24/02/2020 10:23 GMT+7

Qua miền khô hạn - Kỳ 4: 'Chiến trường' mặn - ngọt

TIẾN TRÌNH
TIẾN TRÌNH

TTO - Ngay cả những lão nông cũng nói hiếm khi thấy cảnh bảo vệ đồng ruộng trước mối đe dọa của nước mặn mà nhiều người phải thức canh nước như... canh trộm.

Qua miền khô hạn - Kỳ 4: Chiến trường mặn - ngọt - Ảnh 1.

Nông dân Trần Hữu Tâm thường xuyên nếm nước để thử độ mặn - Ảnh: TIẾN TRÌNH

Canh nước cho đồng đất

"Anh Ba ơi, nó tới rồi, ngắt máy thôi". "Anh Sáu, có nước ngọt rồi đó, tranh thủ bơm đi. Phải nhanh nha, không thôi mặn vô tới...". 

Những ngày nước mặn theo sông Hậu vào sâu kênh rạch, nhiều nông dân ở Kế Sách (Sóc Trăng) ăn ngủ không yên. Vườn cam cho quả trái mùa được giá đem đến nhiều hi vọng sau vụ mùa ế ẩm. 

Nhưng sự thất thường của con nước cứ chực chờ đánh úp sinh kế của người dân. Vùng cuối nguồn con sông Hậu chảy ra biển, "cuộc chiến" mặn - ngọt diễn ra gay gắt hơn lúc nào hết.

Thấy có cán bộ nông nghiệp đến, nông dân Trần Hữu Tâm (thị trấn Kế Sách) vội bắt chuyện. Thời sự cũng không gì khác hơn ngoài chuyện nước mặn - ngọt. 

Gần 70 công đất trồng cam được đầu tư hệ thống tưới đồng bộ, ông Tâm nói sơ sẩy thì vườn của mình cũng sẽ bị nhiễm mặn... đồng bộ.

Người nông dân nói phải hết sức cảnh giác với luồng nước mặn đang trà trộn ở các kênh mương. Nước ngọt từ thượng nguồn Mekong chảy xuống, đẩy nước mặn ra biển. Nhưng khi triều lên, nước mặn từ biển lại xô dòng nước ngọt ngược lại. Nước mặn len lỏi vào tận sâu các kênh rạch, vườn tược.

Ở vùng "cài răng lược" như Kế Sách, chuyện mặn - ngọt tranh giành địa bàn, dẫn đến sáng ngọt - chiều mặn, ngày mặn - đêm ngọt đang làm đau đầu nhà nông. Anh Tâm nói tình hình căng thẳng khiến anh có thói quen... nếm nước sông. 

"Mình nếm coi nó mặn, ngọt ra sao. Nếm thử riết rồi quen", anh khoe mình có thể đoán gần chính xác độ mặn của con nước chỉ bằng lưỡi của mình.

Như để chứng minh, anh Tâm ra bờ sông, khỏa nước hớp một ngụm. Anh rầu rĩ: "Mặn từ 4,2-4,5 phần ngàn chứ không ít hơn". Dứt lời, anh dùng máy đo độ mặn cầm tay để kiểm tra lời mình nói. 

Con số hiển thị 4,2 phần ngàn. Người nông dân khỏa tay xua nỗi ngạc nhiên của khách: "Không hay ho gì đâu anh. Ngày nào mình cũng nếm nước sông để biết có mặn hay không mà còn trở tay cho kịp".

Anh Tâm nói tuy huyện đã có hệ thống liên lạc báo đến các nông hộ số liệu cập nhật tình hình con nước và thiên tai, nhưng mỗi nông dân phải biết chủ động nhận biết con nước vào đồng áng.

Cũng câu chuyện ấy, nông dân Trần Hữu Tâm kể có bận hệ thống liên lạc của huyện khuyến cáo dân nước mặn đang lên, không nên lấy nước vào. Nhưng lúc đó, anh nếm thấy nước trên con kênh trước nhà còn ngọt, có thể sử dụng được, liền báo cho một nhà gần đó tranh thủ đưa nước vào cho kịp.

Năm nay con nước lạ hơn mọi năm. Vì thông thường khi gió chướng về mới đẩy dòng nước mặn vào sâu trong nội đồng. 

Nhưng năm nay, nước mặn đã vào trước khi gió chuyển mùa. "Mình phải canh phòng nghiêm ngặt thôi. Không thể tuân vào quy luật trước đây được", người nông dân chia sẻ.

Qua miền khô hạn - Kỳ 4: Chiến trường mặn - ngọt - Ảnh 2.

Ông Vũ Bá Quan (phải) kết nạp nông dân Trần Hữu Tâm vào “nhóm canh nước” - Ảnh: TIẾN TRÌNH

Kết nối nhau tìm nước ngọt

Kế Sách nằm bên sông Hậu, giáp giữa Sóc Trăng và Cần Thơ. Nước mặn từ biển phải chảy qua Trần Đề, Long Phú mới đến được Kế Sách. 

Ngược lại, nước ngọt của dòng Mekong từ thượng nguồn đổ về cũng qua An Giang, Cần Thơ, đến Kế Sách thì gặp dòng nước mặn từ biển vào. "Chiến trường" giữa hai dòng mặn - ngọt làm khó người dân, bởi sự thất thường đôi khi chỉ diễn ra trong ngày.

Quy luật lâu nay thì sự tranh chấp mặn - ngọt diễn ra theo mùa. Mùa mưa, nước thượng nguồn theo sông Mekong về nhiều đã thắng thế, đẩy nước mặn ra biển. 

Nhưng đến mùa hạn khi nước ngọt bị vơi đi, nước mặn lại lấn sâu vào. Tình hình nghiêm trọng hơn khi nhiều con đập thủy điện được xây để "giam nước" trên phía thượng nguồn sông Mekong. 

Dòng nước ngọt "hao tổn lực lượng", khiến nước mặn được thế lấn nhanh hơn, sâu hơn. Và thực trạng không thể không lo lắng là mỗi năm, nước mặn lại càng lấn sâu hơn.

Tình hình phức tạp càng làm khó, làm khổ người nông dân sống giữa "chiến trường" mặn - ngọt. 

Ông Vũ Bá Quan, trưởng Phòng nông nghiệp huyện Kế Sách, chia sẻ rằng sở dĩ cho đến nay đồng lúa, vườn trái cây của nông dân trong huyện được an toàn trước tình hình hạn hán, xâm nhập mặn một phần là do người dân rất cảnh giác.

"Huyện chúng tôi cập nhật liên tục diễn biến độ mặn trên sông, tình hình thời tiết... Còn nông dân cũng giữ liên lạc rất chặt chẽ", ông Quan nói những con nước mùa này như đang đánh đố. Đôi khi cập nhật chỗ này nước ngọt về tới, nhưng chỗ khác nước mặn vẫn ở lì không chịu đi, chủ quan là dễ bị dính mặn, trở tay không kịp".

Đưa tôi xem chiếc điện thoại, vị cán bộ nông nghiệp khoe xài... mạng xã hội. Thời gian trước, ông nghĩ nên tạo kênh liên lạc để có thể cập nhật, trao đổi tình hình thời tiết, thiên tai, những khuyến cáo đến với nông dân trong huyện.

"Nhắn tin bằng điện thoại thì rất khó và... tốn tiền quá. Nên tôi tạo nhóm, rồi đưa các cán bộ nông nghiệp từ huyện tới ấp, mời nông dân muốn tham gia thì cứ vào group để cập nhật tình hình. Vậy mà hiệu quả. 

Như mùa nước mặn xâm nhập, mình gửi cập nhật số liệu quan trắc thường xuyên vào đây. Nông dân đọc được trực tiếp. 

Một người đọc được có nhiệm vụ lan truyền ra cho cộng đồng để cùng ứng phó... Nông dân muốn hỏi gì cũng vào đây hỏi. Cán bộ nông nghiệp sẽ giải đáp ngay", ông Quan nói từ chuyện huyện lập nhóm thông tin mà hiện đã lên đến hàng ngàn thành viên, thì các xã cũng tạo nhóm mạng xã hội riêng để kết nối nông dân của mình.

"Nhờ khó khăn mà chúng tôi gần nhau. Nông dân kiếm kỹ sư để hỏi han tình hình và nông dân cũng phản ảnh thực tế lên cán bộ nông nghiệp. Coi đơn giản vậy chứ lợi hại lắm. Nhờ mấy ổng canh nước mà mình không sợ bị hớ khi nước mặn ngấm ngầm lấn vào", nông dân Trần Văn Hòa chia sẻ.

Ngày gặp gỡ nông dân ở Kế Sách, tôi như không dứt ra được dòng chủ lưu thời sự con nước. Đến thời điểm này, ít ra cũng có điểm vui đồng xanh, vườn tốt vẫn đang kiên cường trụ vững giữa "chiến trường" mặn - ngọt.

Theo con nước như... theo con

"Mình theo con nước như... theo con vậy. Nhiều đêm cả xóm thức chờ nước ngọt về để lấy vào tưới tiêu. Nhưng con nước giờ thất thường lắm. Có lúc nước ngọt về nhưng nước mặn cũng nán lại không chịu ra biển. Hệ thống cập nhật ở các cửa sông có khi bỏ sót mấy "ông" nước mặn "nằm vùng". Chủ quan mà bơm tưới cây là lãnh đủ", nông dân Huỳnh Ngọc Hợp chia sẻ. Ông nói cây lúa ở đâu đó có thể chịu đựng nước mặn đến 4-5 phần ngàn. Còn cây cam nước mặn cao hơn 5 phần ngàn thì coi như xóa sổ.

Giữa vô vàn khó khăn mùa hạn mặn, nhiều nông dân đã tìm "binh pháp", chọn lối đi riêng để "sống ổn" qua con nước khắc nghiệt.

Kỳ tới: Thoát hiểm cho ruộng vườn

Qua miền khô hạn - Kỳ 3: Một vụ mùa Qua miền khô hạn - Kỳ 3: Một vụ mùa 'bỏ đi'

TTO - "Không có nước cũng chết mà có nước cũng chết", nhiều đồng ruộng miền Tây Nam Bộ đang chết khát và chết mặn ngay giữa vùng sông nước.

TIẾN TRÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên