26/04/2018 15:37 GMT+7

Phố đèn đỏ: LHQ đề nghị hợp pháp hóa mại dâm

TRẦN NGỌC LONG
TRẦN NGỌC LONG

TTO - Năm 2012, Liên Hiệp Quốc từng đề nghị các nước châu Á hợp pháp hóa mại dâm, dựa trên một báo cáo rằng không có bất kỳ bằng chứng nào cho thấy phi hình sự hóa mại dâm làm gia tăng mại dâm.

Phố đèn đỏ: LHQ đề nghị hợp pháp hóa mại dâm - Ảnh 1.

Biểu tình đòi hợp pháp hóa mại dâm vào tháng 3-2008 ở San Francisco, Mỹ - Ảnh: Reuters

Năm 2015, ba phụ nữ từng hành nghề mại dâm, một người đàn ông mua dâm tàn tật và tổ chức "Dự án nghiên cứu và giáo dục pháp luật cho người cung cấp dịch vụ tình dục" (ESPLERP) ở San Francisco đã kiện luật cấm mại dâm của bang California áp dụng từ 146 năm nay là xâm phạm quyền hiến định về đời tư, quyền tự do tình dục và quyền tự do ngôn luận. 

Các nguyên đơn biện luận người mua bán dâm đều tự nguyện, do đó luật cấm mại dâm của bang là vi hiến.

Kiện luật cấm mại dâm

Bà chủ tịch ESPLERP Maxine Doogan giải thích: "Chúng tôi hi vọng đạo luật xấu xa này phải bị bãi bỏ để những người trưởng thành đồng thuận mại dâm được tôn trọng đời tư và được hưởng mọi quyền về đời tư theo hiến pháp". 

Luật sư của các nguyên đơn dẫn chứng "án lệ" năm 2003, tòa án tối cao đã từng phán quyết hành vi tình dục đồng thuận thuộc về đời tư phải được bảo vệ, sau đó tuyên hủy quy định cấm tình dục đồng giới.

Nhiều tổ chức bảo vệ quyền công dân khẳng định quan hệ tình dục giữa những người trưởng thành đồng thuận không phải là hành vi trái pháp luật, bởi thế pháp luật chỉ nên cấm lạm dụng mua bán dâm chứ không nên cấm người đồng thuận mua bán dâm.

Tòa sơ thẩm ở Oakland bác đơn kiện với lý do luật cấm mua bán dâm của bang California không cấm quan hệ tình dục đồng thuận mà chỉ cấm mua bán dâm. Một số tổ chức ủng hộ tòa tuyên bố mại dâm liên quan đến các tệ nạn bóc lột tình dục, ma túy, bạo lực, hiếp dâm và giết người. 

Bà Lisa Thompson ở Trung tâm quốc gia về bóc lột tình dục cảnh báo: "Nếu luật cho phép mại dâm đồng nghĩa với cho phép nam giới mua con người".

Tháng 10-2017, thẩm phán Carlos Bea ở tòa phúc thẩm liên bang khu vực 9 tại San Francisco phát biểu có vẻ ủng hộ các nguyên đơn.

Tại sao lại là bất hợp pháp khi bán đi cái thứ mà cho đi lại là hành vi hợp pháp?

Thẩm phán Carlos Bea

Song, giữa tháng 1-2018, ba thẩm phán tòa nêu trên đã nhất trí bác đơn kiện. Tòa phán quyết trả tiền mua bán dâm không phải là quan hệ tình dục thân mật và phán quyết năm 2003 của tòa án tối cao không bảo vệ hành vi mua bán dâm. Các nguyên đơn cho biết sẽ tiếp tục theo đuổi vụ kiện.

10 lập luận cấm hợp pháp hóa mại dâm

Câu chuyện kể trên cho thấy vấn đề cấm mại dâm ở bang California cũng như ở Mỹ vẫn chưa ngã ngũ. Thật ra năm 2008, bang California từng bỏ phiếu để phi hình sự hóa mại dâm nhưng không thành công. Tại Thái Lan năm 2003, Bộ Tư pháp cũng từng đề nghị hợp pháp hóa mại dâm, tuy nhiên đề xuất này không được quan tâm.

Phố đèn đỏ: LHQ đề nghị hợp pháp hóa mại dâm - Ảnh 3.

Hầu hết các bang ở Mỹ xem mại dâm là phạm pháp. Trong ảnh là cảnh bắt giữ người mua dâm ở bang Washington - Ảnh: Cảnh sát Bellevue

Các ý kiến muốn cấm đoán mại dâm khăng khăng cho rằng mại dâm là tệ nạn xã hội. Họ đưa ra các lập luận tố cáo các quan điểm hợp pháp hóa hoặc phi hình sự hóa mại dâm đã sai phạm 10 điểm: dung túng cho bọn môi giới và buôn phụ nữ; khuyến khích buôn người; thả nổi ngành công nghiệp tình dục; khuyến khích mại dâm lén lút và mại dâm đường phố; khuyến khích mại dâm trẻ em; không bảo vệ phụ nữ mại dâm; làm tăng nhu cầu mại dâm; không bảo vệ sức khỏe phụ nữ; không tạo cơ hội cho phụ nữ mại dâm có quyền lựa chọn nào khác; bản thân gái mại dâm cũng không muốn hợp pháp hóa hay phi hình sự hóa mại dâm.

Họ chỉ trích sửa đổi luật, lập công đoàn bảo vệ phụ nữ mại dâm, bắt buộc mang bao cao su là các biện pháp nhằm ràng buộc phụ nữ vào thị trường tình dục thay vì mở ra cho họ nhiều con đường hoàn lương. Các nước hợp pháp hóa mại dâm còn bị tố là muốn thu lợi từ ngành công nghiệp tình dục.

Phi hình sự hóa mại dâm không làm tăng mại dâm

Ông Frédéric Boisard, phụ trách dự án của Quỹ Scelles ở Pháp (chủ trương xóa bỏ mại dâm), đánh giá dù các nước cấm mại dâm có khuôn khổ pháp luật chặt chẽ nhưng vẫn không cản nổi mại dâm.

Nhật cấm mại dâm từ năm 1956 nhưng kinh tế ngầm mại dâm vẫn chiếm từ 2-3% GDP. Hàn Quốc cấm mại dâm từ năm 2004, tuy nhiên vẫn còn 270.000 gái mại dâm đường phố, gần 140.000 gái mại dâm trong các tiệm matxa và quán bar karaoke, 45 phố đèn đỏ trên cả nước.

Phố đèn đỏ: LHQ đề nghị hợp pháp hóa mại dâm - Ảnh 4.

Nhật cấm mại dâm từ năm 1956 nhưng kinh tế ngầm mại dâm vẫn chiếm từ 2-3% GDP. Trong ảnh là phố đèn đỏ Kabukicho ở Tokyo - Ảnh: pond5.com

Tháng 10-2012, Liên Hiệp Quốc (LHQ) đã công bố báo cáo dày 226 trang về những hậu quả xảy ra đối với cuộc sống người lao động tình dục sau khi hình sự hóa mại dâm. Các điều tra viên của LHQ đã hỏi han giới lao động tình dục ở 48 quốc gia châu Á để xem xét pháp luật đối với vấn đề mại dâm tác động thế nào đến sức khỏe, gia đình và tình trạng an toàn của họ. 

Kết luận, báo cáo đã đề nghị các nước châu Á nên hợp pháp hóa mại dâm vì cho rằng tại các quốc gia ban hành luật cấm mại dâm, cuộc sống của những người lao động tình dục rất bấp bênh do họ bị loại trừ khỏi xã hội, HIV có cơ hội lây nhiễm rộng rãi hơn, chưa kể bọn môi giới và cảnh sát có điều kiện kiếm chác. 

Báo cáo cho rằng mại dâm là một nghề và người lao động tình dục phải được hưởng các quyền như mọi công dân khác. Ngoài ra, báo cáo của LHQ khẳng định không có bất kỳ bằng chứng nào cho thấy phi hình sự hóa mại dâm sẽ thúc đẩy gia tăng mại dâm.

Tiến sĩ Mandeep Dhaliwal phụ trách chương trình "HIV Sức khỏe và phát triển" của LHQ đã khen ngợi một số nước như Việt Nam, Trung Quốc, Campuchia và Myanmar đã sửa đổi luật để thúc đẩy ngăn chặn HIV lây nhiễm hiệu quả hơn, cảnh sát cũng thay đổi thái độ ứng xử với phụ nữ mại dâm, tuy nhiên bà khuyến cáo vẫn còn nhiều chính sách mâu thuẫn có thể ảnh hưởng sức khỏe cộng đồng.

Không thể xóa bỏ mại dâm

Theo nghiên cứu của Thư viện Quốc hội Canada, phần lớn các nước đều đánh giá vấn đề mại dâm không chỉ liên quan đến pháp luật mà còn liên quan đến xã hội và kinh tế, vì thế cần có chính sách và các biện pháp can thiệp xã hội phù hợp nhằm đáp ứng nhu cầu của những người hành nghề mại dâm và cộng đồng.

Nghiên cứu cho thấy mại dâm lén lút vẫn là loại hình chủ đạo và các biện pháp cấm triệt để mại dâm hay hợp pháp hóa mại dâm đều không thể xóa bỏ loại hình này.

-----

Phía sau các phố đèn đỏ châu Âu Phía sau các phố đèn đỏ châu Âu Đông Nam Á cấm, mại dâm vẫn hoành hành Đông Nam Á cấm, mại dâm vẫn hoành hành Biến tướng mại dâm ở Trung Quốc Biến tướng mại dâm ở Trung Quốc
TRẦN NGỌC LONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên