21/08/2014 10:15 GMT+7

Quá nhiều bức xúc đầu năm học mới

PHƯƠNG CHI (TP.HCM)
PHƯƠNG CHI (TP.HCM)

TT - Nhiều lá thư của phụ huynh gửi về Câu chuyện giáo dục trong những ngày đầu năm học mới.

Phóng to
Trong ngày đầu tiên đến trường, sợ học sinh còn bỡ ngỡ, nhiều trường đã cho phụ huynh vào cùng ngồi chung với con mình ở lớp. Ngày con mình đi học thì phụ huynh bắt đầu làm quen với nhiều nỗi lo - Ảnh: N.Hùng

Đó là câu chuyện về những khoản thu mềm, về cô giáo và lời dạy đi vệ sinh, lời kêu cứu của phụ huynh khi con mình bị cô giáo nhận xét không tiếp thu bài được.

Tuổi Trẻ xin được đăng tải các ý kiến này.

“Đánh đu”... tiền trường

Con tôi đang học tại một trường tiểu học ở Hà Nội. Trong buổi họp phụ huynh đầu năm vừa qua, khi cầm trên tay tờ thông báo tiền ăn bán trú của con, tôi thật sự choáng váng. Vợ chồng tôi với mức thu nhập chưa cao, nhiều khi còn chật vật nên nhìn những khoản thu được thông báo rõ ràng, mạch lạc nhưng chưa hợp lý, vượt ngưỡng như vậy mà tôi hoảng hồn.

Con không tập trung trong giờ học

Con tôi năm nay vào lớp 1. Cháu ở nhà rất nghịch ngợm với chúng bạn cùng trang lứa, đồng thời hay xem phim hoạt hình cũng như siêu nhân. Tuy nhiên bố mẹ cũng vẫn quản lý chứ không phải con thích xem thế nào thì xem.

Trước khi con vào lớp 1, tôi cũng đã cố gắng cho con học thuộc chữ cái nhưng do mải chơi và chữ cái viết theo nhiều kiểu chữ khác nhau nên có một vài chữ cháu vẫn còn hơi lúng túng, nhưng nếu cho cháu thời gian suy nghĩ thì cháu vẫn đọc được.

Tuy vậy, khi vào lớp 1, cô giáo chủ nhiệm theo dõi một tuần đã gặp tôi nói rằng cháu trên lớp không tập trung trong học tập, cũng không nghe thấy cô giáo nói gì và cháu rất ít nói nên theo cô, cứ tình trạng này sợ cháu bị bệnh tự kỷ.

Từ hôm cô giáo nói vậy, tôi cảm thấy lo lắng quá. Mọi người có thể giúp tôi một vài lời khuyên không? Tôi phải làm sao để dạy con mình được, tôi thật sự lo lắng...

LÝ NGA

Ngoài mấy chục triệu đồng là “khoản cứng” phải đóng cả năm thì “khoản mềm” ngay từ đầu năm cũng làm chúng tôi lao đao. Tiền ăn của con (con học lớp 3) là 1.550.000 đồng. Rồi có thêm cả khoản tiền quản lý buổi trưa dành cho cô giáo, xem như đó là “bồi dưỡng”.

Cái này mặc dù cô giáo bảo là tự nguyện, nhưng lại trong khuôn khổ tối thiểu là 350.000 đồng/em. Tất nhiên, tiền tự nguyện năm nay luôn cao hơn năm ngoái. Bóng đèn, bàn ghế của lớp vẫn sử dụng tốt thì tiền đóng góp để tân trang, sửa sang đối với mỗi em 3 triệu đồng sẽ làm gì?

Sau khi “ý kiến” với cô giáo chủ nhiệm thì nhận được câu trả lời: “Đây là quy định của nhà trường, nếu có gì thắc mắc anh chị cứ lên làm việc với ban giám hiệu. Lớp nào trường nào chẳng vậy, sao anh chị cứ phải thắc mắc?”.

Trong giờ giải lao phụ huynh chỉ biết động viên nhau: “Thôi thì quy định khó làm khác lắm. Bây giờ trường nào cũng thế ấy. Thu tiền trường mà cứ như chặt chém ngoài chợ, chỉ chết phụ huynh chúng ta thôi, kêu cũng có ích gì đâu”.

Trước những khoản cô giáo chủ nhiệm đưa ra để gợi ý đóng góp mà chỉ biết kêu trời. Tự nguyện mà chẳng khác gì bắt buộc. Sau khi phụ huynh đưa ra ý kiến phản đối thì cô giáo đều mở đầu bằng câu “Tất cả là để phục vụ chuyện học hành của con anh chị thôi”.

Và vì “phục vụ các con” nên phụ huynh chúng tôi vẫn phải cắn răng đóng cho xong. Tất nhiên kéo theo đó là các bậc cha mẹ đang phải “đánh đu” với những khoản tiền tự nguyện “trên trời” của nhà trường.

Thật sự chúng tôi đang chật vật với số khoản thu bên ngoài, ấn định rõ ràng được núp bóng tự nguyện. Tất cả chỉ vì sợ con mình bị “ra rìa” nên bản thân chúng tôi chỉ biết im lặng.

Đóng tiền theo quy định của nhà trường thì ngậm ngùi, uất ức lắm, mà không đóng thì sợ con mình thiệt thòi, bị dìm trong quá trình học.

Sau buổi họp phụ huynh kéo dài hơn bốn giờ, ý kiến cứ đưa ra nhưng không nhận được sự phản hồi thỏa đáng. Tôi chỉ biết đặt câu hỏi: bao giờ trong nhà trường hết căn bệnh lạm thu? Lẽ nào họp phụ huynh đầu năm chỉ là cuộc gặp gỡ lấy lệ, xã giao giữa cô giáo chủ nhiệm và phụ huynh, khi mà một bên đề bạt mong mỏi, còn một bên thì “nhắm mắt bịt tai” bỏ qua?

ANH DŨNG (Hà Nội)

Chuyện vệ sinh: nhỏ mà không nhỏ!

Tuần đầu tiên con trai tôi vào học lớp 1 chính thức ở trường tiểu học quận Phú Nhuận (TP.HCM). Buổi tập trung toàn trường, nghe cô hiệu trưởng giới thiệu về những công trình mới nhà trường đã đầu tư trong hè để phục vụ năm học này, phụ huynh đều rất hài lòng.

Cô tự hào thông báo rằng nhà trường đã đầu tư vòi nước cảm ứng, máy sấy tay trong nhà vệ sinh. Tôi cũng như những phụ huynh có con học lớp 1 đều thấy mừng vì nhà trường có sự đầu tư kỹ lưỡng cho những nhu cầu nhỏ nhất của học sinh.

Buổi đầu đi học bán trú về, mẹ vừa mở cửa bé đã lao vào nhà vệ sinh như tên bắn, không kịp cởi mũ. Buổi tối sau giờ ăn cơm, tôi tỉ tê trò chuyện với bé: “Sao con mắc vệ sinh mà không đi ở lớp? Lúc mắc vệ sinh con có xin cô ra ngoài như mẹ dặn không?”

Con nhìn tôi nghiêm trang bảo: “Cô giáo con bảo chỉ có người ốm mới đi vệ sinh trong giờ học, còn người bình thường phải đi vệ sinh vào giờ ra chơi”. Tôi ra sức thuyết phục con rằng việc đi là rất bình thường, người ốm hay khỏe, người lớn hay trẻ em đều có thể cần bất cứ lúc nào.

Nhưng em bé lớp 1 nhà tôi vẫn khăng khăng với “thánh chỉ” của cô giáo chủ nhiệm rằng: “Con không bị ốm nên không thể xin cô đi vệ sinh trong giờ học”.

Nói chuyện với con xong, tôi nghĩ trong buổi họp phụ huynh đầu năm sẽ mang vấn đề này ra thảo luận. Nhưng tôi hình dung hai tình huống có thể xảy ra. Thứ nhất, cô có thể xác nhận những lời cô nói là đúng và bao biện cho lý do rèn luyện các cháu vào nề nếp để không ảnh hưởng tới giờ học. Thứ hai, cô sẽ cho rằng mẹ con tôi dựng chuyện và sẽ có ác cảm với con tôi trong quá trình dạy học.

Cho dù kết quả như thế nào, phần bất lợi cho con tôi cũng là rất rõ.

Thư gửi thầy cô

Kính thưa thầy cô!

Năm học mới lại bắt đầu. Em vừa mong chờ vừa cảm thấy lo lắng.Mong chờ vì em biết mình sắp sửa được tiếp thu những kiến thức mới mẻ của nhân loại, lo lắng vì em biết mình sắp phải trải qua một số giờ học mà em sẽ phải răm rắp làm theo sự sắp đặt của thầy cô, điều mà em không hề muốn.

Kính thưa thầy cô! Năm nay là năm cuối cấp, hết năm học này em sẽ thi vào trường THPT. Thế nhưng giờ này chúng em vẫn cảm thấy lo vì em không đủ tự tin. Vẫn biết rằng kết quả năm học qua của em được thầy cô xếp vào loại giỏi, nhưng đó là vì thầy cô luôn đồng hành với em trong từng bài kiểm tra. Trước khi làm bài thầy cô đã cho em một số dạng đề (khoảng ba đề) và đến khi làm bài đề cho cũng nằm trong số đó. Tất nhiên bài làm của em không bao giờ dưới trung bình. Nghĩa là em luôn ở ngưỡng an toàn. Bao năm qua em vui vì điều đó. Nhưng giờ đây khi lớn hơn một chút, nhất là sắp phải đối diện với kỳ thi tuyển khắt khe vào lớp 10, em cảm thấy lo lắng. Bởi em được biết sắp tới theo đề án đổi mới kiểm tra đánh giá của bộ, việc kiểm tra đánh giá không theo kiểu tái hiện kiến thức mà kiểm tra năng lực của học sinh. Vậy thì khi rời thầy cô, em không tin chắc mình sẽ làm tốt vì bao lâu nay em đã quen bước đi trên đôi chân của thầy cô.

Kính thưa thầy cô! Kiến thức của nhân loại luôn cần có người giải mã thì chúng em mới lĩnh hội được. Và người được xã hội tin tưởng giao trọng trách ấy chính là thầy cô. Thế nhưng bao lâu nay chúng em đã quen với cách tiếp thu bài vở một cách thụ động. Thầy cô nói gì chúng em phải răm rắp làm theo mà không dám phản hồi dù đó là sự phản hồi tích cực. Thế là hằng ngày chúng em phải đối diện với một núi kiến thức mà mỗi thầy cô đều có cách riêng để in vào đầu chúng em. Ai cũng muốn cho chúng em thấy rằng môn của mình dạy là quan trọng hơn hết. Toán, lý, hóa, sinh có quá nhiều bài tập về nhà mà nhiều khi không đi học thêm thì không sao giải nổi. Môn văn phải làm như ý của thầy cô điểm mới cao, trong khi đôi lúc chúng em cũng muốn thể hiện cảm nhận của riêng mình mà không dám!

Thế là quá trình học của chúng em chỉ là bước đi lên dấu chân của thầy cô, là đi theo cái bóng của thầy cô mà nhiều lúc không thể tạo ra sự khác biệt của riêng mình dù đó là sự khác biệt tích cực.

Kính thưa thầy cô! Chúng em mong muốn những kiến thức học ở trường không chỉ giúp chúng em hiểu biết mà còn có thể đem thực hành vào cuộc sống. Kiến thức ấy chẳng những giúp chúng em chung sống với cộng đồng mà còn để tự khẳng định mình. Và trong việc trang bị kiến thức cho chúng em, kính mong thầy cô hãy trao cho chúng em chiếc chìa khóa và chỉ cho chúng em cách mở cánh cửa của tri thức để chúng em tự tin đi trên đôi chân mình trên hành trình dài rộng của cuộc đời.

NGỌC UYÊN (Ninh Thuận)

Giáo viên cũng không sung sướng gì

Ngoài chia sẻ những câu chuyện, góc nhìn đa chiều về vấn đề giáo dục, bạn đọc cũng gửi đến chuyên mục “Giáo dục dưới mắt mọi người” và “Câu chuyên giáo dục” nhiều băn khoăn khi năm học mới đã đến.

Bạn đọc Anh Dũng (Thanh Hóa) chia sẻ về vấn đề thu chi đầu năm: “Trong buổi họp phụ huynh đầu năm vừa qua, khi cầm trên tay tờ thông báo tiền ăn bán trú của con tôi thật sự choáng váng. Vợ chồng tôi mức thu nhập chưa cao, nhiều khi còn chật vật nên nhìn những khoản thu được thông báo rõ ràng, mạch lạc nhưng chưa hợp lý, vượt ngưỡng như vậy mà tôi hoảng hồn”. Không chỉ thế, giáo viên Thương Hoài (Bình Thuận) cũng đau đầu khi triển khai những khoản thu: “Không phải chỉ phụ huynh mới lo đến các khoản đóng góp “tự nguyện” mà ngay cả giáo viên đứng lớp cũng chẳng thấy sung sướng gì khi phải triển khai việc này. Chúng tôi cứ ước ao: Giá bộ cấm hẳn việc nhà trường kêu gọi phụ huynh tự nguyện đóng góp dưới mọi hình thức thì giáo viên cũng đỡ khổ”. “Mới nhập học có mấy ngày, con gái đang học lớp 5 của tôi trông cứ rầu rầu. Hỏi mãi con mới nói con không vui vì đang... lo. Con lo vì vừa được giao nhiệm vụ làm... tổ trưởng, lại phải trực nhật tuần đầu tiên nên dù đã phân công bạn làm rồi, nhưng sợ bạn đi trễ không trực con sẽ bị cô giáo phạt. Mà không chỉ có việc đó, con gái rụt rè cho biết “cô rất khó”, nói chuyện, không làm bài tập, trả lời câu hỏi không được, đi trễ... đều bị phạt”, bạn đọc Trịnh Minh Giang (TP.HCM) kể...

Mời bạn đọc tiếp tục gửi bài về cho chuyên mục qua địa chỉ email giaoduc@tuoitre.com.vn hoặc trực tiếp đến tòa soạn báo Tuổi Trẻ (60A Hoàng Văn Thụ, P.9, Q.Phú Nhuận, TP.HCM).

TUỔI TRẺ

PHƯƠNG CHI (TP.HCM)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên