12/06/2024 16:49 GMT+7

Philippines cáo buộc Trung Quốc bắt nạt, quyết tâm bảo vệ tài nguyên ở Biển Đông

Bộ trưởng Quốc phòng Philippines cáo buộc Trung Quốc đang muốn buộc Manila khuất phục hoặc nhượng bộ ở Biển Đông.

Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Gilbert Teodoro khẳng định sẽ không khuất phục sự bắt nạt của Trung Quốc ở Biển Đông - Ảnh: ABS-CBN

Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Gilbert Teodoro khẳng định sẽ không khuất phục sự bắt nạt của Trung Quốc ở Biển Đông - Ảnh: ABS-CBN

Trả lời phỏng vấn báo Financial Times ngày 12-6, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Gilbert Teodoro cho biết nước này phải đối mặt "vấn đề hiện sinh" trước các mối đe dọa từ Bắc Kinh ở Biển Đông.

"Đây là một vấn đề mang tính sống còn đối với chúng tôi. Không tìm kiếm xung đột, nhưng chúng tôi sẽ không lùi bước nếu những gì của mình bị ai đó chiếm đoạt trái phép, đặc biệt những kẻ bắt nạt", ông Teodoro nhấn mạnh.

Ông Teodoro cho biết các nguồn tài nguyên ở Biển Đông vô cùng quan trọng đối với "các thế hệ tương lai của Philippines" và nước này phụ thuộc vào thương mại quốc tế đi qua Biển Đông.

"Chúng ta cần tất cả những nguồn tài nguyên này trong phạm vi ranh giới mà luật pháp quốc tế đã cung cấp và chúng ta cần phải đấu tranh vì điều này. Nếu không, chúng sẽ bị Trung Quốc lấy đi", ông Teodoro nói.

Philippines theo đuổi lập trường quyết đoán hơn về vấn đề Biển Đông dưới thời Tổng thống Ferdinand Marcos Jr. Trong những tháng gần đây, căng thẳng tiếp tục dâng cao bởi hàng loạt cuộc chạm trán giữa tàu 2 nước.

Tháng trước, ông Marcos cảnh báo rằng bất kỳ công dân Philippines nào thiệt mạng do "hành động cố ý" sẽ bị coi như "hành động chiến tranh".

Biển Đông, trải dài từ Singapore đến eo biển Đài Loan, có nhiều dầu mỏ và khí đốt tự nhiên, đồng thời cũng là tuyến đường thương mại quan trọng.

Ảnh chụp ngày 19-5 cho thấy hai chiếc thuyền bơm hơi của Trung Quốc (trái và phải) đang di chuyển gần thuyền của lực lượng Philippines gần tiền đồn của Manila tại bãi Cỏ Mây thuộc Biển Đông - Ảnh: AFP

Ảnh chụp ngày 19-5 cho thấy hai chiếc thuyền bơm hơi của Trung Quốc (trái và phải) đang di chuyển gần thuyền của lực lượng Philippines gần tiền đồn của Manila tại bãi Cỏ Mây thuộc Biển Đông - Ảnh: AFP

Phán quyết ngày 12-7-2016 của Hội đồng trọng tài thành lập theo Phụ lục VII của Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982 nhấn mạnh Trung Quốc không có cơ sở pháp lý để yêu cầu quyền lịch sử đối với các nguồn tài nguyên vượt quá các quyền mà UNCLOS quy định.

Tuy nhiên, Bắc Kinh bác bỏ phán quyết và triển khai lực lượng bảo vệ bờ biển và các tàu thuyền khác để tuần tra và bồi đắp trái phép một số rạn san hô thành đảo nhân tạo.

Các tàu dân quân biển và lực lượng bảo vệ bờ biển Trung Quốc đã sử dụng tia laser và vòi rồng cấp quân sự để cản trở sứ mệnh tiếp tế của Philippines cho lực lượng đóng tại bãi Cỏ Mây.

Trong bối cảnh căng thẳng gia tăng, Philippines đã công bố kế hoạch hiện đại hóa quân đội trị giá 35 tỉ USD trong năm nay, bao gồm cả việc mua một số tàu ngầm.

Ông Teodoro cho biết Manila đang tăng cường "năng lực răn đe [và] khả năng đảm bảo an ninh đầy đủ" lãnh thổ của mình. Từ chối cung cấp thông tin chi tiết nhưng ông cho biết sẽ mua thiết bị từ "các quốc gia có lợi ích chiến lược phù hợp với lợi ích của chúng tôi".

Ông nói thêm Philippines cũng đã tăng cường quan hệ quân sự với các nước như Mỹ, Anh và Úc, đồng thời đang tiếp xúc song phương với các nước có yêu sách ở Biển Đông.

Cũng theo ông, Philippines không muốn leo thang căng thẳng, nhưng dự đoán Trung Quốc sẽ tiếp tục "hành xử gian xảo" và cho rằng hành động gây hấn của Bắc Kinh cho thấy nước này "không nghiêm túc trong việc đàm phán một cách thiện chí".

"Họ đang cố bắt nạt chúng tôi để phải phục tùng hoặc buộc chúng tôi nhượng bộ, điều mà chúng tôi sẽ không đồng ý", ông nhấn mạnh.

Tàu chiến Hà Lan tuần tra ở biển Hoa Đông, Trung Quốc chỉ trích Tàu chiến Hà Lan tuần tra ở biển Hoa Đông, Trung Quốc chỉ trích 'hành động ghê tởm'

Bộ Quốc phòng Trung Quốc ngày 11-6 cáo buộc Hà Lan giả vờ thực hiện nhiệm vụ của Liên Hiệp Quốc, khoe khoang sức mạnh ở vùng biển và không phận thuộc quyền tài phán của quốc gia khác.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên