11/09/2013 09:04 GMT+7

Qua sông coi Mèo đi hia

MAI HƯƠNG
MAI HƯƠNG

TT - Để có được một suất xem phim 3D vào ngày cuối tuần ở những cụm rạp nổi tiếng tại TP.HCM, người xem phải bỏ ra 200.000-220.000 đồng/ vé. Cộng thêm tiền nước ngọt, bắp rang, phụ huynh đi kèm, để cho con trẻ thỏa niềm đam mê phim ảnh, cha mẹ phải có ít nhất 500.000 đồng mới dám đưa con đến rạp.

jITHDUZm.jpgPhóng to
Một buổi phát thức ăn miễn phí tại cổng Bệnh viện Ung bướu TP.HCM - Ảnh: Hoàng Điệp

Ước mơ có vẻ càng xa vời hơn khi với những gia đình nghèo, nửa triệu bạc có thể là tiền ăn cho cả gia đình trong nửa tháng. Vậy mà cũng có ngày con nít nhà nghèo, trẻ lang thang cơ nhỡ ở tận những xã xa của huyện Nhà Bè, Cần Giờ... hăm hở đi đò qua sông, đến Nhà Thiếu nhi huyện coi phim 3D miễn phí.

“Con thích coi Mèo đi hia!”

Còn vài bữa nữa là đến ngày khai giảng năm học mới, khuôn viên Nhà Thiếu nhi huyện Nhà Bè vẫn khá nhộn nhịp. Nhiều em tranh thủ mấy ngày hè còn sót lại để chạy lên xin mấy cô, mấy chú cho coi phim.

Lần đầu tiên coi phim 3D, bé Lê Hoàng Hạnh Vy, học sinh lớp 3 Trường tiểu học Nguyễn Trực, vô cùng thích thú: “Mới đầu con nhìn lên màn hình thấy bình thường hà, nhưng khi con đeo kính vô thì khác liền. Con thấy mấy con vật như sắp chạy ào tới chỗ con ngồi. Con thích coi phim Mèo đi hia nhất. Con cũng thích phim Đôrêmon nữa...”.

Em Nguyễn Thị Mỹ Huyền, học sinh lớp 7 Trường Nguyễn Bỉnh Khiêm, khoe: “Con vô đây coi phim 3D tới năm lần rồi. Khoái nhất là phim Chú rùa phiêu lưu ký, Cuộc phiêu lưu của chú gấu Pooh, Alice lạc vào xứ sở thần tiên..., coi hoài cũng hổng thấy chán”. Đứng cạnh con gái, anh Trần Văn Hiếu bộc bạch: “Hồi trước thấy con ham, có lần tui dắt nó vô siêu thị Lottle bên quận 7 coi phim, giá vé mắc quá. Từ khi nhà thiếu nhi huyện chiếu phim 3D miễn phí, tụi nhỏ mê lắm, chạy lên coi hoài. Tụi nhỏ vui, còn mình... đỡ tốn”.

Chị Hồ Nhật Phượng, phó bí thư Huyện đoàn Nhà Bè, giám đốc Nhà Thiếu nhi huyện, kể: “Phòng chiếu phục vụ miễn phí cho thiếu nhi nhưng có khi suất chiếu còn trống vài ghế, tụi này mời luôn phụ huynh vào xem. Mấy cô chú coi xong ra cứ xuýt xoa: Nói thiệt từ cha sanh mẹ đẻ tới giờ tui mới biết phim 3D là ra làm sao chứ có đời nào dám bỏ tiền dắt con ra Sài Gòn đi coi đâu mà biết”. Nhiều em nhỏ coi xong một suất thì trốn lại trong rạp hoặc năn nỉ tụi tui cho coi thêm suất nữa”.

qPtmvuI1.jpgPhóng to
Trẻ em huyện Nhà Bè xem phim 3D miễn phí tại Nhà Thiếu nhi huyện -Ảnh: M.LÂM

Nhân rộng... miễn phí

Hiện TP.HCM có bảy quận huyện có rạp chiếu phim miễn phí cho thiếu nhi, gồm quận 2, 4, 12, Bình Tân, Gò Vấp, huyện Nhà Bè, Cần Giờ.

Trong đó rạp đầu tiên được xây dựng và cũng là tiền đề dẫn đến chủ trương chung của TP là rạp ở Nhà Thiếu nhi quận 2. Ngày 1-6-2011, tại diễn đàn “Lắng nghe tiếng nói thiếu nhi” với chủ đề “Những điều tốt đẹp nhất dành cho trẻ em quận 2”, một em nhỏ đã đứng lên bày tỏ với lãnh đạo Quận ủy, UBND quận 2 về mong ước được xem phim hoạt hình 3D ngay tại quận nhà vì đường vào trung tâm TP xa mà ba mẹ các em lại không có tiền cho con đi.

Ngay sau đó, ông Tất Thành Cang, bí thư Quận ủy kiêm chủ tịch UBND quận 2 vào thời điểm đó, đã quyết định đầu tư kinh phí hơn 1,5 tỉ đồng từ nguồn ngân sách quận để xây dựng rạp chiếu phim 3D miễn phí cho thiếu nhi đầu tiên của TP.HCM và cũng là đầu tiên trong cả nước.

Ngay trong ngày khánh thành rạp 31-7-2011, bộ phim hoạt hình 3D Công chúa tóc mây đã được chiếu miễn phí trong niềm hân hoan phấn khởi của các em thiếu nhi quận. Đến nay tổng cộng đã có khoảng 300 suất chiếu phục vụ hơn 6.800 lượt thiếu nhi quận 2, kể cả những suất chiếu đặc biệt phục vụ trẻ em nghèo và trẻ khuyết tật, cơ nhỡ.

Đến đầu năm 2012, UBND TP.HCM chỉ đạo các quận, huyện trên địa bàn đầu tư xây dựng phòng chiếu 3D. Ngân sách TP sẽ đầu tư cho năm huyện ngoại thành gồm: Nhà Bè, Cần Giờ, Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh. Còn lại các quận khác tự chủ động bằng nguồn ngân sách địa phương.

Kinh phí đầu tư cho mỗi rạp từ 1,5 tỉ đồng. Về quy mô, tùy kinh phí đầu tư và đặc điểm quỹ đất của từng nơi mà mỗi rạp chiếu xây dựng có quy mô khác nhau. Trong khi rạp ở Nhà Bè chỉ có 40 ghế thì rạp ở quận 2 có 105 ghế, rạp ở Bình Tân trên 300 ghế, rạp ở Gò Vấp có 350 ghế.

AO6fu5eh.jpgPhóng to
Niềm vui của thiếu nhi quận 2 khi xem phim 3D miễn phí - Ảnh: M.Lâm

Ông Nguyễn Thái Tuấn Anh, phó giám đốc Nhà Thiếu nhi quận 2, cho biết dịp hè rạp chiếu 3 ngày/tuần, mỗi ngày bốn suất. Vào năm học mới, Nhà thiếu nhi quận sẽ gửi phiếu đến các trường học trong quận, UBND các phường đăng ký cho thiếu nhi đến xem.

“Cái khó nhất hiện nay là nguồn phim cho rạp. Để có phim chiếu, chúng tôi phải chia nhau chạy lòng vòng đi... xin, ở đâu có phòng chiếu 3D thì tới xin phim đã chiếu rồi chép về chiếu lại. Phim chiếu do đó cũng còn hạn chế, hiếm khi được phim mới. Nếu nói để phục vụ miễn phí thì như vậy cũng tốt rồi, nhưng muốn nâng chất lượng và thật sự thu hút thiếu nhi thì phải chủ động nguồn phim một cách căn cơ, trong khi kinh phí cho việc này lại quá hạn chế”- ông Tuấn Anh nói.

Do phục vụ hoàn toàn miễn phí, lại không có kinh phí trả lương cho bộ phận chuyên lo việc ở phòng chiếu nên hầu hết các nhà thiếu nhi quận, huyện đều phải “nhín” nhân sự chung của nhà thiếu nhi hoặc của quận, huyện đoàn để kiêm nhiệm việc trông nom, vận hành phòng chiếu phim.

“Trung bình mỗi suất chiếu phải cử 3-4 nhân viên lo từ khâu đảm bảo trật tự, phát kính, vận hành máy móc, thu dọn vệ sinh. Nhiều bữa anh em đi công tác hết, giám đốc, phó giám đốc nhà thiếu nhi cũng phải xúm vô làm. Mỗi tháng riêng tiền điện, nước phục vụ cho phòng chiếu cũng mất 700.000-800.000 đồng. Chiếu càng nhiều suất, nhiều ngày thì tiền điện càng tốn, tụi này càng cực nhưng nhìn mấy đứa nhỏ vui nên mình vui lây”- chị Nhật Phượng tâm sự.

Theo ông Phan Văn An, phó giám đốc Hãng phim Trẻ, Thành đoàn TP.HCM có phân công Hãng phim Trẻ phối hợp với các cơ quan chức năng để tìm nguồn phim cho các rạp miễn phí này.

“Hiện nay chúng tôi đang làm việc với một số đầu mối như trung tâm lưu trữ điện ảnh để tiếp cận với nguồn phim lưu trữ quốc gia, Công ty Vina Cinema thuộc Tổng công ty Văn hóa Sài Gòn. Tuy nhiên mọi thứ vẫn đang trong quá trình thực hiện chứ chưa đưa được nguồn phim về cho phòng chiếu. Lý do là từ nguồn phim hiện có cần phải chỉnh sửa về mặt kỹ thuật để tương thích với thiết bị máy móc của các phòng chiếu cũng như chọn lọc nội dung phim thích hợp cho thiếu nhi. Thời gian sắp tới, khi các phòng chiếu này đi vào hoạt động bài bản thì phải sử dụng nguồn phim chính thống, có nguồn gốc rõ ràng và được kiểm duyệt về nội dung”- ông An cho biết.

___________

Kỳ tới: Những bữa cơm nghĩa tình

MAI HƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên