20/08/2013 08:04 GMT+7

Quá tệ hại!

TRẦN HỮU TÁ
TRẦN HỮU TÁ

TT - Tôi giở chồng báo cũ để tìm lại một tin rất quan trọng: “Thủ tướng đã phê duyệt đề án kiên cố hóa trường học từ nay đến năm 2012 với tổng vốn đầu tư 25.200 tỉ đồng, trong đó khoảng 22.400 tỉ đồng để xây 141.300 phòng, xóa phòng học tạm thời và khắc phục tình trạng học ba ca. Và khoảng 2.800 tỉ đồng để xây nhà công vụ cho giáo viên” (Sài Gòn Giải Phóng 13-3-2008).

Quả là tin vui lớn, thể hiện nhận thức đúng và quyết tâm cao của Chính phủ, trong hoàn cảnh nước ta còn nghèo, năm nào ngân sách cũng lâm vào tình trạng bội chi. Từ thông tin trên có thể suy ra: từ năm học 2013 này trở đi, về cơ bản cả nước không phải lo về vấn đề cơ sở trường lớp. Thế nhưng tình hình thực tế lại hoàn toàn trái ngược. Sắp khai giảng năm học mới, nhưng nếu theo dõi các phương tiện truyền thông, bất cứ ai quan tâm đến giáo dục đều bị sốc, rất sốc!

Trên màn hình VTV, chỉ với số phút ít ỏi dành cho giáo dục trong hai buổi thời sự chính (sáng và tối), các phóng viên của đài đã ghi lại nhiều khuôn hình khốn khổ các lớp học vùng sâu, vùng cao Tây Bắc, Việt Bắc, Trung Trung bộ: không phải gạch ngói vững vàng mà là tranh tre nứa lá tạm bợ. Mái trường thủng lỗ chỗ, cửa sổ và cửa ra vào không có, chỉ gác sơ ngang dọc bằng những đòn tre. Mưa gió vùng cao tha hồ lùa vào lớp và thầy trò lãnh đủ. Không quá lời, có thể nói chuồng nuôi trâu bò còn được bà con che chắn kín đáo hơn nhiều.

Trên trang mạng “trandangtuan.com”, chị Đỗ Hương Giang - một cô giáo Hà Nội - trong bài viết “Tạm biệt con gái yêu, mẹ đi theo cơm có thịt” (một hoạt động nhân đạo do nhà báo Trần Đăng Tuấn khởi xướng để cải thiện bữa ăn cho các cháu học sinh vùng cao) đã làm không ít người rơi nước mắt về thực trạng sinh hoạt, học hành của học sinh tiểu học ở Pa Cheo, Dền Thàng, Tà Lèng, Pờ Sì Ngài... thuộc tỉnh Lào Cai: trường lớp thiếu, những cái đang có lại quá sập sệ, nhà công vụ cho giáo viên xa nhà lại càng không có.

Báo ngày, báo tuần, báo cách nhật thì... khỏi nói. Chỉ điểm qua một bài viết của nhà báo Thúy Hằng (Tuổi Trẻ 19-8-2013) người đọc đã được chứng kiến một bức tranh không mấy sáng sủa về cơ sở trường lớp không phải ở một mà ở nhiều vùng thuộc đồng bằng sông Cửu Long: Long An, riêng bậc học mầm non, còn tới 933 phòng học cấp 4, 127 phòng học nhờ trường tiểu học. Tiền Giang còn 223 phòng học tạm thời, 42 phòng học mượn. Ở điểm trường ấp Thạnh Thới phải dồn 35 học sinh vào phòng học chỉ rộng khoảng 30m2. Tại điểm trường ở ấp Thạnh An, giáo viên phải phủ một lớp bạt lên nền gạch ẩm thấp để gần 40 học sinh ngồi học. Trường tiểu học Nhà Dài (thị trấn Thủ Thừa), nhiều phòng cửa đã mục, mái đã thủng... Nghĩa là những phòng ấy trong mùa bão lũ ghê gớm năm nay có nguy cơ sập đổ bất cứ lúc nào.

Không hiểu việc chuẩn bị cho năm học mới ra sao mà ở nhiều địa phương, tình trạng trường lớp - một trong những điều kiện sống của hoạt động giáo dục - lại tệ hại đến thế.

Có thể nghĩ đến vấn đề eo hẹp về kinh phí, nhưng có thật đấy là nguyên nhân duy nhất? Nhiều tỉnh Cà Mau, Sóc Trăng, Bạc Liêu... nơi nào cũng thoải mái chi tiền tỉ để trang bị máy tính bảng hạng sang, trên dưới 20 triệu đồng/chiếc cho các dân biểu. Và thật hài hước, nhiều đại biểu (ở Cà Mau chẳng hạn) chưa biết sử dụng thiết bị hiện đại này (Người Lao Động 9-7-2013).

Cứ nghĩ lẩn thẩn: nếu những món tiền khủng, đẫm mồ hôi của nhân dân ấy được dùng để tôn tạo, sửa chữa, xây mới trường lớp, bức tranh năm học mới chắc sẽ tươi sáng hơn nhiều.

Xin kiến nghị: có thể chậm - nhưng chậm còn hơn không, lãnh đạo Bộ GD-ĐT, lãnh đạo Đảng và chính quyền của cả 63 tỉnh thành nên tiến hành một hoạt động đột xuất nhưng rất cần - cần như chống lũ, bão: kiểm tra rốt ráo việc chuẩn bị cho năm học mới. Kiểm tra về nhiều phương diện, tất nhiên, nhưng xin hãy đặc biệt quan tâm đến cơ sở vật chất (trường, lớp, bàn ghế, bảng đen, nhà công vụ cho giáo viên) nhất là ở các trường vùng cao, vùng sâu, vùng vừa bị thiên tai chà xát. Kiểm tra để rồi có sự tiếp sức hết sức cụ thể cho những nơi quá khó khăn. Không khắc phục điểm yếu “chết người” này, quả là có lỗi với nhân dân.

TRẦN HỮU TÁ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên