25/04/2018 13:53 GMT+7

Phía sau các phố đèn đỏ châu Âu

TRẦN NGỌC LONG
TRẦN NGỌC LONG

TTO - Ở châu Âu có hai mô hình tiếp cận vấn đề mại dâm đối lập nhau. Đó là mô hình hợp pháp hóa mại dâm của Hà Lan và mô hình xử phạt người mua dâm và chủ chứa của Thụy Điển (còn được gọi là mô hình xóa bỏ mại dâm kiểu mới).

Phía sau các phố đèn đỏ châu Âu - Ảnh 1.

Tháng 4-2015, gái mại dâm biểu tình ở phố đèn đỏ Amsterdam (Hà Lan) phản đối thị trưởng muốn dẹp một số buồng kính - Ảnh: ANP

Hà Lan ban hành luật hợp pháp hóa mại dâm ngày 28-10-1999 nhằm cải thiện điều kiện của lao động tình dục, chống cưỡng bức mại dâm và buôn bán phụ nữ, chống bóc lột tình dục trẻ em và ngăn chặn tội phạm trong mại dâm.

Nạn buôn người ở Hà Lan không giảm

Sau đó, Trung tâm Tư liệu và nghiên cứu khoa học (thuộc Bộ Tư pháp Hà Lan) và cảnh sát Hà Lan đã nghiên cứu và nhận thấy tình hình gái mại dâm hợp pháp không khá hơn trước. Từ 50-90% bị bắt buộc làm nghề "buôn phấn bán hương".

Dù nhiều người muốn hoàn lương, chỉ 6% địa phương có biện pháp giúp đỡ. Báo cáo chung của chính quyền Amsterdam và Bộ Tư pháp đánh giá tội phạm có tổ chức đã kiểm soát thị trường mại dâm hợp pháp.

50% môn bài cấp cho nhà chứa và quán cà phê chơi cần sa do đối tượng từng có tiền án làm chủ.

Trong bối cảnh đó, từ năm 2008 Hà Lan siết chặt kiểm soát mại dâm, nâng tuổi hành nghề mại dâm từ 18 lên 21 tuổi và bắt buộc họ phải đăng ký. Nhiều khu vực trong phố đèn đỏ bị đóng cửa. Hội đồng thị chính Amsterdam mua lại nhà chứa để bố trí kinh doanh ngành nghề khác.

Năm 2008 có từ 10.000-15.000 lao động tình dục ở Hà Lan. Đến cuối năm 2017 còn 3.500-4.000 người làm việc trong 600-700 câu lạc bộ và nhà chứa, 2.000 người làm ở phố đèn đỏ và 320 người làm ngoài đường phố.

Năm 2017 số buồng kính đã giảm 1/4 so với năm 2007. Số buồng kính giảm, giá thuê lại tăng, các cô không có khách phải tìm thêm khách trên Internet.

Công đoàn gái mại dâm ở Amsterdam e ngại tăng tuổi hành nghề chỉ khiến mại dâm rút vào bí mật.

Cảnh sát Amsterdam đánh giá hình phạt đối với bọn buôn người quá nhẹ nên chúng chẳng chùn tay. Thậm chí ông Lodewijk Asscher, nguyên đô trưởng Amsterdam, khẳng định hợp pháp hóa mại dâm là "sai lầm quốc gia".

Báo cáo viên quốc gia về buôn người của Hà Lan thừa nhận tăng cường các biện pháp kiểm soát vẫn không bảo đảm chống buôn người hiệu quả.

Năm 2010, cơ quan chính phủ phụ trách chống tội phạm RIEC Noord-Holland ghi nhận chỉ 17% quảng cáo mại dâm trên báo và Internet thuộc về các cơ sở mại dâm hợp pháp.

Luật hợp pháp hóa mại dâm của Hà Lan lúc thăng lúc trầm. Xã hội vẫn bài xích gái mại dâm hợp pháp. Một số ngân hàng không cho họ vay tiền tín chấp. Họ vẫn bị chủ chứa, người môi giới và khách hàng bạo hành.

Không ít cô lo ngại đời tư bị tiết lộ nên không đăng ký lấy giấy phép hành nghề và đành tìm đến nhà chứa lậu hoặc ra đứng đường.

Phần lớn gái mại dâm ở Hà Lan (60% năm 2008) đến từ nước ngoài và hầu hết cư trú lậu. Họ sợ bị trục xuất nên không dám tố cáo bọn buôn phụ nữ. Gái mại dâm không thuộc các nước EU không được luật pháp bảo vệ nên càng dễ bị bóc lột và bạo hành hơn.

Hậu quả thị trường mại dâm bất hợp pháp bùng nổ.

Phía sau các phố đèn đỏ châu Âu - Ảnh 2.

Nghị sĩ Bard Hoksrud và ảnh chộp lúc ông bước ra khỏi nhà chứa ở Riga (Latvia) - Ảnh: TV2

Mô hình Thụy Điển cũng xộc xệch

Trái ngược với quan điểm thông thoáng của Hà Lan, Thụy Điển thông qua luật cấm mua dâm năm 1998 chủ trương xử phạt người mua dâm và chủ chứa.

Báo cáo năm 2010 của Bộ Tư pháp nước này đánh giá việc thực hiện luật xử phạt mua dâm đạt kết quả. Dù vậy, theo Thư viện Quốc hội Canada, luật cấm mua dâm của Thụy Điển chưa thực sự thuyết phục.

Chẳng có người mua dâm nào bị kết án tù về hành vi mua dâm. Nguyên nhân do cảnh sát không rõ hành vi cụ thể thế nào là phạm luật, còn tòa án "bó tay" nếu người mua dâm và người bán dâm không thừa nhận.

Số liệu thống kê cũng mâu thuẫn. Cơ quan Điều phối quốc gia về đấu tranh chống buôn người ghi nhận năm 2014 có từ 200-250 phụ nữ mại dâm đường phố so với 650 người năm 1995.

Đài phát thanh quốc gia Thụy Điển lại đưa tin năm 2016, chỉ riêng ở Malmo (thành phố lớn thứ ba sau Stockholm và Goteborg) đã có 47 gái mại dâm đường phố, tăng gấp bảy lần so với năm 2014.

Mô hình xử phạt người mua dâm của Thụy Điển đã được Na Uy, Iceland, Anh và Pháp học tập.

Tại Na Uy, vào tháng 9-2011 kênh truyền hình TV2 của Na Uy từng quay được cảnh nghị sĩ Bard Hoksrud bước ra khỏi nhà chứa ở Riga (Latvia). Ông này phải nộp phạt tương đương 3.200 euro vì luật Na Uy cấm mua dâm trong và ngoài nước.

Nghiên cứu của Andreas Kotsadam cho thấy người dân Oslo ủng hộ luật cấm mua dâm. Cảnh sát đánh giá số gái mại dâm đường phố giảm 50%.

Song trong báo cáo năm 2012, Tổ chức Pro Sentret (trung tâm hỗ trợ gái mại dâm ở Oslo) công bố trong 123 gái mại dâm được hỏi, 59% cho biết họ là nạn nhân bị bạo hành so với 52% năm 2008.

Khách mua dâm sợ bị phạt nên hung hăng hơn, còn gái mại dâm tìm chỗ hành sự kín đáo nên rất khó bảo vệ hơn.

Tại Anh, năm 2010 Anh ban hành luật cấm mua dâm với người bị kiểm soát, bị ép buộc hoặc nạn nhân bạo lực. Nhưng theo nghiên cứu của Tổ chức Crisis công bố vào tháng 12-2010, cứ năm phụ nữ vô gia cư có một người phải bán dâm kiếm sống để tránh ngủ đêm ngoài đường.

Ưu điểm và khuyết điểm

Tổ chức phi chính phủ quốc tế Liên minh chống buôn bán phụ nữ (CATW) đã nghiên cứu ba nước hợp pháp hóa và phi hình sự hóa mại dâm hơn 10 năm nay là Hà Lan, Đức, Úc.

Ưu điểm đạt được là gái mại dâm được tôn trọng phẩm giá và có quy chế hành nghề. Tuy nhiên, công nghiệp tình dục tăng 25% ở Hà Lan. Số nhà chứa ở Úc tăng gấp ba, kéo theo doanh thu du lịch và sòng bạc.

Các mục tiêu chống buôn bán phụ nữ, xóa bỏ mại dâm đường phố, ngăn ngừa tội phạm có tổ chức đều không đạt. 80% gái mại dâm hợp pháp ở Hà Lan là nạn nhân buôn người nhập cư.

Tại Đức, báo cáo năm 2010 của cảnh sát liên bang ghi nhận các vụ điều tra về buôn người tăng hơn 70% trong năm năm qua. 1/5 số vụ có nạn nhân là người chưa thành niên.

Ở Úc, công tác xử lý bọn buôn phụ nữ ngày càng khó khăn. Mại dâm bất hợp pháp và mại dâm trẻ em phát triển mạnh.

______________

Kỳ tới: Liên Hiệp Quốc đề nghị hợp pháp hóa mại dâm

TRẦN NGỌC LONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên