Phó tổng thống Mỹ Kamala Harris trong cuộc gặp với Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi trên bancông tòa nhà Văn phòng điều hành Eisenhower tại khu phức hợp Nhà Trắng ở Washington, Mỹ ngày 23-9 - Ảnh: REUTERS
Ngày 23-9, Phó tổng thống Mỹ Kamala Harris cho biết bà hoan nghênh thông báo của Ấn Độ về việc quốc gia Nam Á này sẽ nối lại việc xuất khẩu vắc xin COVID-19, theo Hãng tin Reuters.
"Khi Ấn Độ trải qua tình trạng tăng vọt ca nhiễm COVID-19 trong nước, Mỹ rất tự hào ủng hộ Ấn Độ về sự cần thiết và trách nhiệm tiêm chủng cho người dân của họ. Và tôi hoan nghênh việc Ấn Độ thông báo sẽ sớm xuất khẩu vắc xin trở lại" - bà Harris phát biểu trong cuộc gặp Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tại Mỹ.
Ấn Độ là nhà sản xuất vắc xin lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, họ đã ngừng xuất khẩu vắc xin COVID-19 vào tháng 4 năm nay để tập trung tiêm chủng cho người dân trong nước khi số ca nhiễm tăng vọt.
Đầu tuần này, Bộ trưởng Y tế Ấn Độ Mansukh Mandaviya cho biết nước này sẽ xuất khẩu vắc xin COVID-19 trở lại vào cuối năm nay, ưu tiên cho cơ chế chia sẻ vắc xin toàn cầu COVAX và các nước láng giềng trước, khi nguồn cung tăng lên.
Bộ trưởng Mansukh Mandaviya cho biết số lượng vắc xin sản xuất hằng tháng của Ấn Độ đã tăng hơn gấp đôi và dự kiến sẽ tăng gấp bốn lần, lên hơn 300 triệu liều vào tháng 10.
Ông nói thêm, tổng sản lượng có thể đạt 1 tỉ liều trong 3 tháng cuối năm 2021, khi các loại vắc xin mới từ các công ty như Biological E có thể sẽ được phê duyệt.
Trước khi ngừng xuất khẩu hồi tháng 4, Ấn Độ đã tặng hoặc bán tổng cộng 66 triệu liều vắc xin COVID-19 cho gần 100 quốc gia, theo Đài CNN.
CEO Moderna: COVID-19 kết thúc trong một năm tới
Trả lời phỏng vấn báo Neue Zuercher Zeitung (Thụy Sĩ), giám đốc điều hành (CEO) Công ty dược phẩm Moderna (Mỹ) Stephane Bancel cho rằng đại dịch COVID-19 có thể kết thúc trong một năm tới, khi việc tăng cường sản xuất vắc xin giúp đảm bảo nguồn cung toàn cầu.
"Sự mở rộng năng lực sản xuất toàn ngành trong 6 tháng qua sẽ giúp cung cấp đủ liều vắc xin COVID-19 vào giữa năm tới để mọi người trên Trái đất có thể được tiêm vắc xin. Mũi tiêm tăng cường cũng có thể được thực hiện ở mức độ cần thiết" - ông Stephane Bancel cho biết.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận