Hút thuốc: hút 7.000 chất hóa học, 69 chất gây ung thưChi phí y tế do hút thuốc lá chiếm 0,91% tổng GDPĐề xuất tăng thuế thuốc lá để giảm tiêu thụ
Số người hút thuốc lá chỉ giảm 0,6% sau khi tăng thuế thuốc lá thêm 10% vào năm 2007-2008, nhưng số lượng thuốc lá tiêu thụ cũng không giảm sau khi tăng thuế và đang có xu hướng tăng.
15 năm có Tuần lễ quốc gia phòng chống tác hại thuốc lá (từ ngày 26 đến 31-5 hằng năm) và một năm sau khi Luật phòng chống tác hại thuốc lá có hiệu lực, mục tiêu giảm số nam giới hút thuốc xuống 39% (hiện nay là 47,4%) và giảm số thanh thiếu niên hút thuốc xuống 18% (hiện là 26%) vào năm 2020 đang tỏ ra rất xa vời vì các biện pháp hiện có chưa hiệu quả.
Trong số các biện pháp hạn chế thuốc lá đã triển khai, việc cấm hút thuốc lá tại các địa điểm công cộng trong nhà như bến xe, nhà ga, nhà hát, sân vận động có mái che, bệnh viện, trường học, công sở... từng được hi vọng là biện pháp mạnh. Nhưng theo bà Phạm Hoàng Anh - giám đốc Tổ chức Health Bridge tại VN, một tổ chức chuyên vận động phòng chống tác hại thuốc lá, khi đến làm việc tại một phường thuộc quận Tây Hồ, Hà Nội mới đây, bà thấy trụ sở UBND phường vẫn nồng nặc mùi thuốc lá dù có biển cấm hút thuốc. Trong đợt thanh tra của Bộ Y tế tại năm tỉnh phía Bắc và ba tỉnh phía Nam gần đây, một thực trạng buồn là đoàn thanh tra chưa phạt được ai, chủ yếu mới nhắc nhở dù phát hiện hút thuốc lá tại địa điểm bị cấm khá nhiều.
Theo nghị định hướng dẫn xử lý vi phạm hành chính với hành vi hút thuốc tại địa điểm bị cấm, cá nhân hút thuốc lá tại nơi bị cấm có thể bị xử phạt tới 300.000 đồng, người đứng đầu cơ quan, tổ chức không triển khai quy định cấm hút thuốc tại địa điểm bị cấm có thể bị phạt tiền triệu. Bà Hoàng Anh cho rằng quy định, lực lượng chức năng để xử phạt hành vi hút thuốc tại địa điểm cấm đều đã có đủ, nhưng không hiểu sao việc cấm hút thuốc lá tại nơi công cộng vẫn rất khó khăn? “Có thể do xử phạt chưa nghiêm, còn nể nang chăng”- bà Hoàng Anh băn khoăn.
Theo Bộ Y tế, mỗi năm người Việt chi đến 22.000 tỉ đồng để mua thuốc lá và còn cần thêm 23.000 tỉ đồng để chi chữa bệnh, tổn thất ngày công lao động (đó là chỉ tính 5/25 bệnh có liên quan đến thuốc lá). Nhưng ảnh hưởng tài chính không nghiêm trọng bằng con số 40.000 người tử vong do thuốc lá/năm và tới đây có thể sẽ lên 70.000 người Việt tử vong/năm. Tuy vậy, phòng chống thuốc lá luôn gập ghềnh vì những thủ thuật của doanh nghiệp sản xuất kinh doanh thuốc lá, vì nỗi lo sợ ảnh hưởng đến việc làm, kế sinh nhai của lao động trong ngành thuốc lá và số thuế khổng lồ mà ngành thuốc lá mang lại... Trong khi đó, bệnh tật liên quan đến thuốc lá đang ngày càng trở thành vấn đề y tế công cộng nghiêm trọng, và phòng chống tác hại thuốc lá không chỉ cho người đang hút thuốc, mà còn cho hàng triệu người đang phải hút thuốc lá thụ động tại gia đình, công sở, bệnh viện, bến xe...
Vì những lợi ích và nỗi lo sợ vô hình kể trên, những người quan tâm luôn có cảm giác phòng chống tác hại thuốc lá ở VN luôn nửa vời; luật, văn bản, nghị định rất đầy đủ, nhưng thực thi lại rất “trời ơi”. Có lẽ chính bởi vậy 15 năm dành cả tuần lễ phòng chống tác hại thuốc lá nhưng VN vẫn đang phải đi những bước đầu tiên trên con đường này.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận