán trong con đường nhỏ yên tĩnh là để không khí trao đổi với các bạn thoải mái, “hơn nữa giá nước uống thấp, phù hợp túi tiền người đang tìm việc”.

Chị không ngờ quán mới mở nhưng từ ngày đầu đã có người tới hỏi về việc làm. Dần dần lượng người đông hơn, trung bình mỗi đêm chị trò chuyện với 7-8 người, trẻ có, lớn tuổi cũng có.

Sau này chị nghĩ ra cách gom những người tới tìm việc và muốn được hướng dẫn làm hồ sơ xin việc lại một nhóm để truyền đạt đỡ mất thời gian.

Còn những ai sắp đi phỏng vấn, chị trò chuyện riêng để cung cấp đầy đủ kỹ năng cần thiết. Tất cả những gì chị truyền đạt đều miễn phí.

Sự đồng cảm từ thân phận

Làm việc nhiều và còn phải chăm sóc mái ấm của mình nhưng Khánh nói chị thấy rất vui, xem chuyện ngồi trò chuyện với mọi người là một trách nhiệm của đời sống. Thậm chí thứ bảy được nghỉ một buổi ở công ty nhưng chị cũng ra quán làm “tư vấn viên”.

Trên gương mặt chị, đôi mắt có lẽ được người ta nhớ nhất bởi những ánh sáng tha thiết vì thân phận người khác luôn lấp lánh.

Chị bộc bạch: “May mắn là chồng tôi rất ủng hộ chuyện tôi làm. Anh cũng đi làm cả ngày nhưng tối đến về chăm sóc con để tôi có thời gian làm “Khánh bao đồng” - mấy người bạn gọi tôi vậy đó!”.

Chị nói sau này sẽ cố gắng biến “cà phê Việc Làm” thành chuỗi quán để giúp nhiều người tìm việc vì sau ba tháng mở quán cà phê Việc Làm này, chị đã giúp được 50 khách có việc làm khác nhau tùy theo trình độ. Và điều đó chính là niềm vui và động lực để chị tiếp tục cuộc hành trình của mình.

Mai Kim Khánh (thứ hai từ trái qua) chia sẻ cách viết hồ sơ xin việc cho các bạn đến quán cà phê Việc Làm - Ảnh: Y.Trinh
Mai Kim Khánh (thứ hai từ trái qua) chia sẻ cách viết hồ sơ xin việc cho các bạn đến quán cà phê Việc Làm - Ảnh: Y.Trinh

Mai Kim Khánh sinh ra trong gia đình nghèo, ba mất sớm. Từ lúc 15 tuổi chị đã vừa đi học vừa đi bán bánh mì để kiếm tiền lo việc học. Học xong phổ thông, thi đậu Đại học Luật TP.HCM nhưng là chị lớn trong nhà nên đành bỏ dở dang để kiếm việc làm.

Rồi chị đi học trung cấp về công nghệ thông tin, nhưng học xong không có việc làm. Vất vả làm đủ việc để nuôi thân, cuối cùng chị được bạn bè giới thiệu về phòng nhân sự một công ty ở Long Thành (Đồng Nai).

Hơn chục năm làm trong lĩnh vực này, chị hiểu rõ cách thức tuyển dụng của các công ty, cách để hồ sơ xin việc được chú ý, làm thế nào để vượt qua vòng phỏng vấn...

Chị chia sẻ: “Trong những lần trò chuyện với các bạn, tôi luôn cố gắng để các bạn hiểu một điều: Nhảy việc quá nhiều, tìm kiếm công việc lương cao nhưng không phù hợp hoặc điều kiện làm việc chưa tốt thì không nên. Điều cần thiết là mình phải yêu công việc đó, vì làm việc là một trong những ý nghĩa của cuộc sống”.

YẾN TRINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên