24/04/2020 16:19 GMT+7

Philippines: Đào tạo và xuất khẩu y tá cho thế giới, lại thiếu y tá trong nước

ANH THƯ
ANH THƯ

TTO - Với số ca nhiễm virus corona chủng mới tăng nhanh cùng nhiều ca tử vong vì COVID-19, hậu quả của nạn chảy máu chất xám y tế của Philippines đang đè nặng lên ngành y tế nước này khi các bệnh viện thiếu nhân viên y tế để chăm sóc người bệnh.

Philippines: Đào tạo và xuất khẩu y tá cho thế giới, lại thiếu y tá trong nước - Ảnh 1.

Các nhân viên y tế đang di chuyển các bình oxy dành cho bệnh nhân COVID-19 tại bệnh viện Santa Ana ở Manila, Philippines ngày 14-4 - Ảnh: GETTY IMAGES

Được biết đến như là "xưởng đào tạo và xuất khẩu" y tá số 1 thế giới, Philippines nay lại phải đối mặt với sự thiếu hụt y tá. Đến ngày 24-4, nước này đã có 6.982 ca nhiễm và 462 người bị dịch COVID-19 đánh bại. Số ca tử vong tăng gần gấp năm lần kể từ 1-4.

Số nhiễm và số tử vong vì COVID-19 ở Philippines vẫn đang tăng cao bất chấp việc tổng thống Rodrigo Duterte đã ban hành lệnh phong tỏa đảo chính Luzon cho đến ít nhất là ngày 30-4 và kéo dài thời gian phong tỏa thủ đô Manila, nơi chiếm phần lớn ca nhiễm, đến ngày 15-5.

Với ngày càng nhiều người Philippines đổ bệnh, hậu quả của nạn chảy máu chất xám đang đè nặng lên ngành y tế nước này. Hiện Philippines đang thiếu hụt khoảng 23.000 y tá trên toàn quốc, theo Hiệp hội các bệnh viện tư Philippines.

Xuất khẩu khoảng 18.500 y tá mỗi năm

Tình hình càng nghiêm trọng hơn khi hầu hết bệnh nhân Philippines thậm chí đã qua đời mà không được gặp một chuyên gia y tế, hãng tin Bloomberg dẫn lời nhà lập pháp Gemma Borilla của tỉnh Bulacan, bắc Manila, cho biết. Trong khi đó, đã có khoảng 150.000 y tá người Philippines đang làm việc chỉ riêng ở nước Mỹ.

"Điều đó luôn quanh quẩn trong tâm trí tôi: thực tế là con gái của tôi đang làm y tá ở nước ngoài tại thời điểm này của đại dịch khi người dân nước tôi cần đến sự chăm sóc của con bé", bà Borilla (55 tuổi) chia sẻ. Hiện con gái bà đang làm y tá ở Saudi Arabia.

Từ năm 2012 đến 2016, Philippines sản xuất trung bình mỗi năm khoảng 26.000 y tá có bằng cấp, trong số đó khoảng 18.500 người xuất khẩu lao động ra nước ngoài, theo dữ liệu của chính phủ Philippines.

Ngày 2-4, Philippines đã cấm các nhân viên y tế ra nước ngoài làm việc để củng cố lực lượng y tế trong nước trong cuộc chiến chống COVID-19. Tuy nhiên, sau khi các chính trị gia hàng đầu đất nước phản đối quyết định này, chính phủ đã nới lỏng lệnh cấm để cho phép những y tá đã ký kết hợp đồng có thể rời đi.

Mức lương và điều kiện làm việc tốt hơn là những lý do chính khiến các bác sĩ và y tá Philippines tiếp tục ra nước ngoài làm việc. Hồi tháng 1, khi virus corona bắt đầu lây lan ra khỏi biên giới Trung Quốc, tổng thống Duterte đã ký luật tăng lương hằng năm cho tất cả nhân viên chính phủ, bao gồm các y tá, cho đến năm 2023.

Bộ Y tế Philippines cũng bắt đầu một chương trình tuyển dụng khẩn cấp cho các trung tâm y tế công cộng và tư nhân được chỉ định để điều trị bệnh nhân COVID-19. Ngoài những điều khoản khác, Bộ cam kết mức lương cao hơn 20% so với lương cơ bản do chính phủ quy định, trợ cấp và thậm chí là khoản bồi thường 1 triệu peso (19.734 USD) trong trường hợp không may qua đời trong thời gian làm việc tại bệnh viện.

Hãng tin Bloomberg ước tính Philippines cần phải tuyển 15.000 nhân viên chăm sóc sức khỏe cho các bệnh viện điều trị bệnh nhân COVID-19. Tuy nhiên, thứ trưởng Bộ Y tế Philippines Maria Rosario Vergeire ngày 23-4 cho biết bộ chỉ mới tiếp nhận và xử lý 700 đơn xin việc.

Trong khi đó, một số bệnh viện đang cố gắng bù đắp sự thiếu hụt bằng cách yêu cầu các y tá làm việc theo ca dài hơn và thuê thêm nhân viên tốt nghiệp trường điều dưỡng làm hộ lý, phụ trách cấp thuốc trong khi chờ những người này làm bài kiểm tra lấy giấy phép hành nghề, theo ông Rustico Jimenez, chủ tịch Hiệp hội các bệnh viện tư Philippines (có khoảng 900 bệnh viện).

Tỉ lệ 1:80

Philippines là quốc gia đông dân thứ hai ở Đông Nam Á với khoảng 100 triệu dân. Trong khi tỉ lệ y tá trên bệnh nhân lý tưởng là 1:12 thì một số khu vực tại Philippines phải chịu tỉ lệ 1:80. Tỉ lệ bác sĩ trên bệnh nhân cũng khá thấp ở Philippines khi chỉ có 6 bác sĩ phải chăm sóc cho mỗi 10.000 người, một trong những tỉ lệ thấp nhất tại Đông Nam Á, theo Tổ chức Y tế Thế giới.

Với sự thiếu hụt nhân lực trên, nghị sĩ Quốc hội Rommel Rico Angara cho biết 7/10 người Philippines đã phải chết mà không gặp được một chuyên gia chăm sóc sức khỏe.

Ngoài ra, ngày càng ít người Philippines tham gia vào lĩnh vực này sau khi nghe về các nhược điểm của ngành y tế. Các bệnh viện tư lớn và các bệnh viện bang có thể đề xuất mức lương khởi điểm khoảng 25.000 peso/tháng (khoảng 493 USD/tháng) nhưng tại các tỉnh thì mức lương này chỉ khoảng từ 3.000-6.000 peso.

Trong khi đó, một y tá có thể kiếm được gấp 5 lần mức lương cao nhất ở Philippines nếu chịu ra nước ngoài làm việc, đặc biệt là sang Mỹ và Saudi Arabia. Điều này khiến cho nạn chảy máu chất xám y tế ở Philippines tiếp tục nghiêm trọng.

Philippines gửi hai công hàm phản đối Trung Quốc về Biển Đông Philippines gửi hai công hàm phản đối Trung Quốc về Biển Đông

TTO - Philippines ngày 22-4 phản đối Trung Quốc vì chĩa súng vào tàu Philippines và việc Bắc Kinh tuyên bố "lãnh thổ của Philippines" thuộc về tỉnh Hải Nam của Trung Quốc.

ANH THƯ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên