25/09/2021 11:55 GMT+7

QUAD tập trung vắc xin nhưng không quên Biển Đông, biển Hoa Đông

DUY LINH
DUY LINH

TTO - Tuyên bố chung của các nhà lãnh đạo Mỹ, Nhật, Úc và Ấn Độ nhấn mạnh sẽ tiếp tục hỗ trợ vắc xin cho Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và ủng hộ giải quyết các tranh chấp bằng hòa bình, theo luật quốc tế.

QUAD tập trung vắc xin nhưng không quên Biển Đông, biển Hoa Đông - Ảnh 1.

Các nhà lãnh đạo Mỹ, Úc, Nhật và Ấn Độ tại cuộc họp thượng đỉnh của nhóm QUAD ngày 24-9 ở Nhà Trắng (Mỹ) - Ảnh: REUTERS

Mỹ, Nhật Bản, Úc và Ấn Độ nằm trong cơ chế đối thoại an ninh 4 bên nên còn gọi là QUAD hoặc "Tứ giác kim cương", vì các đường trên bản đồ nối thủ đô của 4 nước có hình giống 1 viên kim cương.

Tuyên bố chung của QUAD được đưa ra sau cuộc họp bắt đầu lúc chiều tối 24-9 (giờ Mỹ) tại Nhà Trắng, tức rạng sáng 25-9 theo giờ Việt Nam.

1 tỉ liều vắc xin cho khu vực và thế giới

Tổng thống Mỹ Joe Biden, Thủ tướng Úc Scott Morrison và hai người đồng cấp Suga Yoshihide của Nhật, Narendra Modi của Ấn Độ đã tham dự trực tiếp cuộc họp.

Tại cuộc họp của QUAD, ngoài nước chủ nhà Mỹ, các nhà lãnh đạo ba nước còn lại đã nêu bật những cam kết và đóng góp cho cuộc chiến chống COVID-19 tại Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Theo đó, thông qua QUAD Vaccine Partnership - một cơ chế của QUAD nhằm hỗ trợ các hãng dược - Ấn Độ sẽ sản xuất ít nhất 1 tỉ liều vắc xin COVID-19 "an toàn và hiệu quả" từ cuối năm nay. Số vắc xin này sẽ tỏa đi khắp Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và thế giới trước cuối năm 2022.

Thủ tướng Ấn Độ cũng thông báo nước này sẽ nối lại xuất khẩu vắc xin COVID-19 bắt đầu từ tháng 10-2021 sau gần 6 tháng đình chỉ.

Trong khi đó, Nhật Bản cho biết sẽ tiếp tục giúp các đối tác trong khu vực mua vắc xin thông qua chương trình "Vay hỗ trợ khẩn cấp ứng phó khủng hoảng COVID-19" trị giá 3,3 tỉ USD.

Úc sẽ cung cấp 212 triệu USD viện trợ không hoàn lại để mua vắc xin cho Đông Nam Á và các đảo quốc Thái Bình Dương. 

Ngoài ra, Canberra cũng sẽ phân bổ 219 triệu USD cho chương trình phân phối vắc xin đến các vùng khó khăn trong khu vực.

QUAD tập trung vắc xin nhưng không quên Biển Đông, biển Hoa Đông - Ảnh 2.

Thủ tướng Ấn Độ Modi trò chuyện với Phó tổng thống Mỹ Kamala Harris tại Nhà Trắng ngày 24-9 - Ảnh: REUTERS

"QUAD là lực lượng vì hòa bình"

Về những vấn đề khu vực, các nhà lãnh đạo cam kết tiếp tục hỗ trợ các quốc đảo Thái Bình Dương, nhắc lại yêu cầu đối với lực lượng Taliban tại Afghanistan, kêu gọi Triều Tiên tuân thủ các nghĩa vụ quốc tế và "tham gia vào một cuộc đối thoại thực chất".

"Chúng tôi nhận ra tương lai chung của chúng ta sẽ được viết ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Chúng tôi sẽ nỗ lực gấp đôi để đảm bảo QUAD là lực lượng vì hòa bình, ổn định, an ninh và thịnh vượng trong khu vực.

Vì những lẽ đó, chúng tôi sẽ tiếp tục ủng hộ việc tuân thủ luật pháp quốc tế, đặc biệt những gì đã được phản ánh trong Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển, để đối phó những thách thức đối với trật tự hàng hải dựa trên luật lệ ở Biển Đông và biển Hoa Đông", một đoạn tuyên bố chung nêu rõ.

Trước đó, trong phần đầu của tuyên bố chung, các nhà lãnh đạo đã bày tỏ sự ủng hộ đối với ASEAN và Tầm nhìn của ASEAN về Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, hoan nghênh chiến lược hợp tác của Liên minh châu Âu tại khu vực.

Các nhà lãnh đạo cũng cho biết sẽ tìm kiếm cơ hội hợp tác mới và "chia sẻ dữ liệu vệ tinh cho các mục đích hòa bình như giám sát biến đổi khí hậu, ứng phó và chuẩn bị cho thiên tai, khai thác bền vững đại dương và tài nguyên biển, cũng như ứng phó với các thách thức chung".

Mặc dù không nhắc đến quốc gia nào hay liệt kê các "thách thức" tại Biển Đông và biển Hoa Đông, phần nội dung này được cho là nhắm tới Trung Quốc.

Bắc Kinh đã đưa ra các yêu sách hàng hải và lãnh thổ trên cả Biển Đông lẫn biển Hoa Đông, đồng thời phản đối các nước bên ngoài khu vực can dự vào những vấn đề này. Trung Quốc cũng luôn xem QUAD là "một tập hợp chống Trung Quốc" kể từ khi cơ chế này được tái lập năm 2017.

Tuyên bố chung của QUAD đã vạch ra những lĩnh vực và khu vực mà nhóm nước này sẽ cạnh tranh với Trung Quốc. Đó là: vắc xin COVID-19, công nghệ mới nổi và chất bán dẫn, cơ sở hạ tầng, tranh chấp ở Biển Đông và biển Hoa Đông, ảnh hưởng tại khu vực Thái Bình Dương.

Bốn nhà lãnh đạo nhấn mạnh sẽ lập bản đồ nhu cầu cơ sở hạ tầng trong khu vực, thúc đẩy phát triển cơ sở hạ tầng nhưng phải bền vững và mong muốn hợp tác với các đối tác "cùng chí hướng".

Các nhà lãnh đạo QUAD thống nhất đưa cuộc họp thượng đỉnh thành sự kiện thường niên.

QUAD triển khai tầm nhìn châu Á QUAD triển khai tầm nhìn châu Á

TTO - Trong khi những ồn ào quanh thỏa thuận AUKUS chưa lắng xuống, cuộc họp thượng đỉnh Bộ tứ kim cương (QUAD) giữa Mỹ, Úc, Ấn Độ, Nhật Bản tại Nhà Trắng có thể là sự kiện quan trọng bậc nhất liên quan đến tương lai của Mỹ ở châu Á.

DUY LINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên