Hiện nay nhiều phụ huynh sẵn sàng trách mắng giáo viên mà không cần biết đúng hay sai - Tranh: NGỌC NHI
Chúng ta phải làm gì để xóa bỏ, hạn chế hay ít nhất là giải tỏa những mâu thuẫn trong mối quan hệ tay ba như một tam giác khép kín thế này: giáo viên - học sinh - phụ huynh?
Từ những cái tát phản giáo dục…
Câu chuyện về 231 cái tát chưa kịp lắng xuống thì mới đây lại thêm vụ 50 cái tát nữa lại nổi lên. Tôi và chắc có lẽ nhiều người trong chúng ta đang tự hỏi: nền giáo dục của Việt Nam đang mắc "chứng bệnh" gì, mối quan hệ giữa thầy và trò đang bị điều gì chi phối? Liệu rồi sau này còn bao nhiêu vụ như thế, có cách nào xử lý triệt để hay không?
Khi đọc về những vụ việc giáo viên yêu cầu các học sinh tát một bạn học sinh nào đó, tôi có cảm giác như chúng ta đang trở về thời xa xưa mà ánh sáng văn minh chưa kịp chiếu vào. Ở đó, một khi có ai phạm tội thì người có chức có quyền sẽ ra lệnh cho tập thể ném đá đến chết hoặc tát hoặc đánh cho người phạm tội kia một trận nhừ tử, thừa sống thiếu chết.
Họ nghĩ đó là cách trừng phạt thích đáng người phạm tội mà không biết rằng đó là việc làm ác độc, ấu trĩ, ảnh hưởng và vi phạm nghiêm trọng đến danh dự, nhân phẩm, thể chất một con người.
Vậy mà giờ đây người ra lệnh phạt là giáo viên và người thừa hành là học sinh - những em nhỏ ở độ tuổi ăn, tuổi học, tuổi chơi, tuổi lớn.
Đáng lý ra chúng phải được cư xử đúng như mực thước trong môi trường giáo dục. Đáng lý ra chúng phải học được cách xử lý văn minh, đầy tình người và đủ nhân quyền...
Đến chuyện cái quần nghịch đạo
Mấy ngày nay dư luận xôn xao clip phụ huynh lên trường gặp thầy giáo "ăn thua đủ" để đòi cái quần soọc cho con, chỉ vì cái quần để trên bàn thầy và bị thầy vứt đi. Câu chuyện khiến tôi nhớ tới sự việc ngày xưa, khi tôi còn làm giáo viên quản nhiệm cho một trường quốc tế.
Một chị đồng nghiệp của tôi là chủ nhiệm một lớp có nhóm học sinh nữ cá biệt, rất quậy. Phải nói các em học sinh này không sợ ai vì ba mẹ chúng có tiền, mà có tiền thì có quyền, hễ chuyện gì chúng về méc với phụ huynh thì coi như giáo viên đó có chuyện.
Bị cô chủ nhiệm la rầy vì đi trễ, quậy phá, nói chuyện trong lớp, nhuộm tóc… nhóm này đâm ra ghét cô. Một mặt, chúng hùa nhau về kêu tất cả các phụ huynh trong nhóm phàn nàn về cô lên Ban Giám hiệu, mặt khác chúng chơi những trò vô cùng nghịch đạo là lấy băng vệ sinh (đã xài rồi) bỏ vào hộc tủ để đồ của cô. Và, chị đồng nghiệp của tôi uất ức đến mức phải xin thôi việc.
Vì đã kinh qua chuyện như vậy nên tôi cũng dễ hiểu chuyện gì đã xảy ra với cô giáo bị bắt quỳ hay thầy giáo bị "đòi quần". Chỉ thấy buồn là cái thời cha mẹ học sinh cầm tay con tới lớp nhờ thầy cô dạy dỗ với thái độ tôn kính không còn nữa. Giờ ngược lại, phụ huynh đôi lúc lại cho mình cái quyền phán xét, đòi hỏi, yêu cầu và ép buộc thầy cô.
Tôi đang nghĩ đến một trận đấu bóng, một bên là "đội phụ huynh", một bên là "đội giáo viên" và các em học sinh là quả bóng lăn dưới chân họ. Phụ huynh dù có sút vào khung thành của giáo viên hay ngược lại thì người thiệt thòi, tổn thương vẫn là các em.
Chúng là những học sinh, chúng là những tâm hồn non nớt, chúng là thế hệ tương lai của đất nước. Vậy tại sao phụ huynh và giáo viên không đứng về một phía, cùng một "chiến tuyến", cùng nắm tay để dạy dỗ, giáo dục, rèn luyện học sinh nên người?
Tôi nghe đâu đó lời kêu cứu của các em "Ba mẹ ơi, thầy cô ơi, xin hãy trả lại cho chúng con quãng đời tươi đẹp nhất. Xin hãy trả lại cho chúng con những gì đáng lý phải thuộc về lứa tuổi chúng con".
Tôi nghe chúng kêu cứu như vậy. Đó không chỉ là tiếng kêu cứu của học sinh mà là tiếng kêu cứu của nền giáo dục Việt Nam.
Chúng ta phải làm gì để trả mọi thứ về lại đúng quỹ đạo, quy tắc hay đúng tinh thần của nó?
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận