Nên tạo thói quen đọc sách từ nhỏ vì nó giúp hình thành nhân cách và tư duy sáng tạo cho trẻ - Ảnh: DUYÊN PHAN
Đó là một trong nhiều câu chuyện được đưa ra trong tọa đàm "Thói quen đọc sách góp phần hình thành nhân cách cho học sinh như thế nào?" do Hội Xuất bản Việt Nam phối hợp cùng Sở GD-ĐT TP.HCM và Thành đoàn TP.HCM tổ chức vào sáng 27-8.
Từ kiêu ngạo đến nhường giải cho bạn
Trình bày tham luận tại tòa đàm, cô Nguyễn Thị Ngọc Hạnh - giáo viên Trường tiểu học Triệu Thị Trinh (Q.10, TP.HCM) - nhớ lại, trong một lần mang đồ ăn tự làm cho học sinh, 2 bạn nhỏ tò mò đã đến hỏi thăm cô cách làm. Sau khi biết cô học từ sách, 2 bạn hỏi xin mượn về nhà cho mẹ mình xem qua.
Sáng hôm sau, mẹ của 2 em khoe với cô, chính các con là người đọc các quyển sách đó rồi kể lại từng chút cho mẹ nghe. Thế là cô tiếp tục cho các em mượn nhiều quyển khác, và đặt ra nhiệm vụ các em phải trao đổi với cô vào giờ ra chơi hoặc với mẹ ở nhà về nội dung từng quyển sách.
Cô Hạnh đánh giá kết quả rất tích cực sau khoảng thời gian dài thực hiện. Trong trường, 2 em tham gia các hoạt động của lớp, của trường tích cực hơn, khi ở nhà lại biết phụ mẹ, biết yêu kính người lớn, ngoan hơn và biết nhận lỗi, sửa lỗi chứ không như lúc trước vùng vằng không vui khi được góp ý hay làm sai.
"Giờ đây, 2 em đang học lớp 8 và đã biết tự tìm sách cần thiết cho mình. Trong cuộc thi Lớn lên cùng sách của Q.10 năm ngoái, 2 em cũng đã đạt giải nhất và giải nhì" - cô Hạnh nói.
Cô Đỗ Hoàng Mai trình bày phần tham luận tại buổi tọa đàm - Ảnh: DUYÊN PHAN
Tương tự, cô Đỗ Hoàng Mai - giáo viên Trường tiểu học Trần Văn Ơn (Q.11, TP. HCM) - cho biết trong quá trình giảng dạy, cô thường chủ động tận dụng khoảng thời gian rảnh để cho các em đọc sách, đôi lúc tự mình đọc cho các em nghe những câu chuyện sách hay.
Sau khi kiên trì thực hiện, cô Mai chứng kiến các em đã ứng xử tích cực đối với bạn bè, lễ phép hơn, trật tự, vệ sinh, ngăn nắp, đúng giờ hơn… "Một sự lớn nhanh về nhân cách" - cô Mai nói.
Cô kể, trong một lần chọn ra 3 em học sinh đứng đầu lớp nhận giải thưởng Đội cuối năm, một học sinh lớp cô đạt giải đã tự nguyện nhường cho bạn đồng hạng làm nhiều người bất ngờ. Đáng nói, học sinh này cũng là một trong những em đọc nhiều sách nhất lớp trong năm học, đặc biệt đam mê các quyển "Những câu chuyện đạo đức", "Quà tặng cuộc sống".
"Đó là sự thay đổi lớn, vì đầu năm em đã không được lòng các bạn trong lớp và không được bầu làm lớp trưởng vì tính kiêu ngạo của mình" - cô Mai kể.
Cà phê sách, trà sữa sách, bánh tráng trộn sách
Cô trò cùng nhau tham khảo các cuốn sách được trưng bày tại buổi tọa đàm - Ảnh: DUYÊN PHAN
Cô Nguyễn Thu Hà - giáo viên ngữ văn Trường THPT Võ Trường Toản (Q.12, TP.HCM) - kể: Do gia đình có một quán cà phê sách nho nhỏ, cô nảy ra ý tưởng "dụ" học sinh của mình đọc sách bằng cách nếu đến đọc và tóm tắt được một quyển sách sẽ được thưởng một ly thức uống tự chọn của quán.
Cô Hà nói lúc đầu nhiều học sinh đến với cà phê của mình chỉ để uống nước "miễn phí" khi chỉ cần "cố" đọc cho xong một quyển sách.
Lâu dần, cô Hà nhận thấy dần dần nhiều em đã "nghiện" quán của mình bởi "nghiện" đọc sách. Thậm chí, các em còn chủ động tìm những quyển sách hay đem đến góp vào "thư viện" nhỏ của quán.
"Nhiều em nói với tôi rằng: Bây giờ tụi con đến không phải để được uống nước của quán cô nữa mà là để được đọc sách!" - cô Hà kể.
Thấy thành công, cô Hà "lấn tới" tiếp tục với những ý tưởng khác như "trà sữa sách", "bánh tráng trộn sách" vào giờ chơi trên trường. Cứ thế, quen dần, bánh tráng trộn, trà sữa trong tay cô Hà không còn là thực phẩm đơn thuần mà đã trở thành món ăn tinh thần, nhu cầu giải trí đối với nhiều học sinh.
Ông Lê Hoàng - phó chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam - phát biểu tại buổi tọa đàm "Thói quen đọc sách góp phần hình thành nhân cách cho học sinh như thế nào?" - Ảnh: DUYÊN PHAN
Trong khi đó, cô Nguyễn Thị Mỹ - Trường THCS và THPT Đinh Thiện Lý (Q.7) - cho biết dù trường đã chủ động có tiết đọc sách đầu giờ cho học sinh, nhưng bên cạnh nhiều em hứng thú thì vẫn có không ít bạn trông chờ thời gian đọc qua mau.
Sau khi trăn trở, cô Mỹ tổ chức chương trình "Cùng đọc, cùng chia sẻ", cho học sinh vẽ và dán một cây sồi thật to trên tường của lớp. Mỗi bạn sẽ được phát nhiều quả sồi làm bằng giấy, ai đọc được cuốn sách nào hãy viết tóm tắt, cảm nghĩ hay điều tâm đắc về cuốn sách đó vào trái sồi và treo lên cây.
Ý tưởng này tưởng chừng đơn giản lại tạo ra sức hút mạnh mẽ cho học sinh khi các em đều muốn những quả sồi của mình được xuất hiện giữa lớp. "Chỉ sau một học kỳ cây sồi của lớp đã trĩu quả. Kể cả những bạn trước kia ít đọc sách thì bây giờ cũng góp phần quả của mình vào cây sồi kia" - cô Mỹ nói.
Sách giúp vượt qua tự ti
Em Nguyễn Phương Anh tự tin trình bày về thói quen về việc đọc sách và lợi ích mà việc đọc sách mang lại tại buổi tọa đàm - Ảnh: DUYÊN PHAN
Từ nhỏ, mình bị hội chứng rối loạn sắc tố da, chỗ nào bị thì da chuyển trắng, chỗ nào không bị thì đen. Bệnh của mình rất hiếm gặp và khó điều trị, càng lớn, mình càng tự ti về nó.
Khi đọc cuốn sách "Vượt lên chính mình", mình nhận thấy họ thật phi thường, khả năng chịu đựng và vượt qua thử thách bản thân của họ làm mình phải nể phục: Họ bị bệnh nguy hiểm tới tính mạng, bị suy giảm trí nhớ, bị trầm cảm, bị mất một cái tay nhưng tất cả đều không ngăn cản họ đến với một tương lai tươi sáng.
Mình đọc, suy ngẫm và so sánh. Mình bị bệnh không nguy hiểm đến tính mạng, bệnh này không làm giảm trí nhớ của mình, mình tự ti chưa đến mức trầm cảm và mình không hề mất một cái tay hay cái chân nào. Mình lành lặn. Chỉ là một vấn đề rất nhỏ so với họ. "Vậy thì mình buồn và tự ti để làm gì nhỉ?".
Nguyễn Phương Anh, THPT Lê Quý Đôn (Q.3, TP.HCM)
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận