30/12/2020 06:57 GMT+7

Phó tổng thống đắc cử Mỹ tiêm vắc xin COVID-19

ANH THƯ
ANH THƯ

TTO - Phó tổng thống đắc cử Mỹ Kamala Harris đã tiêm vắc xin ngừa COVID-19 trong một chương trình phát sóng trực tiếp trên truyền hình vào ngày 29-12, kêu gọi người dân tin tưởng vào việc tiêm chủng để có thể chấm dứt dịch bệnh đang hoành hành ở Mỹ.

Phó tổng thống đắc cử Mỹ tiêm vắc xin COVID-19 - Ảnh 1.

Phó tổng thống đắc cử Kamala Harris được tiêm vắc xin COVID-19 của hãng Moderna ngày 29-12-2020 - Ảnh: REUTERS

Bà Harris đeo khẩu trang và được tiêm liều vắc xin COVID-19 đầu tiên trong lộ trình 2 liều tiêm ngừa của hãng Moderna tại trung tâm y tế United nằm ở một khu vực đông người Mỹ gốc Phi của Washington DC.

Hãng tin Reuters cho biết các cộng đồng người Mỹ gốc Phi trên toàn nước Mỹ đã phải chứng kiến tỉ lệ nhiễm virus corona và tử vong ở mức cao trong đại dịch COVID-19. Các cuộc thăm dò ý kiến cũng chỉ ra rằng người Mỹ gốc Phi nằm trong số những người do dự nhất đối với việc tiêm vắc xin.

"Do đó tôi muốn nhắc các bạn nhớ rằng các bạn có thể tiêm vắc xin ngay ở trong cộng đồng của mình, và bạn sẽ được tiêm vắc xin bởi một người mà bạn có thể quen biết" - bà Harris nói sau khi tiêm vắc xin COVID-19 của hãng Moderna.

"Tôi muốn nhắc nhở mọi người rằng họ có những nguồn trợ giúp đáng tin cậy và đó là nơi mọi người có thể đến để tiêm vắc xin này" - phó tổng thống đắc cử Harris thêm.

Bà Harris sẽ trở thành phó tổng thống Mỹ gốc Ấn Độ đầu tiên khi bà nhậm chức vào ngày 20-1. Bà cũng sẽ là người phụ nữ đầu tiên trong lịch sử nước Mỹ giữ vai trò này.

Ngoài ra, ông Doug Emhoff, chồng của bà Harris, cũng đã tiêm vắc xin.

Trước đó, một loạt quan chức cấp cao của Mỹ cũng đã tiêm vắc xin trong các buổi phát sóng trực tiếp trên truyền hình. Mục đích của họ là nhằm trấn an dư luận và thuyết phục những người còn do dự rằng tiêm chủng đóng vai trò quan trọng để quay trở lại cuộc sống bình thường trong vài tháng tới.

Tổng thống đắc cử Joe Biden cũng đã tiêm vắc xin trên sóng truyền hình hôm 21-12. Tuy nhiên, Tổng thống đương nhiệm Donald Trump, từng nhập viện điều trị COVID-19 vào tháng 10, vẫn chưa có kế hoạch tiêm ngừa.

Cho đến nay, Mỹ vẫn là quốc gia chịu thiệt hại nặng nề nhất vì đại dịch với hơn 19,3 triệu người mắc bệnh và hơn 335.000 ca tử vong, theo số liệu của ĐH Johns Hopkins.

Mỹ ghi nhận ca nhiễm biến thể mới đầu tiên Mỹ ghi nhận ca nhiễm biến thể mới đầu tiên

TTO - Mỹ xác nhận ca nhiễm biến thể mới đầu tiên tại bang Colorado trong bối cảnh Tổng thống đắc cử Joe Biden chỉ trích cam kết triển khai vắc xin COVID-19 nhanh chóng của ông Trump, cảnh báo có thể mất nhiều năm để chủng ngừa cho hầu hết người Mỹ.

ANH THƯ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên