Bệnh viện Bệnh nhiệt đới, nơi điều trị cho bệnh nhân 91 - Ảnh: XUÂN MAI
Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM cho biết tổn thương phổi của bệnh nhân này ngưng tiến triển tuy nhiên thông khí còn rất hạn chế, tình trạng rối loạn đông máu nặng vẫn chưa cải thiện, dù kết quả xét nghiệm RT-PCR SARS-COV-2 ở cả bệnh phẩm dịch rửa phế quản và dịch mũi họng của bệnh nhân đều âm tính.
Hiện tại, bệnh nhân không sốt, nằm yên (có sử dụng thuốc an thần). Bệnh nhân tiếp tục thở máy xâm nhập, tiếp tục được oxy hóa máu qua màng ngoài cơ thể (ECMO) và lọc máu liên tục.
Do đây là bệnh nhân nhiễm COVID-19 nặng nên Bệnh viện Bệnh nhiệt đới thường xuyên cập nhật tình hình và xin ý kiến hội đồng chuyên môn cấp quốc gia để thống nhất hướng điều trị tiếp theo.
Hiện nay, theo ý kiến hội chẩn của Hội đồng chuyên môn cấp quốc gia, ngoài các can thiệp hồi sức hô hấp tuần hoàn chuyên sâu như trên, công tác điều trị tình trạng rối loạn đông máu ở bệnh nhân này đang tập trung điều trị theo hướng hội chứng HIT (Heparin-induced thrombocytopenia).
Trước đó, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết nhóm tuổi bệnh nhân COVID-19 có nguy cơ cao là nhóm trên 60 tuổi. Nhóm tuổi này ở Việt Nam có 20 bệnh nhân, 4/20 người bệnh nặng, phải thở máy và 1 trong 4 người phải chạy ECMO (thiết bị tim phổi nhân tạo).
Ở nhóm bệnh nhân 40-60 tuổi có 69 bệnh nhân, có 2/69 bệnh nặng, phải thở máy, một trong hai người là phi công người Anh mới 43 tuổi (bệnh nhân 91 và có liên quan ổ dịch bar Buddha ở quận 2, TP.HCM) nhưng diễn biến nặng nhanh, hiện vừa phải thở máy, vừa chạy ECMO, lọc máu liên tục. Bệnh nhân cũng đã có biểu hiện suy đa tạng.
Lý do viên phi công còn ở nhóm tuổi, nguy cơ không phải cao nhất nhưng lại là một trong hai ca bệnh nặng nhất ở Việt Nam cho đến nay, theo ông Sơn, phi công này cao 1,83m nhưng nặng 100kg, chỉ số khối cơ thể (BMI) là 30,1 và có tình trạng béo phì, thuộc nhóm bệnh có nguy cơ cao nếu mắc thêm một bệnh lý nào khác, trong đó có COVID-19.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận