09/08/2013 15:35 GMT+7

Phiên tòa đẫm nước mắt

CHI MAI
CHI MAI

TT - Suốt một thời gian dài, người phụ nữ này đã phải cắn răng chịu đựng uất ức vì sự dằn hắt, đánh chửi của chồng mỗi ngày những mong cho êm cửa êm nhà. Đến lúc sức chịu đựng tưởng như đã cạn, chị quyết định tìm giải thoát cho mình.

mc1pGSev.jpgPhóng to
Mỹ Linh khóc suốt trong phiên tòa xử mình về tội giết con - Ảnh: Chi Mai

Nhưng thay vì dùng cách nào đó để chồng sửa đổi, chấm dứt gây đau khổ cho vợ con thì trong cơn quẫn trí, người phụ nữ ấy lại quyết định chấm dứt chuỗi ngày đau khổ của mình bằng một đống thuốc cảm, uống an thần.

Rồi lại chợt nghĩ mình chết thì dễ rồi, nhưng con gái bé nhỏ thường đeo bám mẹ biết ai chăm? Trong cơn hoảng loạn, chị quyết định đưa con đi cùng mình. Đau đớn thay, chị được cứu sống nhưng con gái bé bỏng đã vĩnh viễn ra đi. Phản ứng sai lầm nghiêm trọng ấy đã khiến chị phải tiếp tục cuộc sống tù tội nhiều năm trong nỗi ân hận, giày vò khôn nguôi.

Lựa chọn cuối cùng

Câu chuyện về kết cục đau lòng của tấn bi kịch gia đình chị Nguyễn Thị Mỹ Linh (39 tuổi, ngụ quận Bình Tân, TP.HCM) được tái hiện trong khán phòng nhỏ của TAND TP.HCM một ngày tháng 3-2013. Người phụ nữ đau khổ ấy phải đứng trước vành móng ngựa bởi đã phạm tội giết người, lại là giết chính đứa con gái hơn 2 tuổi mà chị rứt ruột sinh ra.

Không phiên tòa nào người dự khán lại phải chứng kiến nhiều nước mắt đến thế. Dường như mỗi câu hỏi, mỗi lời khai xác nhận tội trạng đã gây ra lại là một nhát cứa khiến người phụ nữ đau khổ càng quặn lòng đau xót.

Mỹ Linh khai chị cùng chồng đã từng có những khoảng thời gian vô cùng hạnh phúc, hai đứa con một trai một gái chào đời. Anh T., chồng chị, từng trải qua chuỗi ngày sa đà nghiện ngập, nhưng với tình yêu của mình chị vẫn quyết định ở bên anh, giúp anh trở lại cuộc sống bình thường. Anh T. làm nghề sửa xe, còn Mỹ Linh sau khi sinh đứa thứ hai (bé gái X.M., sinh năm 2009) thì ở nhà chăm con.

Cũng từ đó cuộc sống gia đình trở nên khó khăn hơn. Thu nhập của mình anh T. không trang trải nổi cho chi tiêu của cả nhà khiến nhiều lần chị phải giật gấu vá vai mượn đầu nọ đắp đầu kia. Vậy mà buồn là anh T. hay đi uống rượu. Mỗi lần uống về anh lè nhè, chửi vợ mắng con.

Khoản tiền nợ của chị thường là đề tài để anh lôi ra chửi mắng. Thế rồi chị còn phát hiện dường như anh có mối quan hệ với một phụ nữ khác. Những đau khổ, uất ức chất chồng khiến mâu thuẫn hai vợ chồng căng thẳng hơn. Đi làm thì thôi, hễ về đến nhà là anh chị lại gây gổ, cắn đắn lẫn nhau...

Dù còn nhiều người thân, anh chị em khác trong gia đình nhưng chị lại không muốn tâm sự vì sợ gia đình càng buồn thêm vì mình.

Một mình âm thầm chịu đựng chuỗi ngày bức bối ấy đã khiến Mỹ Linh như không còn sáng suốt, chị cảm thấy cuộc sống của mình thật bế tắc, chẳng còn đáng sống nữa.

Tối đó, chị viết thư tuyệt mệnh rồi ra tiệm thuốc tây mua liền hai lọ thuốc cảm (một lọ 100 viên tròn và một lọ 200 viên hình dẹt) mang về nhà. Nhiều lần mua thuốc cảm cho con uống, thấy thuốc có ghi tác dụng là gây ngủ, uống quá liều sẽ nguy hiểm nên chị nghĩ uống một lượng lớn thuốc như vậy thì mình sẽ chết, sẽ được giải thoát khỏi những đau khổ này.

Thế nhưng nghĩ mình chết rồi còn hai đứa con (đứa lớn 10 tuổi, đứa nhỏ hơn 2 tuổi) ai lo. Chị không đành, cố gắng để trò chuyện, hòa giải với chồng.

Tình hình có dịu lại nhưng chẳng được bao lâu. Chỉ vài ngày sau, vào buổi tối 5-6-2012, sau khi uống rượu say anh T. lại tiếp tục lôi Linh ra chửi mắng. Nỗi uất ức trong lòng lại bùng lên, ý định tự tử quay trở lại. Chị nghĩ chuyến đi vĩnh viễn này là để giải thoát cho mình, có khi điều đó cũng khiến anh T. hối hận mà sửa đổi, toàn tâm toàn ý quay về với gia đình để lo cho con.

Sợ khi mình uống thuốc ngủ mê man mà ban đêm con quấy khóc sẽ khiến chồng phát hiện, chị cho đứa con gái (ngủ cùng mẹ) uống thuốc cảm với liều lượng gấp bốn lần bình thường cho con ngủ say. Sau khi con bé đã ngủ, Linh uống hết mấy trăm viên thuốc cảm còn lại và uống thêm hai vỉ thuốc an thần đã mua trước đó, rồi nằm xuống ngủ cạnh con.

Thế rồi khi thuốc bắt đầu ngấm, Linh lơ mơ. Trong cơn hoảng loạn, nhìn sang thấy con vẫn ngủ say bên cạnh, Linh lại không muốn để con gái bé bỏng bơ vơ vì thiếu mẹ, chị muốn mang con cùng đi với mình...

Khai đến đó, người mẹ tội nghiệp khóc ngất, như không còn đủ can đảm nhìn nhận lại hành vi độc ác của mình. Chị chỉ còn có thể gật đầu, nghẹn ngào xác nhận câu hỏi của hội đồng xét xử về hành vi phạm tội như mô tả tại bản cáo trạng: chính chị đã dùng tay bóp cổ cướp đi mạng sống của đứa con vô tội chỉ vì sự ích kỷ của mình!

Trước tòa, Mỹ Linh không thể lý giải được tại sao lúc đó mình có thể làm như thế. Có lẽ, như lời vị luật sư, sự trầm uất một thời gian dài cộng với cơn hoảng loạn dưới tác dụng của thuốc an thần, người mẹ ấy mới có hành động dại dột đến không thể tha thứ như vậy!

Bản án nặng nề hơn

Sự đau khổ khiến anh T., người được cho là nguyên nhân của vụ việc đau lòng này, như câm lặng. Trước phiên tòa phán quyết hành vi phạm tội của vợ, anh T. thừa nhận mình là người có lỗi. Giải thích cho việc thường chửi mắng, đánh đập vợ, anh nói do say rượu.

Biết vậy mà sao lại thường xuyên uống rượu? Anh lại đổ rằng phải uống để quên đi cảm giác thèm ma túy, để đừng tái nghiện. Trước tiếng nức nở của vợ, ánh mắt trách giận của những người dự khán và những câu hỏi của hội đồng xét xử, anh chỉ biết cúi đầu mà rằng đã rất hối hận về những việc mình làm.

Đêm ấy khi đang ngủ, anh nghe tiếng vật vã, ú ớ bất thường của vợ nên đã chạy sang và phát hiện sự việc đau lòng, vội vàng đưa vợ con đi cấp cứu. Thế nhưng, vì sự sai lầm của vợ chồng anh, đứa con gái tội nghiệp đã ra đi vĩnh viễn...

Anh T. cầu xin tòa hãy giảm hình phạt cho vợ, để đứa con trai sớm được mẹ chăm sóc. Anh cũng nói hiện mình đã sửa đổi, đã bỏ uống rượu, dành thời gian đưa đón, chăm sóc con trai. Hiện cháu đang sống với anh, hằng ngày vẫn mong chờ ngày mẹ về.

“Bao đêm tôi không thể ngủ vì tội lỗi của mình. Mỗi lần nghĩ đến con gái, tôi không còn muốn sống nữa. Nhưng nghĩ đến đứa con trai đã nói tôi đừng bỏ nó nữa, tôi cũng cố mà vượt qua...”, chị lại lau nước mắt khi trình bày với tòa lý do chị xin tòa giảm án cho mình.

Dù đã cân nhắc nhiều tình tiết giảm nhẹ nhưng mức án dành cho người mẹ tội lỗi này vẫn là 8 năm tù. Chị lại bưng mặt khóc, chẳng dám ngước nhìn người thân khi được cảnh sát dẫn giải rời khỏi phiên tòa.

Anh T. cứ đứng tần ngần nơi phòng xử mà nhìn theo bóng vợ. Mấy chị em gái của Mỹ Linh có mặt tại phiên tòa cũng bật khóc, chạy theo luật sư để hỏi về thủ tục kháng cáo.

Nói về vụ án này, vị thẩm phán là thành viên hội đồng xét xử trầm ngâm: “Ngồi xét xử vụ án này mà tôi cứ bàng hoàng, không thể hiểu được vì sao bị cáo lại chọn cách hành xử kinh khủng như vậy. Đành rằng bị cáo là nạn nhân, bị chồng cư xử tàn tệ vì đã thay lòng đổi dạ, nhậu nhẹt thường xuyên nhưng bị cáo cũng còn cha mẹ, chị em, con cái. Phải chi bị cáo chịu chia sẻ, tâm sự để nhờ người thân giúp đỡ, can thiệp kịp thời thì có lẽ đã không có kết cục đau lòng này. Đứa trẻ có tội gì đâu, thế mà phải mất mạng vì sai lầm của cha mẹ mình”.

Bản án 8 năm tù rồi cũng sẽ qua. Thế nhưng bản án lương tâm, sự dằn vặt về tội lỗi của mình đã gây ra với con cái có lẽ mới là bản án nặng nề hơn cho chị và cả anh T. trong suốt cuộc đời còn lại.

Hành vi lăng mạ, xúc phạm, hành hạ nhau cả về thể xác lẫn tinh thần giữa chính những người thân trong gia đình thường để lại hậu quả khủng hoảng tâm lý nặng nề, gây ức chế cho người phải chịu đựng lâu ngày, rất dễ dẫn đến những hành động mất kiểm soát.

Mỗi trường hợp bạo hành gia đình lại xuất phát từ những nguyên nhân, hoàn cảnh khác nhau mà chỉ có người trong cuộc mới hiểu hết được. Nhiều gia đình nhìn vào tưởng như êm ấm hạnh phúc nhưng có khi người vợ, người chồng phải ngày đêm âm thầm chịu đựng sự đau khổ, dồn nén uất ức vì cách đối xử của vợ, chồng với mình. Phải hiểu tường tận những mâu thuẫn, mắc mứu căng thẳng giữa những người thân trong gia đình thì mới có thể giải quyết được tận gốc, chấm dứt tình trạng bạo hành giữa những người thân ruột thịt với nhau.

Khi bị người thân đối xử tàn tệ với mình, nạn nhân cần tìm đến sự chia sẻ của người thân, bạn bè, chuyên gia tâm lý và sự hòa giải cơ sở của các cơ quan, đoàn thể chính quyền của địa phương. Nạn nhân cũng cần nhờ đến sự can thiệp, giúp đỡ kịp thời của cơ quan có thẩm quyền để tránh những sự việc đáng tiếc.

Thẩm phán Bùi Văn Trí (phó chánh tòa dân sự TAND TP.HCM)

Tin bài liên quan:

Kỳ 1: Phòng trưng bày “có một không hai” Kỳ 2: Nhật ký của một bác sĩ Kỳ 3: 12 năm sống trong sợ hãi Kỳ 4: Tuổi thơ, lằn roi và nước mắt Kỳ 5: Tận cùng tàn độc Kỳ 6: Người đàn bà và cái huyệt trong nhà Kỳ 7: Chết dưới tay chồng Kỳ 8: 4 người, 3 bữa ăn, 100.000 đồng...

____________

Kỳ tới: Lần chống trả cuối cùng

CHI MAI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên